Lựa chọn đứng ngoài cuộc xung đột
Trong quá trình chuẩn bị đăng cai World Cup 2014 và Thế vận hội mùa Hè 2016, Brazil đã mua 34 pháo phòng không tự hành bánh xích Gepard 1A2 từ Đức để bảo vệ bầu trời của mình. Sau đó, khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, Chính phủ Đức bắt đầu gửi cho Ukraine loại pháo phòng không tự hành này. Gepard 1A2 có thể bắn hạ máy bay từ khoảng cách hơn 5 km. Nhưng nó thiếu đạn.
Pháo phòng không tự hành bánh xích Gepard 1A2 mà Đức gửi cho Ukraine cần có đạn từ Brazil. Ảnh: Spiegel
Vì vậy, vào năm ngoái phía Đức đã yêu cầu chính phủ Brazil trả lại số đạn chưa sử dụng. Tuy nhiên, phản ứng của Brazil rất rõ ràng: Sẽ không trả lại nếu số đạn ấy được đưa đến Ukraine.
Quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh hiểu rằng họ đang ở một vị trí khó khăn. Brazil đã kêu gọi hòa bình và, trong các tuyên bố được diễn đạt cẩn thận, đã phản đối việc Nga tấn công Ukraine. Nhưng đất nước phụ thuộc vào Nga về phân bón và nhiên liệu này cũng nói rõ rằng họ sẽ không gửi bất kỳ loại vũ khí nào cho Ukraine. Thay vào đó, Brazil thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.
“Tôi không muốn tham chiến,” Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil nói trong phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây. “Tôi muốn thấy chiến tranh kết thúc. Mỹ, Liên minh châu Âu cần bắt đầu nói về hòa bình để chúng ta có thể thuyết phục các ông Putin và Zelenskyy rằng hòa bình là lợi ích của tất cả mọi người”.
Các tài liệu Lầu Năm Góc mới bị rò rỉ cho thấy Ukraine đang ngày càng khao khát vũ khí để kìm hãm đà tiến của quân đội Nga, đặc biệt là các loại hệ thống phòng không mà Brazil có thể cung cấp. Khi vũ khí ở phương Tây cạn kiệt, Ukraine và các đồng minh đang gây áp lực lên một số quốc gia đã tránh tham gia vào cuộc xung đột để yêu cầu sự giúp đỡ.
Nhưng trong một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Ukraine - và nói rộng ra là một chiến thắng về chính sách đối ngoại của Nga - một số quốc gia nói rằng họ vẫn giữ ý định đứng ngoài cuộc.
Tổng thống Gustavo Petro của Colombia cho biết vào tháng 1 rằng ông từ chối yêu cầu gửi các loại vũ khí do Nga sản xuất cho Mỹ, nước dự định cung cấp số khí tài đó cho Ukraine, vì hiến pháp Colombia yêu cầu ông theo đuổi hòa bình. Ông Petro nói thêm rằng Mỹ Latinh không nên đứng về phía nào. “Chúng tôi không ở cùng phía với ai”, Tổng thống Colombia nói.
Tương tự, Hàn Quốc cũng từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, với lý do chính sách của nước này là không gửi vũ khí cho một quốc gia đang tham chiến. Và sau đó là Brazil. Theo New York Times, Ukraine đã đưa ra ít nhất hai yêu cầu với Brazil để mua một danh sách dài các loại vũ khí bao gồm xe bọc thép, máy bay, hệ thống phòng không, đạn súng cối, súng bắn tỉa, vũ khí tự động và đạn. Nhưng Brazil lắc đầu.
Không máy bay và đạn dược
Sự từ chối của các quốc gia như Brazil được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố: bối cảnh chính trị trong nước, các chính sách nội bộ ngăn cản họ trang bị vũ khí cho những quốc gia liên quan đến xung đột và sự phụ thuộc của họ vào Nga đối với các mặt hàng nhập khẩu quan trọng.
Brazil là một trong những nước sản xuất nhiều máy bay chiến đấu, đặc biệt là những chiếc máy bay tấn công hạng nhẹ Super Tucano do Embraer chế tạo vốn đang rất được ưa chuộng cho nhiệm vụ chi viện mặt đất và chống tăng. Các chuyên gia vũ khí cho biết, máy bay là một trong những thứ Ukraine cần nhất. Trong khi, vũ khí từ các quốc gia đang phát triển như Brazil thì rẻ hơn, tốn ít chi phí vận hành và bảo trì hơn so với vũ khí phương Tây.
Máy bay tấn công hạng nhẹ Embraer A-29 Super Tucano của Brazil là thứ vũ khí mà Ukraine rất muốn có. Ảnh: Flick
Sandro Teixeira Moita, giáo sư chiến lược quân sự tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu quân đội Brazil, cho biết: “Ukraine đang trở nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp của NATO. Những vũ khí họ được viện trợ cực kỳ tốn kém để duy trì hoạt động, bởi vì chúng đến từ các nước giàu sở hữu và chế tạo vũ khí cực kỳ tinh vi”. Theo giáo sư Moita, “các quốc gia nam bán cầu có hệ thống vũ khí phù hợp hơn với điều kiện thực tế của Ukraine”.
Do đó, bất chấp những tuyên bố rằng nguyên tắc chỉ đạo chính sách đối ngoại của Brazil từ lâu đã là “làm bạn của tất cả các nước”, thì cũng không thể nói rằng, quốc gia này không quan tâm đến việc xuất khẩu vũ khí tới Ukraine.
Brazil trên thực tế đã sẵn sàng bán vũ khí cho các quốc gia tham chiến khác. Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Yemen năm 2014, Brazil đã cung cấp cho Saudi Arabia và UAE hơn 21.000 tấn vũ khí và đạn dược trị giá 680 triệu USD, theo New York Times.
Nhưng Brazil, một trong những nhà sản xuất lương thực lớn nhất thế giới, cũng phụ thuộc vào Nga để cung cấp 1/4 lượng phân bón. Vào năm 2022, khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Brazil đã mua hơn 8,8 triệu tấn phân bón của Nga. Con số này đã giảm xuống so với mức 10,2 triệu tấn vào năm 2021. Nhưng Brazil vẫn là nước mua phân bón hàng đầu của Nga và Nga là nhà cung cấp phân bón hàng đầu cho nông dân Brazil .
Ngành công nghiệp quốc phòng của Brazil đã xuất khẩu kỷ lục 1,5 tỷ USD vũ khí vào năm 2021 và chính phủ cho biết ngành này hiện chiếm gần 5% nền kinh tế Brazil (Mỹ là khách hàng vũ khí lớn nhất của Brazil). Tuy nhiên, ngành nông nghiệp lớn hơn 100 lần, đạt 159 tỷ USD xuất khẩu vào năm 2022.
Ưu tiên kết thúc xung đột
Cựu tổng thống cánh hữu của Brazil, Jair Bolsonaro, có mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thậm chí đã đến thăm Điện Kremlin 6 ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ông Bolsonaro sau đó đã giải thích về chuyến thăm của mình, nói rằng ông làm điều đó để đảm bảo phân bón và nhiên liệu cần thiết.
Tổng thống Lula của Brazil. Ảnh:GI
Các quan chức phương Tây hy vọng rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái của ông Luna da Silva, một người gần gũi với các nhà lãnh đạo phương Tây hơn ông Bolsonaro, sẽ mở ra việc bán vũ khí của Brazil cho Ukraine. Nhưng tính trung lập là một trong số ít vấn đề mà ông Lula và ông Bolsonaro có sự liên kết với nhau.
Bằng chứng là chỉ vài tuần sau khi nhậm chức Tổng thống Brazil vào tháng 1, ông Lula đã từ chối một yêu cầu đạn dược khác từ Đức để trang bị cho xe tăng Leopard mà nước này đang gửi tới Ukraine.
Thay vào đó, tân Tổng thống Brazil đã thúc đẩy một kế hoạch khác. Ông muốn môi giới hòa bình. Trong các cuộc gặp với Tổng thống Biden, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine và gần nhất là với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lula đều đã đưa ra một kế hoạch để một nhóm các quốc gia trung lập làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Các tài liệu rò rỉ của Lầu Năm Góc gần đây cho biết, tình báo Mỹ cũng nhận định Bộ Ngoại giao Nga ủng hộ kế hoạch của ông Lula nhằm “thành lập một câu lạc bộ gồm những nước được cho là trung gian hòa giải để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine".
Những tin tức trên chắc chắn không phải thứ mà Ukraine đều mong muốn. Nhưng Kiev sẽ khó đảo ngược được quyết định của các quốc gia như Brazil, khi mà lợi ích của những nước này không nằm ở việc leo thang chiến sự tại Ukraine.