Họ bảo hôn nhân sau "tiếng sét" giống một chuyến du lịch, càng ít biết về nhau lại càng ham thích khám phá. Và đi cùng với va vấp luôn là những điều thú vị.
Yêu nhau qua một bài hát
Khi kể lại chuyện tình yêu của mình, chị Vũ Thanh Huyên (Phú Thọ) thường tủm tỉm cười. Chị bảo, nói tình yêu của chị là "tình yêu nhạc đánh" chính xác hơn là sét đánh. "Khi tôi xuống Hà Nội học cao học trọ gần phòng anh ấy. Cả ngày tôi đi học suốt, tối mới về, phòng bên ấy cũng đóng cửa suốt nên ở gần mà tôi chưa hề biết hàng xóm bên cạnh là ai. Có một điều lạ lùng là tối nào tôi cũng nghe văng vẳng từ phòng bên tiếng loa phát giai điệu một bài hát rất da diết. Mà chỉ có một bài thôi.
Những lời ca "người yêu ơi có biết anh nhớ em nhiều lắm, những đêm trong giấc mơ tay nắm tay nghẹn ngào... giờ em đang ở đâu hãy về đây bên anh, tình yêu ta thắp lên cho mùa xuân xanh ngời" cứ vấn vít trong đầu. Vừa bực mình vì bị quấy rối không học được, lại tò mò muốn biết ai là người thường hay mở bài hát đầy tâm trạng đó, một tối tôi đánh bạo gõ cửa phòng hàng xóm, vờ xin nước".
Chị Huyên kể, vừa nhìn thấy người con trai mảnh khảnh, có đôi mắt thẳm buồn, chị bỗng thấy "tim mình như có ai bóp nhẹ". Sau này mới biết, anh cũng có cảm giác như thế khi nhìn thấy chị. Chị khen bản nhạc hay, mượn anh đĩa về mở. Tiếng nhạc vang lên dìu dặt và hai người chưa cần lời tỏ tình đã đắm chìm trong men say của tình yêu.
|
Chị Huyên mừng vì đã kéo dài được "lửa" sau tình yêu "sét đánh" của mình. |
Lấy nhau rồi mới tìm hiểu
Chị Huyên bảo, khi chị yêu và quyết định lấy anh, nhiều bạn bè tỏ ý lo ngại rằng chị sẽ vất vả. Bởi quê anh và chị cách xa nhau. Chị công việc đã ổn định ở quê mình, chẳng dễ gì bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Trong khi anh là dân "ngoại giao", thông thạo vài thứ tiếng, sao có thể theo chị về quê lập nghiệp được. Nếu lấy nhau, chắc chắn sẽ rơi vào cảnh vợ chồng Ngâu.
"Lúc đó yêu nhau mình chẳng nghĩ ngợi gì cả. Tự nhủ tìm được người hợp với mình thì mọi khó khăn sẽ vượt qua được hết. Nhưng lấy nhau rồi mới biết có vô vàn trở ngại". Cái trở ngại đầu tiên với chị là cảnh vợ chồng một chốn đôi nơi. Chị về Phú Thọ làm việc, trong khi anh vẫn ở Hà Nội, cuối tuần mới về nhà sum họp. Nghĩ cảnh vợ chồng xa nhau, tình cảm thiếu thốn đã đành, về kinh tế, làm được đồng nào cũng đều "rải đường" hết, chị bàn với chồng xin về gần nơi vợ làm việc. Cũng may, anh đồng ý và sau vài lần đổi việc, công việc của anh "tịnh tiến" dần về phía vợ.
Tuy nhiên, khi về gần bên nhau rồi, thì lại nảy sinh một trở ngại mới. Đó là do quãng thời gian yêu ngắn ngủi, lại toàn sống trong men say mật ngọt nên hai người chưa thực sự hiểu hết về nhau. Giờ qua phút giây "chếnh choáng", cuộc sống hôn nhân với đầy những nỗi lo "cơm áo gạo tiền", chỉ một chút va đập, cọ xát cũng có thể biến thành những nỗi thất vọng, khoảng trống, buồn bực.
"Anh ấy là người thương vợ con hết mực, nhưng tính lại cẩn thận và chú ý tới tiểu tiết. Ví dụ như nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng, món ăn nấu nướng cũng phải chu đáo, cẩn thận... kể ra đó cũng là ưu điểm, nhưng khổ nỗi tính tôi lại thích tuýp đàn ông xuề xòa, tính thoang thoáng lên một chút. Hoặc xưa khi yêu, tôi mê mệt cái sự trầm tĩnh, ít nói của anh ấy, nhưng lấy nhau rồi, tôi lại ước giá như anh ấy hay cười và nói nhiều hơn cho nhà cửa vui vẻ...", chị Huyên chia sẻ. Chị bảo, toàn là những cái nhỏ nhặt thôi, nhưng trong lúc mệt mỏi, áp lực thì lại thành mâu thuẫn.
Căng thẳng, buồn, cũng có lúc chị Huyên cảm thấy bi quan. Nhưng rồi, chị quyết định nén cái "tôi" của mình xuống, tâm sự cùng chồng những nỗi lo lắng, chán chường của mình. "Sau cuộc nói chuyện đó, cả hai chúng tôi đều cảm thấy bình tâm, làm cái gì cũng lựa ý nhau thay cho việc trách móc, phê phán".
Giờ đây, sau những sóng gió, cuộc sống của họ hạnh phúc với cô con gái xinh đẹp. "Chúng tôi vẫn thường trêu nhau rằng, người ta tìm hiểu kỹ rồi mới cưới, còn mình thì làm ngược lại. Nhưng vì thế, chúng tôi chẳng khác gì đang cùng nhau đi một chuyến du lịch dài. Ở đó, đi cùng với những va vấp luôn là những điều thú vị, và quan trọng là học được cách sống chung, trải nghiệm để gắn bó với nhau hơn".
BÀI LIÊN QUAN