Vợ ơi, xin em hãy nặn bánh trôi!

Google News

(Kiến Thức) - Và khi đĩa bánh của các con tròn xoe, trắng bóc được bố thưởng thức, khen ngon, anh tin, mắt các con cũng sẽ sáng bừng lên vợ ạ.

Chiều qua đón vợ đi làm về, qua chợ, anh thấy vợ nhảy ào xuống xe, rẽ đám đông người đang bu kín hàng bánh trôi gia truyền. Anh đứng ngoài run rẩy xem các bà các chị ào ào chen lấn, ào ào nói gọi... mà toát mồ hôi hột, định bụng ngó xem vợ đã chen đến đâu rồi thì lôi ra cho... an toàn. Ấy thế mà đùng cái, anh thấy vợ đứng bên cạnh từ bao giờ, trán lấm tấm mồ hôi dù trời đang trở lạnh, miệng cười toe hết cỡ. Vợ vỗ bộp cái vào lưng anh, tuyên bố gọn gàng: đi anh, xong rồi, mai nhà mình đã có bánh trôi bánh chay thắp hương các cụ, mà toàn bánh gia truyền nổi tiếng nhá!

À, ra thế, anh sực nhớ ra, hôm nay là mùng 3-3. Bị phi vụ bon chen của cánh chị em làm cho mụ mẫm, anh quên mất rằng đây là hàng bánh năm nào vợ cũng đặt. 

Nhà mình có mỗi hai vợ chồng với hai đứa con, ăn cũng chẳng đáng là bao, vợ bảo thế nên năm nào cũng “đi mua cho nhanh”. Ngày tết Hàn thực, có được nghỉ làm đâu, đi từ sáng đến tối mới về, với vợ, thế cũng là chu đáo lắm rồi. Anh thực ra cũng chưa bao giờ bận tâm, vì với anh đó là chuyện bếp núc, mà chuyện bếp núc thì anh vụng về lắm nên vợ quyết sao, anh nghe đó.
 Bánh trôi, bánh chay cho ngày Tết Hàn thực (Ảnh: An Nhiên)

Sẽ mãi là như thế, nếu như không có sáng nay, chị nhân viên ở chỗ anh đi muộn. Khi anh có ý nhắc nhở thì chị ấy cười khì khì xin lỗi, vì nhà chị ấy làm bánh buổi sáng thắp hương. Rồi như sợ anh vẫn khó chịu, chị ấy thanh minh thêm rằng, bản thân chị đã dậy sớm hơn bình thường rồi, nhưng vì phải dạy cô con gái tập làm bánh, và sau đó lại dọn những chỗ bột do con chị ấy làm vương dính khắp nơi, thành ra lâu hơn thời gian chị dự định. Nghe chị ấy nói thế, anh tưởng tượng ra cảnh hai mẹ con chị tíu tít vui vẻ, anh chợt thấy ấm áp biết bao nhiêu, và anh đã mỉm cười với chị ấy.

Anh chưa bao giờ, và mãi mãi không bao giờ so sánh vợ với bất cứ ai khác đâu. Chỉ là nghe câu chuyện của chị ấy, anh đã bâng khuâng từ sáng tới giờ. Nhà mình không chỉ có một mà còn có đến hai cô con gái, nhưng hình như vợ chưa bao giờ nghĩ đến việc dạy con nữ công gia chánh bởi chính vợ cũng rất ngại những việc này. Hai con gái mình quen ăn đồ ăn nhanh, quen chọn đồ siêu thị. Nếu thích món gì cầu kỳ một chút, chúng sẽ đề nghị mẹ mua ở nhà hàng nào đó mà vợ có thể đã có lần chở con đi mua cùng. Chưa bao giờ anh nghe thấy con bảo: mai mẹ nấu cho con món này, món kia...

Vợ luôn lý luận: xã hội phân công mỗi người một nghề. Ai khéo nấu nướng việc nhà thì cứ làm việc họ khéo. Còn với vợ, thời gian làm những việc ấy vợ dành cho công việc của vợ, thì phần thu nhập vợ kiếm được còn có thể cho chồng con những món ăn ngon hơn, tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn nhiều lần cơ. Và ngày gì, cần gì, vợ luôn đi mua chứ nhất quyết không mất thời gian “bày vẽ”. Anh đã từng thấy vợ rất đúng!

Nhưng hôm nay, anh chợt nghĩ có khi mình đã sai chăng? Chị nhân viên của anh, gia đình có lẽ còn khá hơn nhà mình nhiều lắm, thế mà chị ấy vẫn luôn dạy con gái những việc nấu ăn, may vá. Chị ấy bảo, những công việc lặt vặt trong nhà làm cho người con gái tỉ mỉ hơn. Chị ấy bảo, sự đảm đang khéo léo là một nét duyên ngầm của người con gái. Nhưng điều chị ấy nói mà anh thấy giật mình là: dạy con là lúc mẹ và con gái gần nhau hơn, chia sẻ với nhau được nhiều hơn.

Ôi, điều này anh thấy đúng quá. Anh nhớ khi anh còn nhỏ, mỗi mùng 3-3, mẹ cũng gọi cô Út cùng ngồi làm bánh. Mẹ dạy cô Út cách vắt bột sao cho ráo mà vẫn đủ ướt; cách nặn bánh sao cho mềm mà dai; cách vắt gừng chưng nước để làm bánh chay sao cho thơm cay mà không nồng... mỗi năm cô Út lại khéo hơn một chút. Và mỗi mẻ bánh cúng Tổ tiên xong, bê xuống, được cả nhà khen ngon, cô Út lại sà vào lòng mẹ, mắt lấp lánh.

Xưa nay anh luôn để tuỳ vợ quyết việc nhà. Có điều, đúng là một năm chỉ có đôi ba ngày lễ tết, đôi khi anh cũng chạnh lòng thấy bếp núc lạnh tanh, cảm giác nhà người ta ấm áp hơn nhà mình thật vợ ạ. Anh biết, anh nói thế có thể vợ sẽ buồn. Nhưng anh thực sự cũng có lúc thèm được cùng vợ chuẩn bị lễ tết, thèm được thấy cảnh vợ tíu tít với hai con gái, dạy con các điều này điều nọ, dù chỉ đơn giản như nặn cái bánh trôi...

Anh chắc chắn là anh sẽ chẳng ngại ngần đưa vợ đi chợ thật sớm để mua sắm, anh sẽ chạy lăng xăng để vợ sai lấy giùm cái nọ cái kia, anh sẽ cười thật tươi và ăn thật ngon lành dù có thể bánh vợ làm nát, nước dùng vợ chế không ngon....
Anh tin, hai con gái sẽ rất hào hứng và cảm thấy thú vị nếu được mẹ rủ cùng làm. Lần đầu tiên các con thế nào cũng sẽ rất vụng về, bột rơi chỗ này, đỗ dính chỗ khác, đường lồi ra ngoài vỏ.... nhưng rồi các con sẽ khéo dần lên. Và khi đĩa bánh của các con tròn xoe, trắng bóc được bố thưởng thức, khen ngon, anh tin, mắt các con cũng sẽ sáng bừng lên vợ ạ. Rồi đến lớp, hay đi đâu chơi, thế nào con gái cũng ngẩng cao đầu tự hào: tớ cũng biết làm bánh đấy, mẹ tớ dạy...

Và anh thèm, không chỉ ngày 3-3, những ngày lễ khác, những ngày bình thường khác trong năm, vợ anh, vì chồng con, quan tâm hơn tới những việc bếp núc một chút, để chồng đôi khi được đổi một món cầu kỳ đúng khẩu vị, để con biết thêm một chút việc “nữ công”....

Hơn nữa, vì như ai đó từng nói “trong cuộc sống này, sẽ chẳng có đâu cảnh lửa bếp nguội đi mà lửa lòng ấm lại”, anh mong vợ hãy bớt chút thời gian để thắp lửa bếp nhà mình, bởi vì có những thứ chẳng thể đổi được bằng tiền đâu.

Hay là, vợ nhé, bắt đầu bằng việc nặn đĩa bánh trôi cho ngày hôm nay!

Quang Anh

Bình luận(0)