Tình yêu sét đánh: “Nghĩ mình như phận đẻ thuê”

Google News

(Kiến Thức) - “Tình nhanh đến thì cũng nhanh đi, chúng tôi đến với nhau quá nhanh chẳng kịp hiểu gì về nhau, cũng chẳng có một chút kỉ niệm gì sâu sắc. Chỉ thiệt cho phận đàn bà mà thôi”, chị Nguyễn Thị Thủy ở Tuyên Quang thổ lộ.

Nhanh đến nhanh đi

Chị Thuỷ là người huyện Chiêm Hoá nhưng hiện nay đang sống ở Na Hang (Tuyên Quang), chị bỏ quê, ngược rừng ngược núi lên đây sinh sống cũng vì mối tình “sét đánh” sau một lần gặp gỡ với người đàn ông đầy vẻ lịch lãm và hào hoa.

Chị Thủy kể, chị quen anh Trần Huy Phúc là hoạ sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu ở Hà Nội. Nhưng anh Phúc có xưởng vẽ ở Tuyên Quang nên anh thường xuyên đến các vùng cao để sáng tác. Trong lần chị vào rừng lấy lan rừng về bán, gặp chàng họa sĩ đang say sưa vẽ cảnh núi rừng, trái tim chị Thuỷ như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Với anh Phúc, chị không biết rõ cảm giác của anh thế nào. Nhưng sau mấy ngày ngỏ lời yêu đương, chị cũng rất vui khi anh bảo, yêu chị ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng vì không thể vô duyên khi vừa gặp đã nói yêu nên phải đợi vài ngày sau, anh mới dám ngỏ lời.

Hai tuần sau, họ chính thức làm đám cưới. Anh Phúc dẫn chị về Hà Nội, gia đình nhà chồng cũng tỏ ra phấn khởi vì cậu con trai lấy được một cô sơn nữ vừa xinh đẹp, lại hiền lành và giỏi nội trợ. 

Nhưng ai biết đâu, cuộc sống đô thành không hợp với chị. Chị cảm thấy ngột ngạt, cùng với đó là cuộc sống quá đỗi xa lạ, xa hoa và cả những sự để ý nhỏ nhặt từ phía gia đình nhà chồng. Anh Phúc thì bận bịu, quanh năm suốt tháng đi công tác xa. Nhiều lúc muốn có người chia sẻ cũng không thể. Chị cảm thấy cô đơn giữa phố phường đông đúc.

Đến khi chị có thai, gia đình nhà chồng vui ra mặt. Tuy nhiên, chị Thủy bảo: “Họ chỉ tỏ ra quan tâm tới cái thai trong bụng tôi, chứ chẳng quan tâm gì đến bản thân tôi cả. Tôi cảm thấy có điều gì không ổn”. Thế rồi, chị nói chuyện với chồng, anh Phúc hắt đi bảo, người Hà Nội là thế.

Chị không hiểu, nỗi buồn bực cứ quẩn quanh bên chị. Khi sinh con xong, những thái độ thờ ở của nhà chồng mới khiến chị thực sự thất vọng. Chồng chị cũng chẳng quan tâm gì. Khi chị than thở, anh nói trọn một câu: Cô hoang dã quen rồi, phải biết tự lo cho bản thân. Thời gian đâu mà tôi lo cho được.

Khi đứa con yêu vừa tròn hai tuổi cũng là lúc anh chị đưa đơn ra toà. Mỗi người một ngả, anh nuôi con vì có điều kiện kinh tế, chị tay trắng trở về với núi rừng.

“Tôi nghĩ mình như phận đẻ thuê”. 

Khổ cho phận đàn bà

“Ngày tôi ra bến xe về quê thật không có cảm giác nào đau đớn hơn. Đứa con thơ do mình đẻ ra nhưng không được bồng bế đi theo. Tình mẹ con phải chia lìa thì đau đớn lắm”, chị Thủy nghẹn ngào.

Gia đình chị gặng hỏi, chị chỉ biết ôm mặt khóc. Chị tự nhận tất cả những lỗi lầm về mình, nhưng rồi gia đình chị cũng tâm lý, không hỏi chị gì nữa, cũng không ai trách chị. Họ đổ lỗi cho phận đàn bà, đổ cho số khổ của chị đã bị “buộc” chị vào “bến đục”.

Chị Thủy bảo: “Hôn nhân đổ vỡ là do mình thôi, thứ tình yêu nhanh đến thì cũng nhanh đi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ mình như “phận đẻ thuê”, sinh cho chồng một đứa con, cho gia đình chồng một đứa cháu nội, xong xuôi tất cả thì mình bị đuổi ra khỏi nhà”.

Hằng ngày, chị hì hục với công việc buôn bán ở các bến cá ở lòng hồ thuỷ điện trên Tuyên Quang để sinh sống. Tiền tích cóp được bao nhiêu, chị dồn hết để xuống Hà Nội thăm con. Thế nhưng, bên nhà chồng cũng chẳng cho chị được ở lâu, chị ôm ấp con một cách chóng vánh rồi lại nhảy xe ngược về quê.

“Thật là chỉ khổ cho phận đàn bà, chẳng ai biết được trước tương lai mà tránh. Tôi không hối hận về tình yêu của mình, nhưng vô cùng hối hận vì đã không kéo dài thời gian yêu để tìm hiểu về nhau cũng như gia đình của nhau. Nhưng thôi, mọi chuyện qua rồi, mỗi người một ngả, chỉ thương cho con nhỏ không có một mái ấm thực sự”, chị Thủy ngậm ngùi.

BÀI ĐỌC NHIỀU

Vân Hoà

Bình luận(0)