Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (2)

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù chưa xong Chiến dịch Tây Nguyên, trước nguy cơ Huế và Đà Nẵng thất thủ, người Mỹ bắt đầu rút chạy khỏi những vùng đất này về Nha Trang, Sài Gòn. 

Trước cảnh tượng rút đi vội vã, sợ sệt, không kèn không trống, nhiều nhà bình luận chính trị đã khôi hài gọi, đó là cuộc “tập rượt” của các công dân cường quốc thế giới.
Kỳ 2: “Tập rượt”
Bão lửa
Ngày 9/3, quân Giải phóng đã triển khai lực lượng cài xong thế chiến lược và chiến dịch, đã chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.
Đúng 2 giờ sáng ngày 10/3, bộ đội đặc công Giải phóng nổ súng đánh sân bay Hoà Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Cùng lúc, các loại pháo, hoả tiễn giội bão lửa vào Sư đoàn bộ 23 VNCH và kéo dài từng loạt đến 6 giờ 30 phút, làm rối loạn và tê hệt cơ quan đầu não địch. Chỉ trong vòng một giờ, bộ đội đặc công đã chiếm phần lớn sân bay thị xã, phá huỷ trong nháy mắt 7 máy bay địch, chiếm một góc sân bay Hoà Bình và toàn bộ kho Mai Hắc Đế. Lợi dụng tiếng pháo gầm, tiếng súng nổ, các loại xe kéo pháo bắn thẳng, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, ôtô chở bộ binh của ta từ các phía ào ào tiến về hướng thị xã. Có đơn vị xe tăng của ta cách Buôn Ma Thuột 40km phải băng qua các vật chướng ngại, bỏ qua các đồn bốt địch dọc đường, ầm ầm tiến thẳng về thị xã. Trên dòng sông Sêrêpốc hung dữ, những chiếc phà hiện đại được lắp ghép rất nhanh, xe tăng, xe bọc thép, pháo cao xạ, pháo cơ giới nối đuôi nhau qua phà. Cả núi rừng Tây Nguyên chuyển động trong bão lửa.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (2)
Cờ hiệu của sư đoàn 23 QLVNCH tại QK2 bị quân giải phóng tịch thu. 
Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta bắt được Đại tá Vũ Thế Quang, phó tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Đại tướng Văn Tiến Dũng kể trong cuốn “Đại thắng mùa xuân” rằng, Quang đã khai rõ việc quân Giải phóng đánh Buôn Ma Thuột là nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu và của Mỹ. Bởi sau trận Phước Long, Mỹ-Ngụy nhận định, Việt Cộng chỉ có thể đánh một số thị xã nhỏ như An Lộc, Gia Nghĩa, còn thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tây Ninh chưa đánh được. Đến khi Buôn Ma Thuột bị tiến công, Mỹ và Ngụy vẫn cho rằng đây chỉ là nghi binh để đánh Gia Nghĩa. Tiếp đó, Quang hiến kế cho quân Giải phóng đánh Nha Trang, Cam Ranh vì phòng thủ ở nơi đây rất mỏng và tinh thần binh sĩ ngụy đang rất hoang mang.
Sau khi phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuật nhưng bị thất bại tại Phước An-Nông Trại-Chư Cúc, địch bắt đầu rút bỏ Tây Nguyên. Ngay lập tức, đêm 16/3/1975, quân Giải phóng tổ chức lực lượng truy kích địch trên đường 7 và bắt được Đại tá nguỵ Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng biệt động quân thuộc Quân khu 2. Tất khai, chiều 14/3, trong một cuộc họp tại Cam Ranh, sau khi nắm tình hình, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định phải rút khỏi Kon Tum, Pleiku theo đường 7 để bảo toàn lực lượng, giữ đồng bằng ven biển.
Sáng 15/3, Phú và Bộ Tham mưu chính của Quân đoàn 2 rút bằng máy bay về Nha Trang lấy lý do là để thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy tác chiến lấy lại Buôn Ma Thuột. Những đơn vị chuyên môn rút về Phú Bổn mang theo gia đình, người thân nên lộ bí mật, khiến sĩ quan, binh lính khiếp sợ và gia đình họ ùn ùn kéo vào sân bay, tranh nhau lên máy bay, gây nên sự hỗn loạn. Người nào không vào được sân bay thì dùng đủ các loại xe chạy về Phú Bổn. Đường sá tắc nghẽn, quân lính tranh nhau đường đi, chửi bới, đánh nhau ầm ĩ, gây thêm nhiều cảnh hỗn loạn trên đường. Ngày 16/3, khi đoàn di tản đến Phú Bổn thì mệt mỏi, chán chường quá nên không đi nữa. Giao thông trong thị xã bị tắc nghẽn vì lính dồn về đông. Binh lính bắt đầu phá phách, cướp bóc trong phố, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Khi quân Giải phóng tiến vào chiếm Phú Bổn. Phú ra lệnh cho binh sĩ bỏ hết vũ khí nặng và quân dụng, chạy khỏi Phú Bổn.
Hoảng loạn ở Pleiku
Khi những thành phố nối tiếp nhau rơi vào tay quân giải phóng, thì các phi công Air American chỉ còn rút lại một nhiệm vụ chính là thực hiện các chuyến bay di tản và đó là những điệp vụ vô cùng căng thẳng.
"Cuộc di tản diễn ra trong sự hoảng loạn” – phi công Air American Art Kenyon kể lại: “Đám đông hoàn toàn hoảng loạn và mất hết kiểm soát. Chúng tôi phải kéo thang dây lên, đóng cửa những chiếc C-46 của chúng tôi lại và mọi người bắt đầu công kênh nhau leo lên cánh máy bay, đập cửa để đòi chúng tôi cho họ vào bên trong máy bay.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (2)-Hinh-2
Chạy khỏi Pleiku, đăng trên báo Chính Luận, Sài Gòn, ngày 18/3/1975. 
Một lần, chúng tôi kéo cầu thang máy bay lên và cho ngừng hoạt động một động cơ của máy bay, bởi vì chúng tôi không muốn phí thì giờ. Luôn có một khả năng rằng ắc quy của bạn cạn kiệt và bạn phải luôn có một động cơ khác sẵn sàng khởi động. Chúng tôi ngừng động cơ bên trái máy bay trong khi những hành khách đang lên máy bay.
Khi đó có khoảng 9 người đang treo lủng lẳng dưới cánh của máy bay và một nhóm khác tụm lại ở chỗ động cơ bên trái. Bạn có thể khởi động động cơ của một chiếc C-46 bằng cách xoay cánh quạt phía trước cánh một chút và tôi đã làm vậy. Tôi ló đầu ra khỏi cửa máy bay và quan sát. Tôi hơi đẩy cánh quạt dẫn hướng của máy bay khoảng một hai bộ để nếu nó có quệt vào ai đó thì cũng không khiến cho người ta bị thương. Họ có thể nhìn thấy nó chuyển động và cảm thấy sự nguy hiểm. Tôi tăng sức quay của cánh quạt lên 3 bộ (khoảng hơn 30 cm-ND), rồi 6 bộ và những người trên cánh máy bay dạt ra và tôi bắt đầu khởi động động cơ. Rồi chúng tôi đẩy tất cả những người này xuống khỏi cánh máy bay".
Các phi công thường chờ cho đến khi máy bay đầy ứ người, nặng đến hết mức có thể rồi mới cất cánh. Theo lý thuyết, một chiếc C-46 có thể chở được 51 người, nhưng một phi công của Air American, trong những ngày ấy khi cất cánh khỏi Pleiku đã mang theo anh ta 142 quân nhân trang bị đầy đủ vũ khí và nó cần phải bay tới 90 dặm để có thể lên tới độ cao khoảng 1.000 bộ (khoảng hơn 300m). Tải trọng tối đa cho một chiếc C-46 vào khoảng 46.000 pound, nhưng sau chuyến bay này, các phi công ước tính rằng họ đã chuyên chở một trọng lượng nặng tới 57.000 pound. Còn những chiếc C-47, thông thường chở khoảng 30 người thì trong những ngày ấy thường xuyên phải chở tới 80 người. Riêng loại máy bay vận tải hạng nặng DC-6 của Air American thì đã ghi nhận được là có chuyến chở tới 340 người.
"Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng trên con đường dẫn ra khỏi Pleiku" - Fred Anderson, một phi công của Air American nhớ lại. "Cả một khối người đen đặc di chuyển trên đường, mang vác theo tất cả những gì mà họ có thể mang vác được. Có lẽ có hàng ngàn người chết mỗi ngày trong cái cảnh tượng hỗn loạn đó".
Đấy là thời gian mà sự căng thẳng thần kinh luôn chế ngự tất cả. Những người di tản tụ tập tấn công các máy bay, bắn chỉ thiên, trong khi những binh sĩ quân đội Sài Gòn trong tình trạng thất vọng thậm chí còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. "Tất cả những phát súng bắn vào chúng tôi trong những ngày Pleiku sụp đổ đều là do quân Nam Việt Nam bắn” - Wayne Lannin, một phi công khác của Air American kể lại. “Tràn ngập một không khí thất vọng và vỡ mộng. Tất cả mọi người đều ở trong tình trạng bị kích động, họ chỉ muốn thoát ra khỏi vùng chiến sự càng nhanh càng tốt và không muốn suy nghĩ bất cứ điều gì. Đó là một tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, khi con người bị hạ xuống đến mức thấp nhất về nhân cách".
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)