Kể từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine đến nay, cả hai bên đã thu giữ rất nhiều vũ khí của nhau. Trong đó Ukraine đã thu được nhiều vũ khí mới của Nga và nhiều vũ khí từ thời Liên Xô.
Trong hai ngày qua, Ukraine đã thu giữ thêm một xe chiến đấu bộ binh (CĐBB) BMP-2 mà Quân đội Nga đang sử dụng nhiều trên chiến trường Ukraine.
Bất cứ ai quen thuộc với sự phát triển của vũ khí Liên Xô/Nga đều biết, BMP-2 là một loại xe chiến đấu bộ binh khá cũ; và thậm chí có thể coi là “tiền thân” của các loại xe chiến đấu bộ binh hiện đại.
Vậy Nga hiện có bao nhiêu loại xe chiến đấu bộ binh tương tự? Hiệu suất chiến đấu thực tế ra sao?
Xe CĐBB thực sự đầu tiên trên thế giới là BMP-1, tiền thân của BMP-2. Vũ khí chính là pháo 73mm 2A28. Trong Chiến tranh Yom Kippur, Liên Xô nhận thấy xe CĐBB BMP1 có những điểm yếu rõ ràng; vì vậy một mẫu cải tiến nhanh chóng được đưa ra, đó là BMP-2.
So với BMP-1, BMP-2 có một số thay đổi; đầu tiên là loại bỏ pháo có tốc độ bắn thấp trước đây và thay thế bằng pháo bắn nhanh 30mm 2A42, có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn.
Đồng thời, các tên lửa chống tăng thế hệ 1 (điều khiển bằng dây) đã được thay thế bằng tên lửa chống tăng thế hệ 2 (điều khiển bằng laser). Kích thước của tháp pháo đã lớn hơn đáng kể, người chỉ huy và xạ thủ ngồi chung trong tháp pháo, để thuận tiện cho việc sử dụng hỏa lực.
Ngoài ra, thể tích của khoang chứa bộ binh bị giảm so với BMP1, trước đây nó có thể chở được 8 người nhưng nay đã giảm xuống còn 7 người. Các cải tiến khác chủ yếu tập trung vào lớp giáp và một số chi tiết; nhưng nhìn chung thiết kế tổng thể vẫn tương tự.
BMP-2 là một loại xe CĐBB rất nhỏ với chiều dài chỉ 6,7 mét, rộng 3,15 mét và cao chỉ 2,45 mét ở điểm cao nhất của tháp pháo.
Xe có ba thành viên tổ lái (trưởng xe, lái xe và pháo thủ) và bảy lính bộ binh, tổng trọng lượng chiến đấu chỉ 14,3 tấn; thậm chí không bằng một số loại xe bọc thép bánh lốp hiện nay, gần như chỉ bằng 1/3 xe chiến đấu bộ binh bánh xích tiên tiến; do vậy khả năng bảo vệ khá yếu.
Ý tưởng thiết kế của BMP-2 là tốt trong những năm 1960 và 1970 hoặc thậm chí là trong những năm 1980; tuy nhiên những thiếu sót cũng rất rõ ràng. Phần giáp dày nhất của xe chỉ 33 mm, dù có góc nghiêng lớn, nhưng đối mặt với đạn pháo uy lực, thì rất khó chống đỡ.
Bản thân công suất động cơ BMP-2 chỉ là 300 mã lực và rất khó để cải thiện khả năng bảo vệ bằng cách tăng thêm độ dày lớp giáp. Ưu điểm là tốc độ lái tương đối nhanh, có thể đạt tốc độ tối đa đạt 65 km/h.
Bản thân BMP-2 cấu tạo tương đối đơn giản, nên thuận tiện cho việc sản xuất hàng loạt. Nếu xét từ góc độ đáp ứng yêu cầu chiến tranh tổng lực của Quân đội Liên Xô, thì xe BMP-2 gần như hoàn hảo. Sau này Liên Xô phát triển xe chiến đấu bộ binh BMP-3 với hỏa lực mạnh hơn, tốc độ nhanh hơn.
Có thể nói rằng, hiệu suất của BMP-2 trong thực chiến là không cao, nguyên nhân lớn nhất là khả năng bảo vệ quá yếu, nhiều loại vũ khí hạng nhẹ có thể dễ dàng xuyên thủng lớp giáp của nó, chưa kể đến đạn pháo cỡ lớn và đạn tên lửa chống tăng. Điểm mạnh nhất của loại phương tiện này, đó là vì nó rất nhẹ, nên có thể vận tải với số lượng lớn bằng bất cứ phương tiện gì, từ máy bay, tàu hoả cho tới xe đầu kéo.
Trước đó, các phương tiện chiến đấu bộ binh chủ lực của phương Tây, đã lấy khả năng chống lại sự tấn công của súng phóng lựu RPG7 (B-41), làm tiêu chuẩn bảo vệ.
Vậy có bao nhiêu chiếc BMP-2 đang được sử dụng trong Quân đội Nga? Đầu tiên phải nói rằng kho vũ khí mặt đất từ thời Liên Xô của Nga vẫn còn rất lớn, thậm chí có thể miêu tả là “đáng kinh ngạc”.
Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh Thuỵ Điển, trong tổng số vũ khí hiện có, Quân đội Nga có khoảng 16.500 xe tăng chiến đấu chủ lực, gần 20.000 xe chiến đấu bộ binh, gần 20.000 xe bọc thép chở quân và hơn 12.000 khẩu pháo xe kéo.
Nhưng con số thực tế được sử dụng ít hơn nhiều, chẳng hạn như chỉ có hơn 2.000 xe tăng chiến đấu chủ lực, hơn 5.000 xe CĐBB và các xe bọc thép nhiều hơn một chút, nhưng chỉ có hơn 6.000 chiếc.
Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga có khoảng 450 chiếc BMP-1 và 20 chiếc BMP-1AM cải tiến; nhưng theo thống kê, khoảng 140 chiếc BMP-1 đã bị phá hủy trong cuộc xung đột.
So với BMP-1 có số lượng tồn kho nhiều, nhưng số lượng xe chiến đấu tương đối ít, thì số lượng xe BMP-2 trong biên chế chiến đấu lớn hơn nhiều; hiện có gần 3.000 xe đang hoạt động và 1.500 xe khác đang niêm cất trong kho.
Do số lượng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 chỉ có 640 chiếc, nên xe CĐBB chủ lực của lực lượng mặt đất Nga thực chất là BMP-2 ở cấp độ những năm 1980; điều này cho thấy trình độ thực của lực lượng thiết giáp mặt đất Nga.
Trong số những chiếc BMP-2 này, chỉ có khoảng 70 chiếc là phiên bản sửa đổi BMP-2M đang được sử dụng và 2.900 chiếc còn lại là những mẫu vẫn còn nguyên bản.
Mặc dù Nga đã nâng cấp những xe CĐBB cũ này, nhưng phải nói rằng vẫn còn quá ít những mẫu xe hiện đại; theo đánh giá, đã có hơn 400 chiếc BMP-2 đã bị mất trong cuộc chiến này.
Các mẫu vũ khí Nga có chữ M nói chung là các mẫu cải tiến. Những phiên bản được gọi là cải tiến của BMP-2M này, thực sự được nâng cấp rất hạn chế.
Mặc dù Nga đã phát triển rất nhiều loại xe chiến đấu bộ binh mới, chẳng hạn như Kurganets-25 hay xe CĐBB hạng nặng T-15; tuy nhiên những mẫu xe này, mới chỉ là những phiên bản thử nghiệm, chứ chưa được sản xuất loạt.
Chỉ khi nguồn vốn được cung cấp đủ, Nga mới có thể hoàn thành mọi công việc phát triển và sản xuất. Nếu Nga phát triển một loại vũ khí mới và không xuất khẩu được, thì rất có thể Nga sẽ không trang bị cho quân đội của mình với số lượng lớn.
Nếu so sánh, hiệu suất kỹ thuật tổng thể của chiến xa chở quân dòng M2 của Mỹ rõ ràng là mạnh hơn nhiều so với BMP-2 của Nga.
Anh cũng có xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Ajax, Đức có xe bọc thép chở quân Boxer, đều có khả năng bảo vệ tốt hơn các loại xe thiết giáp của Nga.
Với tình hình bị cấm vận hiện tại của Nga, sẽ rất khó để Moscow có thể xuất khẩu vũ khí với số lượng lớn, qua đó thu về một lượng tiền đủ để sản xuất hàng loạt các loại vũ khí đời mới. Một điểm dễ dàng nhận thấy, đó là so với vũ khí thời Liên Xô, vũ khí Nga hiện nay có giá thành không hề rẻ, thậm chí đắt ngang với vũ khí NATO. Và trên thị trường quốc tế, việc mất đi lợi thế giá rẻ, sẽ là đòn chí mạng với khả năng xuất khẩu vũ khí của Moscow.