Em bảo, muốn sinh thêm một đứa, để cha mẹ chồng vui lòng, vì ông bà muốn nhìn mặt cháu trai để yên tâm nhắm mắt. Vợ chồng mình đã có hai công chúa, vậy mà em cứ thập thò đòi đi tháo vòng tránh thai. Em bảo, hai vợ chồng đều không làm việc ở cơ quan Nhà nước, sinh con thứ ba cũng chẳng sao. Anh vốn có xu hướng chiều theo ý em, nhất là lần này, em muốn sinh thêm con vì muốn làm đẹp lòng cha mẹ anh, hà cớ gì anh không chiều?
Anh biết, em là một trong những nàng dâu hiếm hoi trên trái đất này, được cha mẹ chồng chiều chuộng còn hơn chiều con ruột. Những bữa cơm gia đình, cha mẹ không lo cho con trai, nhưng cứ gắp đồ ăn cho con dâu. Gặp ai, cha mẹ cũng kể về con dâu với vẻ hãnh diện ra mặt. Mà em cũng xứng đáng được cha mẹ dành cho “phần thưởng” như vậy vì xinh đẹp, nết na, lại có tài kinh doanh. Anh cảm thấy vui lây.
|
Ảnh minh họa. |
Tất nhiên, ở góc độ xã hội, “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Mà có làm việc ở cơ quan Nhà nước hay không, vẫn chỉ nên sinh hai con. Anh chỉ muốn phân tích thêm cho em hiểu, quan trọng nhất là sinh con cho ai?
Gia đình mình người Hoa, nên khát khao có cháu trai, con trai lại càng mãnh liệt. Từ bao giờ, hai vợ chồng mình phải sống trong sự trói buộc của nỗi lo không có con trai? Bản thân anh đã tự hóa giải được chuyện đó, thực sự cảm thấy có hai con gái là đủ. Nhưng anh biết, cha anh là người không dễ “hạ nhiệt” khát khao có được đứa cháu trai nối dõi tông đường. Công việc kinh doanh bận rộn, lại vất vả chăm sóc hai con gái nhỏ, vợ chồng mình còn phải đau đáu nghĩ đến “món nợ” sinh con trai từ ngày này qua tháng nọ. Bây giờ, sau một thời gian xuôi xuôi, từ bỏ ý định sinh con, em lại tuyên bố “sẽ cố gắng sinh con trai cho cha mẹ chồng vui lòng”.
Anh ghi nhận và thầm biết ơn em vì tấm lòng hiếu đễ với cha mẹ chồng, nhưng em cần đưa ra một quyết định có lý. Nói thì hơi bẽ bàng, nhưng cha mẹ anh đã trên 70 tuổi, cũng chẳng sống với con cháu được lâu. Nếu vợ chồng mình cố sinh một đứa con trai, là sinh cho vợ chồng mình, chứ cha mẹ có ăn đời ở kiếp với con cháu đâu mà hưởng? Em có thể báo hiếu cha mẹ bằng nhiều hình thức khác, như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, quà cáp để cha mẹ có thêm niềm vui, chứ không thể lấy đứa con làm “quà”.
Nếu có con, đứa con ấy sẽ gắn bó từ thời gian, không gian đến tình cảm với anh và em. Số phận và cuộc đời của con gắn với cha mẹ là chính, chứ không phải ông bà. Anh chẳng phải người vô cảm, anh cũng rất thích trẻ con. Khi nhắc đến chuyện sinh con, anh đã hồ hởi tưởng tượng ra đủ thứ tốt đẹp. Nhưng dẫu sao, vợ chồng mình cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Đối với em, hai lần mang nặng đẻ đau chỉ cách nhau chưa đến hai năm, đã khiến em gần như kiệt sức. Em cần có thời gian chăm sóc hai con, cần để tâm lực lo cho gia đình, công việc. Anh cũng không đủ sức kham thêm việc nuôi một đứa trẻ.
Khi có gia đình, ai nấy đều muốn toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, nhưng cũng cần nghĩ đến bản thân, bởi mỗi người cần sống tốt cho mình mới lo cho người khác được, đúng không em? Nếu em sinh thêm một đứa con, nói hơi quá là gần như em sẽ “chôn” vùi cuộc sống của em vào việc chăm con, khó có thể cân bằng được. Hơn ai hết, chính em cần “gạch đầu dòng” những yếu tố nên và không nên để xem xét khách quan vấn đề. Việc cha mẹ chồng khao khát một đứa cháu trai, chỉ nên là một ý nhỏ trong những “gạch đầu dòng” ấy.
Anh không muốn lấy quyền làm chồng để ép em dừng việc sinh nở, mà thực ra, anh cũng không có cái quyền cấm đoán ấy. Anh chỉ muốn em bình tâm để hiểu đúng vấn đề, từ đó có quyết định hợp lý hơn.