Việc có người thân nghiện ngập ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên nhiều người cố giấu bằng mọi giá dù họ không thể tự mình giải quyết vấn đề, ngay cả khi cái giá phải trả chính là sự an nguy của người thân.
Càng giấu, càng không lối thoát
Những người hàng xóm đã sớm nhận ra những dấu hiệu bất thường của thằng Chính, con trai chị Thủy (42 tuổi, sống ở Nghệ An), từ nhiều năm trước. "Thằng bé nghiện thì phải", họ bảo nhau.
Chuyện trẻ vị thành niên nghiện ma túy ở khu vực này không lạ, nhưng nếu chuyện ấy xảy ra với nhà chị Thủy thì tội quá, bởi chị tuy có chồng nhưng gần như một mình nuôi con, chồng vì công việc mà ở tít tận miền Nam, thỉnh thoảng mới về, nghe đồn là có "phòng nhì" trong đó. Thằng con duy nhất được cưng chiều nên có phần lấn lướt mẹ, nếu nó nghiện thì mọi người e là chị Thủy khó mà khống chế con để bắt nó từ bỏ ma túy.
Thời gian sau, thấy chị Thủy mỗi ngày một gầy rộc, già xọm hẳn đi, ai cũng ái ngại, hỏi có chuyện gì không thì chị bảo không có gì, bị bệnh mất ngủ thôi. Cái lần thằng Chính nhà chị bị mấy nam sinh viên trong khu nhà trọ đánh toạc cả mặt và chửi cậu là đồ ăn cắp, bà hội trưởng phụ nữ với mấy người nữa phải xông vào giải cứu rồi băng bó cho.
|
Ảnh minh họa. |
Khi chị Thủy đi làm về, bà hội trưởng kể lại rổi hỏi thẳng: "Bao lâu nay, mọi người quanh đây vẫn nói là thằng Chính nghiện, có đúng thế không cô? Nếu nó nghiện thì cô phải bảo bố nó về giải quyết, bố nó không về được thì nhờ anh em họ hàng, làng xóm, đoàn thể địa phương, chứ mình cô thể nào cũng bị nó bắt nạt, không làm gì được đâu".
Chị Thủy giãy nảy: "Trời ơi, sao mọi người lại đổ tiếng xấu cho nhà em thế? Con em bình thường, có gì đâu. Vụ chiều nay chắc cũng vì có xích mích nên mấy đứa sinh viên kia vu oan cho nó thôi". Bà hội trưởng phụ nữ đành ra về trước khi dặn có gì cần giúp đỡ cứ gọi. Thời gian sau, thấy Chính hình dung ngày càng tiều tụy, hốc hác, lại có những người khác hỏi han chị Thủy và khuyên chị nên cứng rắn trong việc cai nghiện cho con, đừng để lâu hại đến tương lai của nó, nhưng chỉ tổ bị chị mắng cho là ngồi lê đôi mách chõ mũi vào chuyện người khác.
Một bà hàng xóm kể: "Ai nhìn cũng biết ngay thằng bé nghiện. Chính thằng T., thằng xì ke trong xóm này, cũng khẳng định trăm phần trăm như thế, nó bảo đứa nào nghiện chỉ cần đi qua là nó ngửi được mùi ngay. Mẹ nó đã không cai được cho con mà còn giấu thế thì chết thằng bé".
Có lần thấy chồng chị Thủy về, mấy bà nhân tiện gặp ngoài ngõ thì nói chuyện này với anh, khuyên nên chuyển công tác về để còn giám sát. Chồng Thủy về hỏi vợ, vợ bảo hàng xóm rỗi chuyện đặt điều, con đang luyện thi đại học thì gầy thôi. Vốn đã thờ ơ với vợ con, nghe vậy chồng Thủy cũng tin ngay, vài ngày sau lại đi. Chị Thủy từ đó càng ghét và xa lánh hàng xóm.
Thằng Chính sau đó không thi đại học. Mẹ nó vẫn bảo là thi trượt, đang ôn để thi lại, nhưng suốt bao nhiêu năm thấy nó vẫn chẳng làm gì. Chị Thủy thì bị chồng bỏ. Rồi một đêm, chị gào khóc ầm ĩ, kêu hàng xóm đến cứu con mình. Chính bị sốc thuốc, may cứu được. Đến lúc đó, chị mới chịu thừa nhận con mình nghiện: "Các bác có cách gì giúp em với, em đã cố nhiều lần rồi, nhốt nó thì nó phá cửa đi, không cho tiền thì nó đi ăn cắp, dọa nó nó không sợ..."
Mọi người đang chưa biết giúp thế nào thì ít lâu sau đã nghe chị Thủy tuyệt vọng cho biết thằng Chính bị viêm gan B và suy gan rất nặng, khó trụ được lâu... Chị đấm ngực cho là mình đã giết con mình, giá đừng vì sĩ diện mà giấu giếm trong khi bản thân không một mình cứu nổi con.
Chị Thủy là đàn bà một thân một mình nuôi con nên khó cứng rắn đã đành, nhiều gia đình vợ chồng đề huề mà vẫn mắc lỗi tương tự. Vợ chồng Lâm - Hạnh kinh tế khá giả, chị là giáo viên, anh làm sếp của một sở, con cái không học trường chuyên thì cũng lớp chọn. Vì thế, khi biết cậu con trai út, đang học đại học ở Hà Nội, mắc nghiện và bị trường đuổi, thay vì đưa con đi khám và cai nghiện đúng phương pháp, anh chị chọn cách nhốt con ở nhà để thông tin không lọt ra ngoài, mấy uy tín của mình.
Ban đầu họ nghĩ rằng việc dùng xích trói con có thể giúp nó cai nghiện, nhưng thực ra chỉ cắt cơn được một thời gian, rồi thằng bé dùng ma túy trở lại. Càng về sau, thấy ít tác dụng, chị Hạnh còn qua mặt chồng cởi trói cho con. Về sau, cả hai vợ chồng biết là bó tay bất lực, nhưng vẫn không đưa con đi cai nghiện ở trung tâm. Đó là điều khiến họ suốt đời ân hận, bởi trong một lần ra công viên mua ma túy, cậu con trai bị công an bắt quả tang rồi bị khởi tố vì tội tàng trữ ma túy, phải đi tù.
Mất cửa nhà vì "giữ thể diện cho chồng"
Vì anh Bính, chồng chị Hoa, là trưởng phòng của một công ty ăn nên làm ra, nên khi anh xin vợ giữ kín chuyện, đừng cho bất kỳ ai biết chuyện anh cá độ bóng đá thua đến 300 triệu đồng, chị thấy cũng đúng. Thế là sau khi khóc lóc vật vã mà chẳng thể chia sẻ với ai, chị bấm bụng bán vàng, lấy tiền trả nợ cho chồng trước khi anh bị đám đầu gấu "xin tí tiết".
Số tiền đó là gần như toàn bộ vốn liếng của gia đình, sau khi đã mua nhà. Vì thế, khi xã hội đen một lần nữa đến nhà đập phá, đòi trả ngay 130 triệu tiền thua cá độ, chị Hoa quyết định gọi điện tố với bố mẹ chồng để họ can thiệp. Nhưng anh Bính quỳ xuống xin vợ: "Nói với bố mẹ thì được cái gì. Bố mẹ làm gì có tiền trả giúp, biết chỉ thêm bệnh thôi, xin em, anh thề đây là lần cuối". Lần đó, chị Hoa bán hết mấy chỉ vàng còn lại, vay mượn thêm để trả nợ cho chồng, rồi sau đấy tằn tiện, "cày bừa" để trả.
Nhưng chẳng có lần nào là lần cuối, vì anh Bính thực sự bị nghiện cá độ, không thể ngừng chơi được. Thỉnh thoảng anh trúng một "quả" nhỏ, anh lại hớn hở mua quà tặng vợ, khiến Hoa phát hoảng: "Anh định giết cả nhà phải không? Hôm nay anh thắng mấy triệu, mai anh thua mấy tỷ bán nhà cũng không đủ trả đấy". Hoa không ngờ rằng câu nói ấy của chị chẳng bao lâu đã "ứng nghiệm".
Một hôm, Bính không về nhà, điện thoại không liên lạc được. Hoa điên cuồng tìm chồng khắp nơi, gọi điện cho tất cả bạn bè, người quen của chồng, lùng sục khắp các phòng cấp cứu. Mấy hôm sau, chị mới biết chồng lại vừa gây tai họa kinh hoàng, khi công ty Bính phát hiện tiền bán hàng cả tháng nay anh không nộp cho công ty mà vẫn nói dối là khách còn nợ. Và cũng đến lúc đó, các đồng nghiệp của anh mới vỡ lẽ mình không phải là người duy nhất bị anh vay tiền. Thế mà họ vẫn giữ kín vì nghĩ anh có chút khó khăn tạm thời.
Nhưng không phải vì công ty mà Bính phải đi trốn. Anh trốn vì dù có trộm tiền, có vay nợ, anh cũng chỉ trả được một phần cho trận thua mới nhất, vì thế mới phải đi để giữ mạng sống. Chị Hoa cũng phải đi lánh nạn ở nhà cô bạn độc thân, nhà khóa lại nhờ anh công an khu vực quen biết để ý giùm. Đám đầu gấu đến nhà bố mẹ chồng để gây chuyện, lúc đó ông bà mới biết và gọi con dâu về hỏi kỹ.
Hoa bị cả nhà chồng mắng chửi không ra gì, vì chuyện tày trời như vậy mà dám giấu bao lâu nay. "Mày đã không khuyên nhủ, bảo ban được chồng thì phải nói với người lớn để người ta còn giúp chứ", bố chồng mắng. "Bây giờ nó phải đi trốn, tính mạng bị đe dọa như vậy là tại mày, nó mà có mệnh hệ gì thì tao hỏi tội mày đấy".
Nhờ bố chồng chỉ đạo, cuối cùng gia đình cũng tìm ra nơi anh Bính ẩn náu để đưa về. Chẳng có cách nào khác, vợ chồng anh phải bán ngôi nhà mới mua chưa đầy 2 năm để trả hết các khoản nợ, rồi về tá túc nhà bố mẹ, chịu sự quản thúc của các cụ, và tìm công việc mới (dĩ nhiên anh bị đuổi việc ở công ty cũ).
Cuối cùng thì chuyện cũng qua. Anh Bính đã bắt đầu lại ở vị trí nhân viên quèn, nhưng đã tạo được cảm giác an toàn cho vợ. "Nếu không có bố mẹ chồng ra tay, nếu không bây giờ chẳng biết vợ chồng tôi đang ở vũng lầy nào nữa", chị Hoa chia sẻ.
Chị nhận ra mình đã quá ngu ngốc khi giấu diếm tình trạng của chồng, không nhờ sự giúp đỡ của người thân. Càng giấu càng bế tắc, đừng nói danh dự mà mọi thứ đều mất hết.