Vợ ơi, khéo một chút em nhé!

Google News

Khéo léo không có nghĩa là giả dối, nịnh nọt, là chót lưỡi đầu môi mà đó là sự tế nhị chứa đựng cả sự chân tình em sẵn có.

Anh để ý thấy trong bữa cơm gia đình, chị cả không được vui. Lúc vợ chồng mình ra về, chị còn hờn dỗi: Lần sau dì về sớm mà đi chợ.

Hỏi em, anh mới hiểu, chị cả giận là vì lúc nhặt rau em chê chị ấy mua rau già. Biết chị giận nhưng em không làm hòa, vì rau già thì em bảo là già, có gì đâu mà chị ấy lại nặng nhẹ với em chứ?

Em thở dài, buồn bực. Muốn nói với em điều mình đang nghĩ nhưng anh lại thôi.

 Anh chỉ mong em khéo hơn một chút. (Ảnh minh họa)

Em ạ, không phải là anh có ý phê phán em, nhưng trong chuyện chị giận có phần tại em không khéo léo. Khen có trăm cách để khen và chê cũng có trăm cách để chê, sao em cứ phải nói thẳng ra như thế? Đành rằng chị có phần cố chấp nhưng chị đã phải vất vả thức đêm thức hôm, rồi dậy từ sáng sớm đi chợ chuẩn bị cho ba-bốn mâm cỗ, lại bị em chê, bực mình cũng là điều dễ hiểu.

Đây không phải lần đầu mà rất nhiều lần chỉ vì “không khéo” em đã làm mất lòng, phật ý những người xung quanh. Anh biết, những lúc như thế em hoàn toàn không cố ý làm buồn lòng hay tổn thương người khác nhưng em đã bao giờ đặt mình vào vị trí ấy để hiểu cảm giác của người nghe sẽ như thế nào không? Còn nhớ hôm gần rằm Trung thu, chú Út đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Bố mẹ, anh chị em trong nhà thở phào nhẹ nhõm vì ở cái tuổi ngấp nghé 40 chú mới chịu từ bỏ cuộc sống độc thân, các cháu trong nhà háo hức mong được gặp người mà sau này sẽ là thím của chúng. Anh biết em cũng rất vui nên mới gọi điện giục anh về sớm.

Khi cả nhà đang trà nước vui vẻ, bọn trẻ con nằng nặc đòi ăn bánh Trung thu mà chú thím mua, em mang hộp bánh xuống bếp nhưng rồi đi lên tay không, hỏi:

- Chú hay thím mua bánh đấy?

- Dạ… là em ạ.

Bạn gái chú lo lắng nhìn em.

- Lần sau em cạch cái hàng ấy ra nhé. Chưa đến ngày rằm mà đã bán bánh mốc.

Cô bạn gái của chú lần đầu ra mắt bị chị dâu nhắc nhở bối rối đỏ bừng mặt. Cũng may là chú Út tếu táo pha trò, lái mọi người sang chuyện khác.

Anh ngồi đó cũng thấy ái ngại, lúc chú thím đi rồi mới nhẹ nhàng nhắc nhở em nhưng em vẫn ngang ngạnh:

- Em nói để chúng nó biết lần sau đừng có mua hàng ở đó nữa, vừa mất tiền mà ăn lại bực mình. Như thế không đúng sao? Tính em ưa nói thẳng nói thật, lươn lẹo là em không làm được. Anh thích mềm mỏng, dịu dàng thì đi tìm cô khác.

Anh biết em chỉ nói vậy thôi, chứ chỉ cần anh “ngó nghiêng” cô nào đó là em sẽ không để yên. Cũng như em, với anh gia đình luôn là ưu tiên số một. Anh biết tính em rất tốt. Anh yêu em cũng ở sự chân chất, mộc mạc, không màu mè đó. Đó là tính cách của em, anh không muốn em thay đổi, chỉ mong em đừng quá bảo thủ mà hãy uyển chuyển, mềm mỏng hơn một chút trong lời ăn tiếng nói, trong xử lý các mối quan hệ. Khéo léo không có nghĩa là giả dối, nịnh nọt, là chót lưỡi đầu môi mà đó là sự tế nhị chứa đựng cả sự chân tình em sẵn có. Như thế sẽ tốt hơn cho em và những người xung quanh cũng sẽ nhận được ở em nhiều hơn sự chia sẻ, phải không?

Tất nhiên, là chồng, anh sẽ vui và hạnh phúc hơn khi nhìn thấy vợ mình ngày càng dịu dàng và khéo léo.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Phụ Nữ Online

Bình luận(0)