Người yêu cò kè mặc cả tiền… dẫn cưới

Google News

Quân vừa nghe thấy đã kêu lên thất thanh: “Sao đắt quá vậy? Anh hỏi mấy người ở khu quê nhà em rồi, cùng lắm là 5 đến 7 triệu thôi!”.

Quân và Liên đang lên kế hoạch cưới xin. Sát lễ ăn hỏi, Quân hỏi Liên: “Tiền dẫn cưới theo tục lệ bên nhà em là thế nào?”.

Liên hỏi mẹ thì mẹ cô nói: “Tráp chỉ gọi là hình thức để người ta nhìn vào, chứ bên trong bớt nhiêu khê đi cho bên nhà nội đỡ gánh nặng. Tiền dẫn cưới, với nhà nào khá giả thì dẫn lễ 10 triệu, nhà bình thường thì 5 hoặc 7 triệu. Tiền đấy hôm lại mặt mẹ lại cho hai đứa làm vốn chứ mẹ lấy làm gì!”.

Liên nghĩ Quân là con trai duy nhất, cháu trai đích tôn của cả họ, rồi nghĩ để bố mẹ đỡ tủi thân khi con gái đi lấy chồng, cô bảo Quân: “Các tráp thì tùy, còn tiền dẫn cưới là 10 triệu anh ạ!”.

Quân vừa nghe thấy đã kêu lên thất thanh: “Sao đắt quá vậy? Anh hỏi mấy người ở khu quê nhà em rồi, cùng lắm là 5 đến 7 triệu thôi!”.

Liên chán nản trước phản ứng của người yêu: “Anh hỏi em nên em đã đi tham khảo ý kiến mọi người thôi”. Quân im lặng chẳng nói chẳng rằng.

Trước lễ ăn hỏi một ngày, Liên hỏi chồng sắp cưới: “Các thủ tục bên nhà đã xong chưa anh?”. Quân đáp gọn lỏn: “OK hết rồi! Tiền dẫn cưới là 5 triệu!”. Liên bực mình, tự ái nổi lên, cô nói với mẹ không cưới xin gì nữa. Cưới làm gì khi cái thân cô đang bị chê đắt, đang bị cò kè mặc cả kia kìa!


Bố mẹ Quân nhận được thông tin, tức tốc gọi điện cho Liên trách cô, sao không nói trực tiếp với bố mẹ chồng về số tiền? Liên dở khóc dở cười, chẳng lẽ nói thẳng với mẹ chồng rằng đó là chuyện mà một cô dâu mới như cô có thể bàn bạc với đằng nhà trai hay sao?

Sau khi lễ ăn hỏi kết thúc, mẹ và chị gái gọi riêng Liên vào nói chuyện. Mẹ cô thở dài: “Con ạ, có chuyện này mẹ nghĩ phải nói với con để con biết mà liệu tính ông bà bên nhà để cư xử cho khéo, kẻo lại mang tiếng bố mẹ nuôi con ăn học…” . Thì ra hôm ăn hỏi, bố mẹ chồng cô đồng ý dẫn lễ 7 triệu cho đẹp mặt nhà gái (nguyên văn lời bố chồng), nhưng đằng nhà trai đòi phải “có đi có lại”. 

Cụ thể, bố chồng cô bảo: “Theo lệ thì nhà trai thuê xe đến đón dâu, nhưng mà nhà bà có con gái đi lấy chồng, chẳng lẽ lại không lo được cái xe đưa đại diện và con cháu nhà gái về nhà chồng sao?”.

Liên nghe mà thấy thương bố mẹ vô cùng. Bố mẹ nuôi cô lớn từng này, giờ cô lấy chồng xa, đã chẳng có điều kiện báo hiếu ông bà lúc tuổi già, thế mà ngày ăn hỏi của con gái, ông bà cũng phải phiền lòng thế này. Rồi nghĩ đến hành động mặc cả thêm bớt của nhà trai như thể mua một món đồ về dùng, một con trâu về cày ruộng của nhà chồng, Liên uất ức không ngủ nổi.

Họ hàng, láng giềng biết chuyện cô bị cò kè mặc cả thì xì xầm bàn tán làm bố mẹ cô xấu hổ vô cùng. Đến ngày cưới - ngày hạnh phúc nhất đời của người con gái - mà cô cũng chẳng thể vui nổi. Cô khóc hết nước mắt vì tủi thân.

Chị Phượng (Tây Hồ, Hà Nội) mỗi khi nhớ lại lễ ăn hỏi của mình cũng vẫn thấy xấu hổ và ấm ức. Hồi ấy, chồng sắp cưới của chị là Việt kiều ở Hàn Quốc về, có nhà lầu xe hơi, ai nhìn vào cũng xuýt xoa ngưỡng mộ chị. Đặc biệt là bố mẹ chị, đi đâu cũng khoe con gái sắp được gả vào nhà giàu, sau này của ăn không hết.

Gần đến ngày ăn hỏi, chị hỏi chồng sắp cưới về các thủ tục thì anh cười tươi rói: “Xong hết rồi, em yên tâm!”. Nghe anh nói vậy, chị chả đả động gì nữa, túi bụi sắm sửa quần áo, đặt thiệp, mời khách…

Lễ ăn hỏi, bố mẹ chị rình rang mời rất nhiều bạn bè, anh em đến chung vui, để chủ yếu là khoe màn đưa sính lễ hoành tráng của nhà trai.

Nhưng khi đoàn bưng tráp của nhà trai tiến vào thì những tiếng xì xầm to nhỏ bắt đầu nổi lên. Cứ nghĩ các tráp phải to, phải hoành tráng lắm, đoàn bưng tráp phải toàn trai xinh gái đẹp xếp hàng dài dằng dặc từ ngõ vào nhà. Nhưng cả đoàn chỉ có 5 chiếc tráp bé bé. Bao tự hào, háo hức của chị Phượng cũng theo đó mà tan tiến hết.

Đến khi người thân, họ hàng trong gia đình mở tráp ra thì chị lại càng ê mặt hơn nữa. Trước gần trăm cặp mắt nhìn chằm chằm vào thì chỉ thấy trong những tráp ấy lèo tèo vài loại hoa quả. Có tráp còn chỉ rặt một loại quả, nhìn nhỏ nhỏ, xấu xấu như hàng mua vét lúc chợ chiều.

Bố mẹ chị giận tím mặt, lặng thinh không thốt ra nổi lời nào. Chị cũng khóc dở mếu dở. Ngày mai cả phố sẽ bàn tán xôn xao về lễ ăn hỏi tưởng là danh giá nhưng lại thê thảm vô cùng của chị cho mà xem!

Ừ thì thôi màn tráp cho qua, nhưng các bậc phụ lão đằng nhà gái đợi dài cả cổ vẫn chẳng được cái phong bao lễ đen nào của chàng rể tương lai.

Chị gọi chồng chưa cưới ra nhấm nháy thì anh trả lời tỉnh bơ: “Trên khu nhà anh không có lệ này!”. Còn tiền dẫn cưới thì mẹ chị cũng vừa được bà thông gia rỉ tai rằng váy vóc, ảnh iếc của chúng nó tốn kém quá, lẹm sang cả tiền dẫn cưới rồi.

Từ phụ huynh đến họ hàng nhà gái tức giận bừng bừng nhưng vẫn đành phải ngậm tăm, đi chào hỏi khách khứa mà cố mãi không thể nhếch mép lên cười nổi. Vừa mới lúc nãy còn hớn hở khoe rể tôi thế này, rể tôi thế kia, bây giờ thì đúng là ôi mặt không lời nào tả xiết!

Cuối cùng lễ ăn hỏi đầu voi đuôi chuột ấy cũng kết thúc. Những ngày sau, không lúc nào là mẹ chị Phượng không nói cạnh khóe: “Tao nuôi con chó bán đi còn được triệu bạc. Nuôi này hơn 20 năm mà cho không thiên hạ! Mày thấy mày đã nhục chưa?”. 

Chị vừa buồn cho cái thân mình, vừa xấu hổ và thương bố mẹ, vừa ấm ức với nhà chồng. Chẳng thế mà hôm đám cưới, cả nhà chị vẫn cỗ bàn như thường nhưng mặt ai cũng buồn rười rượi còn hơn cả đưa đám! 
Theo Trí Thức Trẻ

Bình luận(0)