"Đừng ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng"
Lê Thảo, 35 tuổi, được tất cả chị em bạn nể phục vì dám bỏ chồng, dám một mình vào lập nghiệp ở nơi đất khách quê người mà vẫn lo cho con cuộc sống tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hồi Thảo bỏ chồng, bạn bè nhiều người bảo chị "điên" quá, liều quá, phụ nữ ai đời nói bỏ là bỏ luôn thế, dẫu sao có người đàn ông bên cạnh vẫn hơn. Bây giờ, thấy cuộc sống của Thảo tốt hơn rất nhiều so với hồi chưa ly dị, những phụ nữ quen biết coi chị là hình mẫu của người phụ nữ hiện đại, người đem lại cảm hứng cho họ. Nhiều phụ nữ đang chán ngán với cuộc hôn nhân của họ nhìn gương Thảo để tính chuyện ly hôn.
Thỉnh thoảng, một người em, hay người bạn, gọi điện hoặc chat với Thảo, tâm sự rằng họ muốn bỏ chồng và muốn Thảo chia sẻ chút kinh nghiệm, tiếp thêm động lực để họ "dám quyết". Nhưng chị toàn phải dập bớt sự "hăng máu" của họ.
"Tôi bảo họ rằng đừng bắt chước tôi. Tôi là tôi và họ là họ, không phải mọi phụ nữ đều sống tốt hơn sau khi ôm con ra khỏi nhà chồng", Lê Thảo cho biết. "Mặc dù ly hôn và vào Nam lập nghiệp là quyết định sáng suốt của tôi, nhưng cũng chính tôi đã thấm thía một bà mẹ đơn thân phải trải qua những gì, tất cả thực sự không dễ dàng".
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Mới đây, một cô em thân thiết cũng gọi điện cho Thảo, bảo đang muốn "nối gót" chị ly hôn và xin lời khuyên. Thảo hỏi: "Thế em có muốn nuôi con không?". "Tất nhiên chứ chị, con em phải ở với em, chắc chắn anh ta cũng đồng ý thôi". "Thu nhập của em bây giờ mấy triệu một tháng?". "Dạ bốn triệu, tuy ít nhưng còn tiền đóng góp nuôi con của anh ta nữa..."
"Em đừng tính phần đóng góp đó như một khoản chắc chắn, vì rất rất nhiều đàn ông quên phắt chuyện đưa tiền cho vợ cũ nuôi con. Nếu anh ta quên thì em vẫn phải đủ sức nuôi con một mình. Em có được chia tài sản gì không?", Thảo hỏi.
"Em không quan tâm đến tiền chị ạ, cái em cần là tình cảm. Giờ không sống được với nhau nữa, anh ta đã chẳng coi em ra gì thì em cũng cóc cần tiền của anh ta. Em sẵn sàng ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ cần con thôi, như chị ngày xưa..."
Lúc ấy, Thảo phải lập tức cắt lời cô em để nói rõ ngay rằng, chị không hề ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Đành rằng Thảo không được chia chút tài sản nào nhưng chị lại có thu nhập rất khá từ công việc, và một khoản tiết kiệm nhỏ. Kể cả chuyện vào Sài Gòn, chị cũng đã tìm hiểu kỹ và biết rằng với năng lực của mình, chị vào đó sẽ có đất dụng võ. Nghĩa là chị được an toàn về mặt tài chính, chứ không phải cứ đâm bổ ra đi mà không cần biết phía trước có gì.
"Đừng ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng", đó là điều mà Lê Thảo khuyên cô bạn trẻ. "Chị nói vậy không phải là xúi em phải đòi chia tài sản hay tìm cách moi tiền chồng, mà là em phải suy nghĩ nghiêm túc về đồng tiền nếu muốn nuôi con sau khi ly dị. Đừng nghĩ ly hôn là để chứng tỏ lòng kiêu hãnh, không có anh tôi không chết, mà ly hôn là để có cuộc sống tốt hơn".
Cuối cùng, cô em cũng nghe ra, tạm gác kế hoạch ly hôn cho đến lúc có đủ khả năng tài chính để nuôi con. Nghĩa là cô sẽ tự nâng cao năng lực làm việc để tăng thêm thu nhập, để khi trở thành bà mẹ đơn thân, cô vẫn tự lo được cho bản thân và con mình.
Ly hôn nghĩa là sẵn sàng đương đầu với khó khăn
Người phụ nữ một khi nghĩ đến ly hôn tức là cuộc sống của họ với chồng đã đến mức không thể tệ hơn được nữa. Chính vì thế, nhiều người chỉ muốn ly hôn ngay lập tức, bởi với họ bất kể ngày mai có ra sao thì cũng không khổ bằng tiếp tục sống với người ấy. Thế nhưng, theo chia sẻ của những phụ nữ từng trải qua chuyện tan vỡ hôn nhân, nếu có chuẩn bị trước, cuộc sống sau đó sẽ bớt gian nan hơn rất nhiều.
"Chuẩn bị ở đây là cả về tinh thần lẫn vật chất", chị Nga, 31 tuổi, ly hôn cách đây 5 năm, nói. "Cả hai cái đó tôi đều không hề chuẩn bị khi ra đi, mà chỉ muốn không phải ở cùng nhà với anh ta thêm một ngày nào nữa. Đến lúc một mình nuôi con, tôi đã khóc thường xuyên, nhiều lúc thấy ân hận vì thói anh hùng rơm của mình. Tôi thấy mình chưa hề sẵn sàng cho cuộc sống đó, tôi không thể ngờ là nó cực thân, cực lòng đến vậy".
Cuối cùng, những khó khăn cũng lùi dần vì Nga chẳng có cách nào khác là thích nghi và vươn lên. Nhưng chị nghĩ rằng nếu hình dung trước cuộc sống sau ly hôn là thế nào, chị sẽ không mất nhiều thời gian mất phương hướng, không biết ngày mai sẽ làm gì... như vậy.
Còn Thùy Anh, 29 tuổi, đang một mình nuôi đứa con 3 tuổi, nói: "Em thấy ân hận vì mình quyết định vội vàng. Không phải em tiếc cuộc sống khá giả của nhà đó đâu, mà vì em thấy con vì mình mà khổ lây".
Tuy có việc làm ổn định nhưng thu nhập của Thùy Anh kém hơn hồi chưa ly dị rất nhiều, vì cô không thể dành nhiều thời gian và tâm trí cho công việc như trước khi không ai giúp đỡ đưa đón, chăm sóc con cái, mà đứa trẻ thì ốm đau luôn. Bố nó chu cấp nuôi con theo thỏa thuận, không đưa thêm dù tiền thuốc thang, bác sĩ ngốn một khoản rất lớn.
"Anh ta bảo nó ốm là tại em không biết chăm, con ở với em nên mới ốm như vậy, nên em phải tự chi cái khoản phụ trội đó", Thùy Anh nói. "Cũng đúng thật, hồi trước nó đâu có ốm đau luôn như thế. Nhưng em đâu phải ba đầu sáu tay, em không thể chăm sóc nó tốt hơn được nữa".
Cũng là một người trong cuộc, chị Thùy Dương, 37 tuổi, nói thẳng: "Muốn ly hôn, phải hình dung trước mình sẽ phải đối mặt với cái gì, có như vậy mới chuẩn bị tinh thần để chống đỡ được. Và ngoài ra, phải nghĩ đến tiền nữa. Nghe thì có vẻ thực dụng quá, nhưng cuộc sống của một bà mẹ đơn thân là chủ nghĩa hiện thực chứ không phải chủ nghĩa lãng mạn".
Thùy Dương có mấy người bạn ly hôn trước chị, nên chị đã biết rõ chị sẽ phải trải qua những gì để đổi lấy tự do. Biết khổ không phải để rụt lại mà là để tăng thêm quyết tâm, và chuẩn bị tốt.
Chị đã âm thầm tiết kiệm những chi tiêu cá nhân để dành ra một khoản tiền. Chị tích cực hơn trong công việc và bắt đầu đặt mục tiêu thăng tiến thay vì an phận thủ thường như trước. Chị lọ mọ tìm hiểu và bắt đầu tập tành kinh doanh trên mạng. Chị nghiên cứu về luật để biết mình sẽ được chia phần tài sản nào khi chia tay chồng...
Khi công việc kinh doanh riêng đã đi vào nề nếp, và ở công ty, sếp cũng giao cho chị một vị trí mới với mức lương cao hơn, Thùy Dương mới đặt vấn đề ly hôn với người chồng từ lâu đã coi vợ chỉ là osin trong nhà, không bằng cái móng tay những cô bồ của anh ta. Dương cho biết, dù thời gian đầu sau ly hôn, nhiều khi chị cũng thấy yếu đuối, mệt mỏi, nhưng chị không bị mất phương hướng vì đã biết con đường đi của mình.
Hãy thực tế, đó là những gì mà những phụ nữ từng trải qua cảnh tan vỡ gia đình muốn nhắn nhủ với những chị em đang có ý định rời bỏ một gia đình không còn hạnh phúc. Chỉ có như vậy, bạn mới không ngã lòng mà mạnh mẽ đứng lên khỏi đống hoang tàn, tìm hạnh phúc mới.