Theo trang thông tin Cảnh sát biển Việt Nam, thực hiện Kế hoạch số 1857/KH-QK ngày 22/4/2014 của Cục Quân khí được Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật phê duyệt, từ ngày 14 - 24/5/2014, Cục Quân khí phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức thành công đợt Tập huấn kỹ thuật pháo cao xạ 23mm ZU-23-2 tại đơn vị đăng cai K895/CQK cho 14 cán bộ, nhân viên quân khí của các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển.
|
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển nghe giảng về tính năng pháo phòng không ZU-23-2.
|
Chương trình tập huấn kỹ thuật pháo cao xạ 23mm ZU-23-2 đã hệ thống, cập nhật kiến thức về công dụng, tính năng kỹ chiến thuật, cấu tạo hoạt động của pháo; tập trung rèn luyện nâng cao khả năng thực hành thao tác sử dụng, kiểm tra kỹ thuật, bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa, trong đó đã đi sâu vào thực hành kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa những hư hỏng thông thường của pháo.
“Đây chính là bước tiền đề cho việc tiếp cận, tiến hành lắp đặt và đưa vào khai thác pháo 23mm trên các tàu Cảnh sát biển trong thời gian tới”, trang tin Cảnh sát biển Việt Nam cho biết.
ZU-23-2 Sergey (hay gọi một cách ngắn gọn là ZU-23) là kiểu pháo phòng không tự động nòng kép cỡ 23mm do Liên Xô chế tạo từ những năm 1960 cho tới tận ngày nay. Đây được xem là một trong kiểu pháo phòng không thành công nhất trên thế giới, được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam).
Hệ thống trang bị 2 pháo tự động 2A14 cỡ 23mm lắp trên xe moóc cỡ nhỏ, nhưng có thể tháo dễ dàng để lắp đặt cố định. Pháo có thể chuẩn bị bắn từ vị trí hành quân chỉ trong 30 giây và có thể bắn khẩn cấp ngay cả khi đang hành quân.
Với 2 nòng pháo 23mm, ZU-23 có thể đạt tốc độ bắn tối đa đến 2.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 2,5km, độ cao 1,5-2km. Nó có thể diệt mục tiêu trên không hoặc hạ nòng bắn thẳng các mục tiêu mặt đất và trên mặt biển (nếu lắp trên tàu chiến).
|
Tàu cảnh sát biển kiểu TT400 trang bị ụ pháo cỡ nòng nhỏ ở trước kiến trúc thượng tầng.
|
Hiện nay, trên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đều được lắp đặt các bệ pháo cỡ nòng nhỏ để tham gia nhiệm vụ quốc phòng – phối hợp cùng Hải quân bảo vệ hải phận.
“Ngoài kiến thức được tập huấn về lý thuyết và thực hành đối với Pháo cao xạ 23mm, học viên còn được tham quan, tìm hiểu rõ hơn về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, công tác bảo đảm kỹ thuật trên các dây chuyền kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa súng pháo khí tài của kho SPKT cấp chiến lược”, trang tin Cảnh sát biển cho biết thêm.