Khi đó, tức khi bồ của ông ngoại đến chơi, con của chị sẽ lăng xăng mở cổng. “Cô dâu tương lai” (chỉ chờ chị Hường đồng ý) bẽn lẽn xách quà bánh, trái cây vào với nụ cười rất tươi. Ba chị sẽ chạy vội lên lầu (bình thường ông đi và… vịn cầu thang!) để thay đồ đẹp đón người yêu.
“Bực quá, ngứa mắt quá đi!” là câu chị hay than vãn khi chứng kiến cảnh này. Ba chị năm nay đã 65 tuổi. Mẹ chị mất khi chị mới học lớp 7. Biết là ba sẽ “đi bước nữa” nhưng sao không đi sớm hơn, để bây giờ chị đã học xong đại học, ra trường, đi làm rồi có gia đình riêng ông mới… tòm tem! Và nữa, nghĩ đến mẹ, chị Hường không đành lòng. Chị luôn có cảm giác tức anh ách khi người phụ nữ đó xuất hiện. Bực hơn là tuổi của “cô dâu tương lai” - chị luôn mỉa mai như thế - mới có 43 tuổi, hơn chị vài tuổi và… nhỏ hơn ông xã chị 2 tuổi!
Có lần, chị đi công tác về thấy cả nhà đang ngồi ăn cơm cùng bồ của ba. Ba chị đương nhiên vui tươi hớn hở. Con bé Lan Anh hết kể chuyện đến hát hò cho “ông bà” nghe. Thay vội bộ đồ, miễn cưỡng ngồi ăn cùng cho phải phép thì chị Hường nổi điên khi chồng mình cứ tủm tỉm cười. Bực quá chị lên phòng, không thèm ăn nữa. Lát sau chồng mới giải thích: “Là anh thấy buồn cười quá không nhịn được khi nghĩ dì ấy nhỏ tuổi hơn anh, thế thôi!”. Và anh úp mặt vào gối để khỏi phát ra tiếng cười ha ha đang cố nén.
Cực nhất là khi chị Hường lỡ lời: “Yêu đương gì? Cô ấy nhìn vào cái nhà của ba cháu thì có!”. Không biết lời nói đi loanh quanh thế nào từ bà hàng xóm đến tai bồ của ba và người ta giận không đến nữa. Ba chị… chính thức tuyệt thực để phản ứng với “suy nghĩ xấu” của con gái.
|
Minh họa: DAD |
Thử bình tâm tìm hiểu, chị biết ba mình quen cô Hà (giờ chị mới thèm để ý đến cái tên!) ở một hội thơ văn nào đó. Ba chị có vài bài thơ đăng báo, vài bài được bạn bè phổ nhạc tặng. Cô Hà là “cây văn nghệ” của phường. Cô có giọng ngâm thơ hay, hát ngọt ngào và trái tim ông già xao xuyến hồi nào không hay. Tình duyên trắc trở sao đó nên cô Hà chưa có chồng. Tưởng như không yêu thương gì ai nữa, một ngày trái tim cô lỗi nhịp trước là tình yêu thơ nhạc, sau là… tình trăm năm trừ vài chục năm tuổi tác! Gia cảnh cô không đến nỗi nào nên chuyện “chiếm gia tài” như chị Hường nghĩ làm tổn thương “cô dâu tương lai” cũng phải.
Người yêu không đến chơi, ba chị Hường buồn bỏ cơm mấy ngày. Ông chỉ ở trong phòng, lên mạng đọc báo. Con bé Lan Anh cũng buồn buồn vì không có… bạn! Trước đây, thỉnh thoảng chị Hường đi làm về thấy nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, trên kệ bếp có hũ cải chua, cà pháo muối nay thì vắng lặng. Chồng nói em “xuống nước” nhanh đi thôi, ba nhịn nữa là nguy đó, người già ít có năng lượng dự trữ…
Chị Hường mon men lên phòng ba. Chị khựng lại khi nghe tiếng ba nói chuyện qua điện thoại và thở dài: “Thôi em ạ. Có lẽ mình nên dừng lại. Em cũng biết anh thương con gái mình biết chừng nào. Nó mất mẹ từ nhỏ nên anh phải bù đắp. Từ trước tới nay, có vài người muốn đến với anh nhưng anh phải nhường bước cho con học hành, có cuộc sống gia đình ổn định. Đành vậy, một lần nữa anh vì con…”.
Chị Hường khóc và biết chắc lần này mình “nhường bước” cho ba.