Vì sao phóng viên LIFE ấn tượng thời khắc giải phóng miền Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Cựu nhà báo làm việc cho tờ Time và LIFE Roy Rowan vẫn còn nhớ rõ những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975.

Cách đây 41 năm, cựu nhà báo làm việc cho tờ Time và LIFE Roy Rowan đã có những ký ức khó quên trong những ngày cuối trước khi giải phóng miền Nam 30/4/1975, kết thúc chiến tranh và Việt Nam thống nhất. Vào năm 1975, ông Rowan rất ngạc nhiên khi nghe một bài hát được phát qua radio ở Sài Gòn. Ông là nhà báo chiến tranh làm việc cho tờ Time và LIFE thời gian đó để ghi nhận tình hình chiến sự tại Việt Nam. Nhà báo Rowan cũng rất ngạc nhiên trước việc chiến tranh kết thúc vài tuần sau đó. Ngay cả khi ông nghe thấy bài hát Giáng sinh được phát vào tháng 4/1975, nhà báo Rowan cũng chưa cảm nhận được rằng, chiến tranh ở Việt Nam sẽ sớm kết thúc.
"Mọi người đều biết chiến tranh kết thúc là điều vô cùng ấn tượng. Tín hiệu di tản là "White Christmas". Tôi nhớ rằng bản thân đã thức dậy lúc 3h sáng và nghe thấy "White Christmas". Sau đó, tôi tự hỏi điều gì xảy ra khiến mọi người phải đi ra ngoài vào lúc đó", nhà báo Rowan nhớ lại sự kiện Sài Gòn được giải phóng năm 1975.
Vi sao phong vien LIFE an tuong thoi khac giai phong mien Nam?
 Lính Mỹ vội vã di tản khỏi Sài Gòn trước khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam 30/4/1975. Ảnh: LIFE.
Trong ký ức của nhà báo Rowan (bây giờ 96 tuổi) vẫn còn nhớ như in sự kiện giải phóng Sài Gòn 41 năm trước. Trong những tuần cuối cùng trước khi giải phóng Sài Gòn năm 1975, ông Rowan thường nghe thấy những âm thanh của pháo kích.
Cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã kéo dài trong nhiều năm và kết thúc nhanh chóng đến bất ngờ. Bởi lẽ, trước đó, vào tháng 2/1975, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn đã mở các cuộc tấn công vào các mục tiêu ở miền Bắc Sài Gòn, khiến quân đội Sài Gòn từng bước bị đẩy lùi. Đến ngày 28/4/1975, sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích, thả bom gây thiệt hại nặng. Khi đó, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã đưa ra quyết định quan trọng để sơ tán khẩn cấp tất cả công dân Mỹ rời khỏi Sài Gòn. Chiến dịch di tản đó mang tên "Operation Frequent Wind" (tạm dịch Chiến dịch Gió Lốc).
Khi nhận được cảnh báo phải sơ tán khẩn cấp rời khỏi Sài Gòn, các nhân viên làm việc cho tờ Time cũng vội vã di tản do quan ngại có thể phải đối mặt với nguy hiểm nếu như bị bỏ lại phía sau.
"Có 50 người trong nhóm chúng tôi di tản khẩn cấp tại Sài Gòn. Khi chuẩn bị rời đi, quy định thay đổi áp dụng đối với những người di tản: "Không mang theo hành lý". Khi đó, toàn bộ va li và túi xách được dỡ ra để những người đi di tản lấy hộ chiếu, giấy tờ và vật có giá trị khác trước khi vứt những vali chứa đồ đạc cá nhân. Tôi chỉ cầm theo máy ghi âm, máy ảnh và sẵn sàng chạy thục mạng về phía trực thăng. Cánh cửa mở ra. Ở bên ngoài, tôi có thể nhìn thấy nhiều vũ khí được trang bị sẵn sàng được kích hoạt...", nhà báo Rowan nhớ lại thời khắc vội vã di tản khỏi Sài Gòn.
Đến sáng ngày 30/4/1975, máy bay trực thăng cuối cùng chở những người di tản của Mỹ cất cánh rời khỏi Sài Gòn. Dương Văn Minh (Tổng thống mới của chính quyền Sài Gòn) đọc lời tuyên bố ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền trên Đài phát thanh Sài Gòn lúc 9h25 cùng ngày hôm đó. Ngày 30/4/1975 đánh dấu ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Việt Nam và cũng là ngày đau đớn nhất trong lịch sử hàng chục cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới.
Video địa điểm bắn pháo hoa kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4 tại TP HCM (nguồn: VTC14):
Tâm Anh (theo LIFE)

Bình luận(0)