Đài tiếng nói nước Nga đưa tin, Tổng Giám đốc của Viện thiết kế Malachite (nhà thiết kế tàu ngầm) Vladimir Pyalov tiết lộ, Hải quân Ấn Độ đang nghiên cứu thuê thêm một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Project 971 Shchuka-B (NATO định danh là Akula) của Nga.
Theo chuyên gia của Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin, việc Ấn Độ thuê tàu ngầm của Nga có thể rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân với Trung Quốc.
Hiện nay, Hải quân Ấn Độ chỉ có một tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng Project 971 được Nga chuyển giao cho Ấn Độ vào tháng 4/2012 và đặt lại tên là INS Chakra
.
|
Tàu ngầm hạt nhân tấn công INS Chakra. |
Loạt tàu ngầm Project 971 Shchuka-B bắt đầu được khởi đóng vào năm 1983. Loại tàu ngầm hạt nhân này có công suất lớn, nhưng khi hoạt động chỉ tạo ra tiếng ồn nhỏ. Con tàu được thiết kế để đối phó với tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân Project 971 Shchuka-B có lượng giãn nước khi lặn khoảng 12.000-13.800 tấn (tùy biến thể), dài khoảng 110-113m, rộng 13,6m. Tuy loại tàu này rất lớn nhưng thủy thủ đoàn chỉ cần 60-70 người.
Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650B/OK-650M công suất 190MW, động cơ tuốc bin khí công suất 43.000 mã lực, chân vịt 7 lá cho phép đạt tốc độ 35 hải lý/h khi lặn, lặn sâu tối đa 480-520m, hoạt động liên tục 100 ngày trên biển.
Project 971 trang bị 4 ống phóng ngư lôi loại 533mm và 4 ống phóng ngư lôi loại 533mm cho phép bắn ngư lôi, tên lửa chống tàu ngầm RPK-2 hoặc RPK-6 có thể lắp đầu đạn hạt nhân.
Trong quá trình đóng loại tàu ngầm này nhà sản xuất cũng đã tiến hành nâng cấp nhiều cho các tàu ngầm kiểu này. Mặc dù trong kế hoạch là đóng 21 chiếc nhưng thực tế chỉ 15 chiếc hoàn thiện và chiếc INS Chakra là tàu cuối cùng.
Tuy nhiên, tại nhà máy đóng tàu Komsomolsk-on-Amur vẫn còn một tàu ngầm hạt nhân Project 971 chưa được đóng xong. Tàu này được khởi đóng từ năm 1994 nhưng đến năm 1996 thì dừng đóng, vào thời điểm đó nhà máy chỉ mới hoàn thành 42% khối lượng công việc. Năm 2011 nhà máy quyết định không tái đóng tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên nếu phía Ấn Độ có hứng thú với tàu ngầm này, rất có thể phía Nga sẽ thay đổi quyết định này.
Ngoài ra, Ấn Độ còn có tàu ngầm hạt nhân INS Arihant do nước này tự đóng được đưa vào phục vụ năm 2011, nhưng vẫn đang trong quá trình tiến hành thử nghiệm kiểm tra toàn diện. Dự kiến, đến năm 2023, Ấn Độ sẽ đóng 4 tàu ngầm lớp Arihant, điều này sẽ dẫn đến việc thiếu thủy thủ tàu ngầm của Ấn Độ.
Tàu ngầm hạt nhân INS Chakra Ấn Độ thuê của Nga 10 năm với tổng giá trị hợp đồng 970 triệu USD. Có thể giá thuê chiếc tàu ngầm Project 971 thứ 2 còn cao hơn, nó cũng đòi hỏi rất nhiều công tác bổ sung hoàn thiện tàu.
|
Với 2 tàu ngầm hạt nhân Project 971, sức mạnh Hải quân Ấn Độ có thể tăng đáng kể đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc. |
Ngoài ra, Nga còn kiến nghị Ấn Độ nâng cấp tàu ngầm hạt nhân loại này, trang bị cho nó công nghệ của tàu ngầm hiện đại Project 885 lớp Yasen.
Việc Ấn Độ thuê thêm tàu ngầm có thể giúp cho Ấn Độ rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực phát triển tàu ngầm hạt nhân với Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công do nước này tự đóng.
Trong đó, 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 và 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và điều chỉnh hệ thống.
Có thể khả năng tác chiến của nó không giống với tàu ngầm Arihant của Ấn Độ. Trong khi vũ khí và khả năng “che giấu” của tàu ngầm Project 971 của Nga lại ưu việt hơn so với bất kỳ một loại tàu ngầm tương tự nào của Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài ra, khả năng chống mục tiêu tàu ngầm của Project 971 là tốt hơn tàu ngầm Ấn Độ. Nếu Hải quân Ấn Độ có 2 tàu ngầm Project 971 thì có thể đảm bảo việc củng cố vị trí của Hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương.