Doanh số khổng lồ bán chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ tư Eurofighter Typhoon, cũng như tên lửa tự dẫn đường Brimstone mà máy bay này mang theo, đã cho phép Anh đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các nhà xuất khẩu thiết bị quân sự lớn nhất thế giới.
Theo thông báo của tờ báo Anh Daily Telegraph, nhờ bán thiết bị quân sự, các công ty Anh đã có doanh số tăng vọt so với năm trước. Cụ thể, các công ty Anh đã kiếm được 14 tỷ bảng (tương đương 17,1 tỷ USD) trong năm nay, cao hơn 5 tỷ bảng (tương đương 6,1 tỷ USD) so với năm 2017.
Kết quả này giúp Anh vượt Nga (dự kiến doanh số của Nga đạt 15 tỷ USD) và chỉ thua kém Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Được biết, trong một năm qua, Anh đã ký kết các giao kèo bán vũ khí khắp thế giới với trị giá 80 tỷ bảng, bước vào hàng ngũ những “thủ lĩnh thế giới trên thị trường vũ khí”.
|
Máy bay Eurofighter Typhoon và tên lửa Brimstone giúp Anh giành được vị trí thứ hai của Nga |
Daily Telegraph dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại thương của Vương quốc Anh lưu ý rằng, trong chặng dài gần như toàn bộ thập kỷ này, Anh là nước lớn thứ hai trong lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng.
Tờ báo này lưu ý rằng, khách hàng chính mua thiết bị quân sự của Anh là các quốc gia Trung Đông. 60% thiết bị quân sự xuất khẩu của Anh là gửi đến các quốc gia Ả rập của khu vực này, còn 18% khác được xuất khẩu sang Bắc Mỹ và 11% doanh số đến từ các nước châu Âu.
Theo lời ông Paul Everitt - Giám đốc điều hành công ty ADS chuyên bán vũ khí, các dữ liệu thống kê đã chứng tỏ rằng, Anh hiện là một “thủ lĩnh thế giới” trong lĩnh vực này, được rất nhiều nước tin tưởng về cung cấp thiết bị hiện đại và ứng nghiệm thực tế.
Ngoài ra, ông nói thêm rằng, khối công nghiệp quốc phòng Anh mang đến những đóng góp đáng kể cho sự thịnh vượng của quốc gia, ví dụ như nó đã tạo ra khoảng 135.000 chỗ làm việc.
“Công nghiệp quốc phòng của Anh dẫn đầu thế giới trên thị trường toàn cầu trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gia tăng. Thực tế duy trì kết quả cao liên tục của các nhà xuất khẩu quốc phòng Anh cho thấy sự tôn trọng mà các đồng minh và đối tác nước ngoài của chúng ta dành cho lực lượng vũ trang Anh và các thiết bị của chúng ta mà họ sử dụng” - tờ The Daily Telegraph dẫn lời bà Elizabeth Truss, Bộ trưởng Ngoại thương Anh quốc.
Ngược với xu hướng gia tăng các hợp đồng bán vũ khí của Anh, ông Yury Borisov, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng cho biết, Nga đã ổn định chạm mốc 15 tỉ USD vũ khí bán ra mỗi năm và hi vọng sẽ giữ vững được thành tích này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lệnh trừng phạt của Mỹ giáng vào các quốc gia mua sắm vũ khí Nga như Trung Quốc hay Indonesia, khiến họ phải chùn tay, hủy bỏ hợp đồng hoặc từ bỏ ý định mua sắm.
Ngoài ra, một số đối tác chính của vũ khí Nga là Ấn Độ hay Algeria đang gặp khủng hoảng chính trị và khó khăn về tài chính hoặc đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí từ Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí từ Ukraine.
Còn Venezuela - một trong những khách hàng lớn khác của Nga, đang có những biến động chính trị vô cùng phức tạp và kinh tế đang suy sụp, khiến doanh số bán vũ khí của Nga sang thị trường này sụt giảm nghiêm trọng.
Một lí do nữa là các đối tác lớn của Nga [như Việt Nam hay Trung Quốc] cũng đã hầu như đã mua sắm đủ các vũ khí quan trọng nhất, đắt tiền nhất nên gần đây không có hợp đồng nào mới có giá trị cao.