Câu chuyện giữa bà Hiền ở quận Hà Đông, Hà Nội, với người hàng xóm bị ngắt quãng giữa chừng vì tiếng điện thoại.
Bà tất tả nghe máy rồi chép miệng thở dài: "Lại phải sơ tán sang nhà thằng con trai cả để chăm sóc hai đứa cháu. Vợ chồng nó đều làm sếp, có chút địa vị trong xã hội nhưng con cái thiệt thòi quá".
Anh Nam con trai bà Hiền là Giám đốc Ban quản lý dự án một công trình ở Thái Nguyên của một công ty xây dựng. Còn cô con dâu, Lâm Thụy, làm giám đốc phụ trách kinh doanh một hãng điện tử của Hàn Quốc tại miền Bắc.
Bà Hiền nhẩm tính, mỗi năm cậu cả đi công tác thường xuyên tới gần nửa năm, tính gộp lại những ngày anh toàn tâm toàn ý ở nhà chỉ được khoảng hai tháng rưỡi. Toàn bộ việc nhà, từ đối nội đối ngoại, nuôi dạy con cái, quán xuyến gia đình được giao tất cho cô con dâu. Vốn đảm đang chịu khó, thời gian đầu Lâm Thụy cũng hoàn thành tốt việc cơ quan và gia đình, bà Hiền chẳng chút phiền muộn. Thế nhưng kể từ khi được đề bạt lên chức giám đốc, Lâm Thụy bị cuốn vào việc. Họp hành, chạy đua doanh số bán hàng... chiếm gần như hết quỹ thời gian của chị. Thành thử vừa mới nghỉ hưu chưa đầy ba năm, bà Hiền nhận luôn nhiệm vụ làm người giúp việc, chăm sóc hai đứa cháu nội cho vợ chồng cậu cả khi nàng dâu đi công tác; hợp tác lâu dài với vợ chồng thằng hai trong việc nuôi dạy cháu.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Những lúc rảnh rỗi lắm bà mới được dành chút thời gian riêng tư cho những hoạt động hưu trí như tập khí công, đi bộ hay sinh hoạt ở phường. "Bận rộn thì chẳng nói làm gì nhưng thấy xã hội hiện đại, công việc cuốn hết cả tình cảm, nhiều lúc nghĩ tội các cháu và lại càng cảm thấy thương vợ chồng thằng con", bà Hiền than thở.
Người Việt Nam xưa nay khi gặp nhau, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là được mấy cháu, trai hay gái? Câu thứ hai là các cháu làm gì rồi?... Thậm chí có người còn mạnh mồm nói rằng: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con” một cách đầy tự hào. Thế nhưng ở xã hội hiện đại, nhiều cặp vợ chồng "sếp" cưới nhau đã cố hoãn việc có con để lo phấn đấu cho sự nghiệp. Đến lúc có địa vị rồi thì ôi thôi, chẳng thể nào đủ sức mà "ấp trứng".
Đạt và Thủy yêu nhau từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Ra trường, có công ăn việc làm ổn định, sau hai năm họ tổ chức lễ cưới. 33 tuổi, Đạt trở thành chuyên gia phần mềm tin học, được hưởng mức lương hơn chục triệu mỗi tháng, nhưng đổi lại anh phải làm việc đến 15 tiếng mỗi ngày. Càng được “sếp” tín nhiệm trả lương cao, anh càng say mê, có khi nửa đêm thức dậy bật máy tính lên làm việc. Thủy vợ anh làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty thời trang tư nhân ở Hà Nội cũng có thu nhập khá cao.
Mỗi người một nghề, một thú vui, sở thích nên cả hai bị công việc cuốn đến quên cả việc ngồi lại với nhau để nói chuyện sinh con đẻ cái. Hãn hữu lắm hai người mới có thời gian đưa nhau đến nhà hàng vào buổi tối để hưởng những phút giây lãng mạn có nến, hoa thơm và rượu ngoại. Thế nhưng thời khắc hiếm hoi ấy có lúc Đạt và Thủy cũng bỏ đũa để nói chuyện điện thoại với sếp hoặc nhân viên cấp dưới hay đối tác làm ăn.
Nghe nói năm nay được xem là hợp cho tuổi sinh con của 2 vợ chồng, nên từ giữa năm, Đạt và Thủy quyết định tạm gác công việc để sinh con. Thế nhưng ngày lại ngày trôi qua, gần hết quý 3, vợ chồng nhìn nhau vẫn chưa thấy tín hiệu vui.
Khi cả hai đều là người đứng đầu một cơ quan, quỹ thời gian hầu như để hết ở công sở với trách nhiệm đảm bảo cuộc sống cho hàng trăm người lao động, chuyện nhà mình lại hóa ra xa lạ như của ai ấy. Thường xuyên vắng nhà, con cái nhờ hết vào ông bà và người giúp việc, chểnh mảng chuyện gối chăn, cả tuần chẳng ăn nổi một bữa cơm ở nhà. Vợ chồng giống như mặt trời mặt trăng có khi mấy ngày không thấy mặt nhau... là những chuyện không hiếm xảy ra tại các gia đình khi cả vợ chồng đều làm "tướng". Do vậy, thu xếp cái gia đình nhiều việc ấy như thế nào cho ổn thỏa, cũng là bí quyết riêng của các sếp vợ chồng.
Vợ chồng anh Hân chị Tâm chung tay xây dựng một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc. Anh làm giám đốc, vợ quản lý tài chính đã rút được bài học xương máu từ vợ chồng người bạn có địa vị xã hội. Khi mọi chuyện quá muộn, bạn anh chị đã phải dẫn nhau ra tòa, tài sản bị chia tách, con cái phân ly mới giật mình, quay lại không kịp.
"Quen chỉ huy trong công ty mà, nên anh muốn cả nhà nghe mình, chị cũng muốn chồng với con coi ý kiến mình là số một. Kết quả là cái mối quan hệ xương sống gia đình bị gãy, hôn nhân tan rã", anh Hân phân tích. Chính vì thế, vợ chồng anh Hân cứ nhìn vào "gương" ấy mà phân công: "Nếu hai ý kiến choảng nhau thì tìm ý kiến thứ ba dung hòa". Nhờ đó mà anh chị sống với nhau hơn 20 năm với hai mặt con, đều vào đại học... Đến nay tình vợ chồng vẫn mặn nồng. Cứ đều đặn, không cơm khách hay công tác thì anh chị về nhà ăn trưa, tối cùng gia đình, lâu dần trở thành nếp nhà hay được chị gọi đùa là "gia quy".
Chị Hiên, Phó giám đốc một công ty du lịch lớn tại Hà Nội, có chồng cũng là tổng giám đốc công ty to, còn bật mí bí quyết sắp xếp công việc gia đình khi cả hai đều là sếp. Chị không thuê người làm, đơn giản vì: "Nhà toàn đàn ông con trai, mỗi mình phụ nữ, có người làm dễ sinh chuyện này nọ".
Chị huấn luyện hai con trai biết phụ giúp mẹ bằng cách chia lịch lau dọn nhà cửa, giặt giũ đã có máy móc. Bố cũng phải biết phụ việc nhà. Cơm nước thì trước khi đi làm chị đã cắm nồi cơm. Cuối tuần đi chợ sẵn thức ăn trong tủ lạnh, về nhà chỉ cần nấu một loáng là xong. "Mệt, vất vả lắm, thân làm phó giám đốc nhưng nhiều khi lăn ra dọn dẹp nhà cửa, nhưng cũng vui vì gia đình hạnh phúc, chồng con chia sẻ", chị Hiên tự hào nói.