Tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam diệt tàu chiến thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Tiêm kích đa năng hiện đại nhấtViệt Nam Su-30MK2 trang bị tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A có khả năng phá hủy, gây hư hỏng nặng tàu chiến mặt nước.

“Sát thủ diệt hạm” của Su-30MK2

Kh-31A là biến thể dùng cho nhiệm vụ chống tàu của gia đình tên lửa Kh-31 (NATO định danh là AS-17 Krypton), được phóng từ các máy bay tiêm kích Su-30/33/35, MiG-29. Đây là một tên lửa hành trình chống tàu tốc độ cao được thiết kế dựa trên tên lửa chống radar Kh-31P.

Kh-31A còn được biết đến với tên gọi “Mini Moskit” bởi nó có hình dáng bên ngoài rất giống với tên lửa chống tàu siêu thanh P-270 Moskit, được trang bị trên các tàu chiến mặt nước.

Tên lửa được phát triển bởi Phòng thiết kế Zvezda-Strela (nay là Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga KTRV) vào năm 1982, được chấp nhận đưa vào sử dụng từ năm 1988.
Tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A (trong ảnh) có thể trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam.

Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 2009 Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 80 quả đạn Kh-31A trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 đảm nhiệm vai trò tác chiến trên biển. Toàn bộ tên lửa được chuyển giao trong năm 2011-2012.

Tên lửa chống tàu Kh-31A nặng 610kg, dài 4,7m, đường kính thân 0,36m, lắp đầu đạn thuốc nổ nặng 94kg. Quả đạn được kết cấu với 4 cánh ổn định trên thân, 4 cánh lái đuôi. Trên thân tên lửa còn có 4 cửa hút không khí sử dụng cho động cơ ramjet (phản lực tĩnh siêu âm).

Khi phóng, giai đoạn đầu động cơ khởi tốc được khởi động trước đưa tên lửa Kh-31A đạt tốc độ Mach 1,8. Sau đó, động cơ hành trình ramjet mới được kích hoạt đưa tên lửa đạt tới tốc độ gấp 4,5 lần vận tốc âm thanh ở độ cao lớn (khoảng 4.950km/h) hoặc 2.970km/h ở độ cao thấp, tầm bắn đạt 25-50km. Có thể nói, Kh-31A là tên lửa hành trình chống tàu phóng từ trên không đạt tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay.

Su-30MK2 dùng Kh-31A thế nào?

Trong nhiệm vụ chống địch trên biển, tiêm kích Su-30MK2 có khả năng mang tối đa 2 quả đạn tên lửa chống tàu Kh-31A.

Khi radar trên tiêm kích Su-30MK2 phát hiện ra mục tiêu tàu chiến đối phương xâm nhập vùng biển, dữ liệu về mục tiêu sẽ được radar và truyền cho tên lửa, mục tiêu có thể được khóa trước khi phóng hoặc sẽ khóa ở pha cuối (tiếp cận mục tiêu). Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và đầu tự dẫn radar chủ động.

Kh-31A được trang bị đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 cho nhiệm vụ khóa mục tiêu ở pha cuối. Radar  có khả năng quét góc phương vị ±45 độ, góc tà từ 10-20 độ, khóa mục tiêu từ cự ly 20km. Ngoài ra, tên lửa còn được trang bị một radar đo độ cao KTRV-Detal A-069A hoạt động từ độ cao 100-6.000m cho nhiệm vụ bay lướt biển.

Tên lửa Kh-31A được phóng từ tiêm kích Su-30MK2 thông qua hệ thống phụ điều khiển vũ khí SUV-VEP từ bệ phóng AKU-58AE.
Mỗi tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam có thể mang tối đa 2 đạn Kh-31A cho phép vô hiệu hóa tàu chiến cỡ lớn. Ảnh minh họa

Một khi đã khóa mục tiêu, tên lửa hạ thấp độ cao và lao đến với tốc độ lên đến 2.970km/h làm cho việc đánh chặn trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Theo các tính toán, khi bị tấn công bằng Kh-31A tàu chiến đối phương chỉ có 15-20 giây để đưa ra biện pháp đánh chặn, sau thời điểm này cơ hội sống sót gần như bằng không.

Mặc dù Kh-31A chỉ được trang bị đầu đạn nặng 94kg nhưng bù lại tên lửa có độ chính xác rất cao, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa chỉ từ 5-8 mét. Tàu chiến đối phương chỉ cần trúng một phát Kh-31A gần như đã mất khả năng chiến đấu.

Tên lửa chống tàu Kh-31A là vũ khí hiệu quả của Su-30MK2 Việt Nam tiêu diệt các tàu chiến đối phương xâm nhập vùng biển chủ quyền quốc gia.

Hiện nay, Nga đã phát triển thành công thêm 2 biến thể chống tàu của Kh-31A gồm: Kh-31AM nâng tầm bắn lên 70km; Kh-31AD nâng tầm bắn lên 160km (lắp đầu tự dẫn cải tiến ARGS-31E với tầm trinh sát lớn hơn). Có thể, trong tương lai Việt Nam sẽ quan tâm tới việc mua những biến thể mới của Kh-31A nhằm tăng sức tấn công cho Su-30MK2.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Bình Đức

Bình luận(0)