Khi tình người và tình yêu bị lừa gạt, con người ta bỗng sợ cuộc sống. Người ta sẽ trốn chạy, sẽ thu mình vào trong nỗi cô đơn. Câu chuyện về một người lính mà chúng tôi đã gặp ở vùng núi cao heo hút của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình là một trường hợp như thế.
Dị nhân chốn rừng thiêng
Rừng Lắn là một cánh rừng linh thiêng, nghe đồn thổi là có rất nhiều ma thiêng của nơi thượng nguồn xóm Phiếu, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Người Mường sống bao đời nay ở đây đã có nhiều câu chuyện mang tính kỳ bí về ma thiêng, nước độc của cánh rừng đó. Nhiều người cho rằng đây là cánh rừng của oan hồn. Những hồn ma chết bất đắc kỳ tử, không người thân thích, không nơi nương tựa thường tụ hội về đây. Những câu chuyện kỳ bí, đầy hoang đường này đã làm cho nhiều người ngại không dám bước chân vào rừng Lắn nữa.
Cũng từ rất lâu, người Mường ở đây lại đồn thổi thêm về một con ma sống đang lẩn khiaast định cư tại cánh rừng này. Những ngày trời đất chuyển mùa, những ngày mưa phùn gió bấc, từ cánh rừng lắn thâm u kia thường dìu dặt vang lên những tiếng sáo réo rắt, bi ai. Không ai biết tên của những bài hát mang giai điệu rất hay ấy nhưng người ta bắt đầu thấy sợ.
Chuyện lại kể rằng vào khoảng chục năm về trước có một toán người ở xã Tiền Phong, Đà Bắc đi đào vàng. Do đào được nhiều vàng nên đã bị một nhóm người khác truy đuổi để cướp bóc. Giữa cái chết và sự sống, những người đào vàng ấy đã không còn biết sợ, cứ nhắm cánh rừng Lắn có nhiều ma kia mà chạy thoát thân. Giữa tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy, trong rừng Lắn đã xuất hiện một vị cứu nhân độ thế bằng xương, bằng thịt cứu toán người đào vàng kia khỏi sự truy sát.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trông tướng mạo của người ấy rất rừng rú, mớ tóc dài ngang vai, một manh quần đùi loại vải rằn ri được quấn ngang hông. Người ấy tả xung hữu đột, 20 tay truy sát toán người đào vàng Đà Bắc kia đã nhanh chóng bị sưng mồm, sưng mặt chạy tán loạn. Cứu nguy xong, chớp mắt dị nhân mất hút. Những người đào vàng kia không kịp cám ơn, họ chỉ biết rằng có một người lạ đã cứu họ.
Còn rất nhiều câu chuyện kỳ bí tồn tại về cánh rừng Lắn này, làm cho người ta sợ và xa lánh nó. Thế nhưng, riêng ông Bùi Văn Chức, trưởng thôn xóm Phiếu khi được hỏi chuyện đã chắc chắn: “Chuyện ma quỷ của rừng Lắn tôi không rõ, thế nhưng dị nhân kia, theo tôi được biết, đó chính là ông Bùi Văn Toán, người ở thôn Đá Bia, vốn là một người lính đặc công thời kháng chiến chống Mỹ. Ông Toán đi bộ đời từ lúc tôi còn bé, hồi đó chỗ này rất ít người".
"Ông ấy đem về rất nhiều giấy khen để dán lên vách liếp trong nhà. Cái đau khổ nhất của ông Toán là vợ đã bị bạn thân lừa cưới mất, nên ông ta buồn chán bỏ vào rừng Lắn để sống. Đã gần 40 năm nay, ông ấy ở trong rừng rồi và không muốn gặp ai cả. Không giao lưu chợ búa, ông ấy sống một cuộc sống hoàn toàn tự cung tự cấp. Hiện tại ông Toán không có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào để khẳng định sự tồn tại của mình. Đã nhiều lần người thân, chính quyền đi tìm để gọi ông về nhưng không thành công”.
Cũng theo ông Chức, ông Toán ở trong mấy hang đá trong rừng Lắn, ông Chức là người được gặp ông mấy lần. Sống cách biết với đời thường, ông Toán đã trở thành dị nhân với nhiều chuyện thêu dệt hoang đường về cánh rừng Lắn sâu thẳm và ngút ngàn kia.
Sự thực về dị nhân
Câu chuyện ở rừng Lắn đã thực sự thu hút sự tò mò của chúng tôi. Chúng tôi quyết định lên đường đi tìm dị nhân bí ẩn. Từ xóm Phiếu, đường vào rừng Lắn qua rất nhiều đèo dốc. Rừng ở đây còn giữ độ che phủ rất cao, muỗi vắt bám đuổi ràn rạt theo từng bước chân của chúng tôi. Khoảng 20 km đường đi theo kiểu vạch lá, trèo đá mà đi, tìm qua nhiều hang đá mà ông Chức đã liệt kê, qua nhiều lần xác định vị trí do người dân ở đây cung cấp, mặt trời đứng bóng chúng tôi mới tìm được nơi cư trú của dị nhân.
Nơi cú trú của ông Toán vốn là một chiếc hang đá, có độ sâu chừng 10 mét, nằm vắt vẻo trên một vách đá. Lúc chúng tôi đến, ông Toán không có nhà, nhìn sơ qua, gia tài của ông chỉ là hai tấm gỗ đã bóng loáng mồ hôi, làm chỗ nghỉ lưng vào những ngày hè oi nóng và những đêm đông giá buốt căm căm nơi đại ngàn. Hai chiếc nồi méo mó, ít ống tre đã lên nước để dựng vài thứ sản vật của rừng làm nguồn lương thực dự trữ. Không chăn màn, không giày dép, gia tài duy nhất của ông chỉ có vậy.
Chúng tôi ngồi chờ đợi, cuối cùng ông Toán cũng xuất hiện cùng chục củ sắn trên tay, và một thứ rau rừng gì đó vừa hái được. Ông Toán nhìn chúng tôi rất lạnh lung, không một câu chào hỏi. Nói chuyện và làm quen với người đã gần 40 năm sống xa xã hội thật khó khăn. Do lâu không giao tiếp, dị nhân đã quên một số từ vựng thuộc loại khó và từ lấy. Bằng hết khả năng giao tiếp, chai rượu mang theo rót mời ông cạn đến một nửa, ông Toán mới lên tiếng, cho chúng tôi biết về cuộc tình cay đắng của đời mình. Câu chuyện nao long sau gần 40 năm ông mới kể cho người khác nghe.
Ông Bùi Văn Toán sinh năm 1953, tại xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Năm ông 17 tuổi, là năm miền Nam bước vào thời kỳ cao điểm nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông xung phong vào bộ đội. Trước khi đi, ông đã kịp cưới một cô gái Mường rất xinh cùng xóm. Trong quân ngũ ông được phân vào đơn vị đặc công. Huấn luện xong, năm 1972, ông được điều vào thành cổ Quảng Trị. Trong những lần tả xung hữu đột ở đây ông cứu được một chính trị viên có tên là Trí. Ông không còn nhớ tên tuổi của đơn vị người chính trị viên ấy nữa.
Sau năm 1975, ông xuất ngũ trở về quê hương chứng kiến một sự thật phũ phàng: vợ ông đã bỏ đi lấy người chồng khác. Người chồng ấy lại là người bạn cùng làng với ông, cùng đem lòng yêu người con gái mà ông đã lấy làm vợ, cùng nhập ngũ như ông. Do bị thương nên anh ta được xuất ngũ về quê. Vốn đã yêu vợ ông Toán từ trước, nay rắp tâm chiếm đoạt vợ bạn nên anh ta đã dựng chuyện bảo ông đã chết rồi.
Anh ta thường xuyên đến động viên và ngỏ lời gánh vác phần việc của bạn, cùng cô đi tiếp quãng đời sau. Người vợ mới đầu rất đau khổ, sau nguôi ngoai. Trước sự chia sẻ hết sức tận tình của người bạn chồng, cô ta chấp thuận đi bước nữa. Ngày ông về, người vợ trẻ đã là vợ của người khác. Uất hận, mặc cảm, ông bỏ vào rừng Lắn thâm u để chạy trốn con người, chọn cách sống cô đơn.
Ngoài cái bếp quanh năm đỏ lửa, ông còn một người bạn tâm tình nữa là cây sáo trúc. Buồn, ông đem nó ra thổi. Tiếng sáo réo rắt ám ảnh người dân Tiền Phong. Ông chỉ thôi và bấm nốt theo phản xạ tự nhiên, những nốt nhạc rời rạc như chính tâm trạng của ông vậy. Đến giờ, ông chẳng còn nhớ ca khúc nào ngoài bài Khúc quân hành. Ông đã thổi tặng chúng tôi trước lúc chia tay. “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ…”, tiếng sáo vun vút xé rừng. Chúng tôi buồn, còn ông tự nhiên khóc.
Ông Chức bảo, muốn kéo ông Toán về với cuộc sống đời thường lắm, thế nhưng ông Toán không chấp nhận, Rất tiếc, giấy tờ của ông ấy cũng đã thất lạc, nên không có gì làm căn cứ để xét, cấp chế độ cho ông. Ngay như cả ông Chức, người hiện đang nắm giữ nhân khẩu của thôn cũng chỉ còn lờ mờ nhớ lại những giấy khen mà ông Toán đã đem về sau chiến trận, dán vào vách liếp hồi ông Chức vẫn còn bé tẹo.