Con bỏ nhau, bố mẹ yêu nhau
Một bữa, chị sui từ Cần Thơ xuất hiện tại nhà anh sui ở Sài Gòn. Anh sui vừa mở cửa, chị sui đã hỏi hớt hải: "Tụi nó sao rồi anh. Thấy con bé Thảo gọi điện bảo bọn con chuẩn bị bỏ nhau, tôi lo quá, phải xuống đây coi sao". Anh sui mời chị sui vào, lắc đầu: "Ừ chị thử coi sao, tôi nói không ăn thua". Rồi anh sui ngó lên nhà trên, gọi lớn: "Thảo xuống đi, má con tới thăm".
Thảo - cô vợ trẻ đang đòi bỏ chồng - chạy ào xuống, thấy mẹ thì tủi thân mếu máo: "Má đến làm chi, đằng nào tụi con cũng chia tay rồi, đơn con viết ảnh ký rồi. Mai đưa đơn, con đút phong bì để họ xử cho nhanh". Chị sui vừa hỏi thằng Nguyên đâu anh sui, thì cô con gái đã cướp lời luôn: "Đi nhậu rồi má. Ngày đi nhậu, tối đi nhậu, đêm đi bar". Rồi cô quày quả bỏ lên phòng, bảo: "Ba má ngồi nói chuyện đi, con lên nhà ngủ cho quên sầu".
Thế là anh sui ngồi kể cho chị sui tình hình của hai đứa con mà ông biết được với tư cách quan sát viên. Nói tóm lại, Thảo và Nguyên tính đều trẻ con mà cái tôi thì to bằng trời. Chồng thì ham nhậu, ham chơi, vợ thì hay chửi mắng chồng. Chồng bảo vợ gì mà đanh đá như bà chằn, đỏng đảnh như công chúa. Vợ nói anh thử ở địa vị tôi xem có bà chằn không....
Tóm lại cũng chẳng có gì to tát nhưng chẳng ai chịu ai, cãi nhau 5 ngày một trận lớn, 3 ngày một trận nhỏ. Gần đây, chồng tuyên bố: "Cưới cô là sai lầm của đời tôi, là điều ngu xuẩn lớn nhất của tôi". Vợ bảo: "Anh ngu mà làm tôi khổ lây. Kiếp trước chắc tôi ăn ở thất đức nên trời mới phạt kiếp này lấy anh". Rồi hai vợ chồng đồng lòng làm đơn ly dị.
Anh sui bảo: "Khổ quá chị ơi, tôi cũng cố gắng khuyên can, bảo ban chúng nó, lúc nghe hai đứa hét ầm lên là ly dị, tôi vừa mắng vừa xin. Chị biết thằng Nguyên nói gì không? Nó bảo ba cũng ly dị, con theo gene ba. Con Thảo nghe xong gật gật, bảo phải đó ba, ba sống một mình còn sướng hơn tụi con".
Anh sui với chị sui nhận định với nhau, hai đứa nhỏ tính trẻ con nên mới nông nổi vậy, nhất định người lớn tụi mình phải ngăn cản chuyện dại dột đó. Chị sui quyết định ở đây một thời gian để hòa giải đôi trẻ.
Nhưng hóa ra chuyện hòa giải không dễ chút nào. Bà mẹ nói chuyện với con gái chán chê rồi. Thảo nghe, rồi ngáp, rồi bảo những điều má nói đúng hết, con hiểu hết, nhưng không làm gì được nữa má ơi, giờ nhìn mặt ảnh là con ghét không chịu nổi.
Bà muốn nói chuyện với thằng rể, nhưng có khi mấy ngày chẳng thấy mặt "nó", nếu có gặp thì cũng lúc đêm khuya, mặt mày rầu rĩ, say lử cò bợ, chỉ chào má một câu rồi lao vào toilet nôn ộc ộc. Sáng ra, bà ngồi chực từ sớm để đón đường thằng rể, nhưng "nó" cũng chỉ lắc đầu quầy quậy: "Hết thuốc chữa rồi má ơi, tụi con vớ nhầm phải nhau", rồi "nó" viện cớ vội đi làm, chạy biến. Trao đổi riêng với thằng rể đã khó, nói gì đến chuyện kêu cả vợ chồng nó lại một chỗ mà hòa giải, đả thông.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Rốt cục, người mà mà bà mẹ gặp mặt và nói chuyện nhiều nhất lại là sui gia. Ban ngày con cái đi làm cả, họ ngồi bàn mưu tính kế với nhau, thường là những mưu kể không thực hiện được. Tối, họ chờ con nhưng kẻ không về, kẻ trốn trong phòng riêng, rốt cục chỉ có hai thân già ngồi thủ thỉ giết thì giờ.
Thế rồi gần hai tháng sau, vợ chồng Thảo - Nguyên dắt nhau ra tòa ly dị. Những tưởng anh sui chị sui từ giờ người dưng nước lã, chả liên quan gì với nhau nữa, nhưng hóa ra họ đã là một cặp tự bao giờ. Hai đứa con nhảy dựng lên, hết la mắng đến van nài bố mẹ hãy nghĩ đến thể diện của con cái mà ngừng cái chuyện ngang trái ấy lại, nhưng chẳng ăn thua. Về sự cứng đầu cứng cổ thì cặp bố mẹ chẳng kém gì cặp con cái, con cái quyết bỏ nhau bao nhiêu thì bố mẹ quyết đến với nhau bấy nhiêu.
Giờ thì thỉnh thoảng, Thảo và Nguyên lại gọi điện cho nhau, quát nhau rằng sao anh/cô không khuyên nhủ ba/má anh/cô đi...
Ông bà "cảm" nhau nhờ chăm trẻ
Khi vợ chồng Oanh - Minh sinh con đầu lòng, cả nhà cuống cà kê. Đứa trẻ sinh non, vừa nhẹ cân vừa yếu, trong khi bố mẹ nó thì quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Cả Oanh và Minh đều mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học đã phải làm đám cưới "theo lệnh bác sĩ". Thuê osin thì không yên tâm, bởi việc chăm một đứa trẻ sinh non cần sự sát sao của người thân, nhưng bà nội thì đã mất, ông nội lóng ngóng, chưa phải làm những việc kiểu như thế bao giờ. Cực chẳng đã, họ phải nhờ bà ngoại đến giúp một tay.
Thương con xót cháu, bà ngoại vốn đang bận bịu với cửa hàng bánh kẹo khá đông khách ở tỉnh lẻ đã phải tạm giao cho con dâu cả trông nom để lên thành phố chăm cháu ngoại. Từ lúc có bà, cả nhà mới được thở phào nhẹ nhõm, không còn cảnh đứa trẻ khóc ngằn ngặt trong khi 3 người lớn trố mắt ra, rồi quát nhau loạn xạ mà không biết phải làm gì.
Mấy tháng bà ở đây, em bé lớn phổng lên trông thấy, bắt kịp đà phát triển của những đứa trẻ đủ ngày đủ tháng. Tưởng như thế là bà ngoại có thể về, nhưng lại gặp phải chuyện: mẹ nó phải đi làm trở lại. Thời buổi xin việc khó khăn, nghỉ thêm là bị sa thải ngay, trong khi em bé chưa thể đi nhà trẻ. Thế là bà ngoại đành nhận lời ở lại thêm ít lâu trong khi các con tìm được phương án giải quyết.
Trước có mẹ em bé ở nhà, khi bà làm việc nhà thì có mẹ bế bé, khi bà dỗ bé ngủ, tắm rửa, vệ sinh cho bé thì việc khác mẹ lo. Đến khi mẹ bé đi làm rồi, một mình bà ngoại vừa trông cháu vừa lo nội trợ không nổi, nên ông nội phải giúp một tay. Hóa ra sự hợp đồng tác chiến giữa hai ông bà thông gia lại rất ăn ý và vui vẻ. Họ lại còn hợp chuyện, nên ngày càng thân thiết.
Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu ngờ ngợ hai vị phụ huynh "có vấn đề" khi một lần đi làm về chứng kiến cảnh họ cùng nhau tắm cho em bé. Người chuẩn bị nước, người bế bé ra, tháo bỏ quần áo. Rồi họ kẻ đỡ bé, người lau rửa, miệng vừa nựng nịu, dỗ dành bé vừa trao cho nhau ánh mắt, nụ cười tươi rói. Nhìn cảnh ấy, "khán giả" có cảm tưởng như họ là cặp vợ chồng đang tắm cho đứa con chung, chứ không phải ông bà thông gia đang tắm cho cháu nữa.
Từ hôm ấy, vợ chồng Oanh - Minh bắt đầu để ý bố mẹ và rồi khẳng định một sự thật: chắc chắn hai người có tình ý với nhau. Cũng chẳng có gì lạ cái sự lửa gần rơm, khi ông nội tuy đã ngoài 60 nhưng vẫn đẹp trai, phong độ, còn bà ngoại thì mới 45 tuổi, gương mặt tươi tắn, ánh mắt vẫn sắc như dao cau, thân thể gọn gàng, lại thiếu thốn tình cảm kể từ khi ly dị cách đây mấy năm. Chuyện tình mới mẻ này khiến Oanh và Minh lo sốt vó.
Vốn cho rằng, con chăm cha không bằng bà chăm ông, Minh và Oanh lâu nay vẫn nghĩ, giá bố/mẹ mình tìm được một người làm bạn lúc tuổi già thì tốt quá, họ đỡ phải lo nghĩ. Nhưng họ không ngờ đối tượng mà các cụ tìm lại tréo ngoe thế này. Dù là tình già thì cũng phải đàng hoàng, yêu thương nhau thì phải công khai chính thức chứ không thể thậm thụt bồ bịch được. Nhưng hai người là thông gia thì công bố làm sao? Thiên hạ họ cười cho thối mũi.
Mà giả dụ họ lấy nhau thì bà ngoại biến thành bà nội, ông nội cũng là ông ngoại, mẹ đẻ thành ra mẹ kế, còn bố đẻ kiêm luôn chức danh bố dượng, con dâu thành ra con gái vợ, con rể bỗng hóa con riêng của chồng... thật là lộn tùng phèo hết cả. Riêng chuyện này cũng đủ làm đầu đề cho các chuyện tiếu lâm của hàng xóm rồi.
Vậy nên dù nể nang, hai vợ chồng vẫn phải ra mặt phản đối. Khác với trường hợp bố mẹ của Thảo - Nguyên trên kia, hai ông bà tuy rất buồn nhưng vẫn phải nghe lời con. Ông nội bảo bà ngoại: "Mình mà lấy nhau thì pháp luật không cấm. Nếu mình sống ở bên tây, con cái thậm chí còn sung sướng chúc mừng nữa. Nhưng mình lại ở Việt Nam...". Bà ngoại nói: "Vâng".
Rồi khi em bé được 7 tháng tuổi, bố mẹ bé tìm được chỗ gửi, bà ngoại trở lại quê nhà. Bà cũng như ông, chẳng ngại dư luận đàm tiếu, nhưng ở đây người phải chịu đựng đàm tiếu không chỉ có họ mà còn các con. Họ xếp tình yêu và hạnh phúc muộn mằn của mình sau hạnh phúc của con cái trong bảng ưu tiên, như họ vẫn luôn hy sinh cho con suốt cuộc đời mình.