Chiều nay, Quyên kiểm tra lại tiền chi tiêu trong tháng, thấy thu chỉ bằng 2/3 chi, liền gọi điện cho chồng than thở: “Anh ơi, có lẽ hết tháng này em đi xin việc làm, ở nhà mãi chán lắm”.
Chồng Quyên ậm ừ: “Chán gì mà chán, kiếm gì thêm trên mạng chơi cho đỡ chán đi”. Quyên vẫn tiếp tục: “Nhưng mình anh đi làm, lo kinh tế không đủ”. Chồng Quyên dịu giọng: “Có gì mà không đủ, em cứ yên tâm, anh lo được. Mình xài tiết kiệm chút là xong”.
Quyên năn nỉ: “Nhưng em muốn đi làm”. Đầu dây bên kia, chồng Quyên quát: “Đã bảo là ở nhà, cứ ra nắng là đau ốm, lương không đủ mua thuốc. Làm gì mà làm”. Chồng cúp máy, Quyên ngồi thẫn thờ. Đây không phải lần đầu chồng cô tỏ thái độ như vậy khi cô xin đi làm…
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Trước đây, Quyên học văn thư lưu trữ, thỉnh thoảng nhận làm sổ sách, cũng kiếm được chút ít. Từ khi lấy chồng, Quyên chỉ ở nhà chăm con vì chồng cưng Quyên như trứng mỏng, sợ cô vất vả, ốm đau. Quyên bị dị ứng, cứ ra nắng hay tiếp xúc với bụi bặm là ngứa ngáy khắp người. Chồng Quyên làm lái xe phục vụ tiệc cho một nhà hàng ăn uống, lương tháng chỉ khoảng hơn 4 triệu. Chừng ấy tiền mà bao nhiêu khoản phải chi, nào tiền trọ, tiền ăn, tiền học cho con… tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
Nếu Quyên đi làm sẽ phụ thêm phần nào nhưng chồng Quyên nhất quyết không chịu. Con đến tuổi đi học, ở nhà một mình mãi cũng chán lại không có tiền, Quyên tính đi làm nhưng cô định làm chỗ nào chồng cũng phản đối. Đi làm sổ sách thì chồng bảo bụi bặm, đi tiếp thị sản phẩm thì chồng bảo nắng mưa, xin đi phục vụ tiệc thì chồng sợ người ta săm soi vợ mình… Lần nào, Quyên nhắc đến chuyện đi làm là y như rằng vợ chồng cãi nhau.
Thà là chồng Quyên có thu nhập cao, đủ lo cho vợ con thì cũng đáng. Đằng này, anh làm ra không đủ tiêu, cứ thế chắc vợ chồng sẽ ở trọ suốt đời. Quyên cũng không dám sinh thêm con dù bé lớn sắp vào lớp một vì sợ không đủ sức nuôi. Bao nhiêu chuyện gò ép, Quyên sinh ra chán nản. Bạn bè bảo cô sướng mà không biết hưởng, được chồng cưng thế còn gì. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, tháng nào Quyên cũng đau đầu vì tính toán chi tiêu.
Cứ vài tháng, gia đình Quyên lại gói ghém đồ đạc để chuyển chỗ trọ vì ít nơi nào ở được lâu. Thỉnh thoảng, Quyên lại phải về nhà ngoại xin “viện trợ” để bù vào những thâm hụt. Chồng Quyên thì luôn lạc quan, cô kêu hết tiền ăn anh vẫn ung dung: “Để đó anh lo”. Sau đó, mỗi tối đi làm về, anh xách thêm mấy bịch thức ăn mà Quyên biết rõ, đó là thức ăn thừa của bữa tiệc anh vừa phục vụ. Cô vừa thương vừa buồn, anh cũng đang cố lo cho vợ con nhưng khả năng chỉ có vậy. Hạnh phúc của anh là mỗi khi về nhà đều có mặt vợ, đảm bảo vợ không đi ra ngoài…
Quyên không biết vài năm nữa, con gái lớn lên thì chuyện học hành phải thế nào khi chỗ ở không ổn định, kinh tế thiếu trước hụt sau mà cô vẫn phải ở nhà vì chồng cưng…