Hòa - cô bạn dạy cùng trường với tôi luôn hãnh diện về cách giữ chồng của mình, hễ mỗi lần chồng đi công tác ở đâu, Hòa đều tra hỏi kỹ càng: “Anh đi tỉnh nào? Đi với ai? Đi bao nhiêu ngày?... Anh chồng vừa mới bước chân đến nơi công tác thì lập tức điện thoại reo lên, đầu dây bên kia không ai khác chính là Hòa. Anh chồng cảm thấy ngột ngạt, bực bội bởi sự quản lý của vợ. Anh biết Hòa không tin anh và dùng biện pháp này để “dằn mặt”: “Anh nhớ đừng làm điều gì khuất tất, không qua khỏi con này đâu”. Nhưng Hòa đâu có biết rằng: chồng của Hòa cảm thấy luôn có một áp lực đè nặng lên cuộc sống hàng ngày kể cả tình cảm vợ chồng. Điều đáng nói là Hòa lo lắng thái quá về môi trường công tác của chồng, sợ anh không kìm mình được trước những cô nhân viên đẹp, tuổi đời còn trẻ, lo bạn bè rủ rê “hoa lá cành” không cưỡng lại được...
|
Ảnh minh họa.
|
Chính vì vậy mà Hòa đã lấy hết tiền lương, tiền thưởng của chồng chỉ để lại một khoản tiêu vặt rất nhỏ. Theo Hòa nghĩ: “Chỉ có cách triệt đường kinh tế thì chồng sẽ chẳng thể “cơm cháo” gì được”. Hôm nào chồng phải trực đêm thì Hòa đến tận nơi xem có phải là trực không, hay đang hú hí với em nào? Những hành động của Hòa khiến anh chồng dở khóc dở cười, chồng van xin Hòa hãy có niềm tin vào anh nhưng Hòa đều bỏ ngoài tai. Giận vợ, anh tham gia tiệc tùng, thường xuyên đi sàn nhảy, không quan tâm đến vợ con khiến mối quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng và có nguy cơ tan vỡ. Hòa đâu có hiểu được rằng, hầu hết sự rạn nứt và đổ vỡ của nhiều gia đình ngoài những nguyên nhân khác như bạo lực, tài chính, ngoại tình... thì phần lớn vẫn là do vợ chồng không có lòng tin lẫn nhau. Khi người chồng hoặc vợ vì quá yêu mà thiếu lòng tin thì hôn nhân của họ sẽ sa lầy không thể nào cứu vãn được.
Hòa đã ôm con về gia đình mẹ đẻ và kể lại hết mọi sự tình cho mẹ nghe. Mẹ Hòa đã không đồng tình với cách giữ chồng của con mà còn phê phán con gái mình là học nhiều, biết nhiều mà không hiểu. Bà nói: “Thời nay các con được ăn học lên đến đại học được tiếp xúc và làm chủ với rất nhiều với các phương tiến khoa học tiên tiến nhưng các con lại không hiểu chút gì về cuộc sống vợ chồng. Con đã nghe nói “lạt mềm buộc chặt” chưa? Tại sao con lại thiếu lòng tin đối với chồng con như vậy? Chồng con ở ngoài xã hội nó là một giám đốc nó cần được tôn trọng có như vậy thì mới “tề gia trị quốc” được chứ. Đằng này con coi nó như đứa trẻ. Đi hỏi về chào, con tưởng khống chế tiền lương của nó là nó chịu bó tay hay sao? Tình cảm vợ chồng cũng giống như nắm cát cầm trong tay. Nếu con sợ nó bay mà nắm chặt lại thì con chẳng còn lại bao nhiêu. Nhưng nếu con không sợ cứ thả lỏng bàn tay thì nắm cát trong tay con vẫn nguyên vẹn. Thôi con nên về nhà xin lỗi nó đi và hãy bỏ lối sống ích kỷ hẹp hòi. Làm vợ thì hãy nên có tấm lòng độ lượng khoan dung với chồng, mẹ chắc chắn các con sẽ sống với nhau hạnh phúc”.
Hòa đã biết mình sai và quyết tâm lấy lại lòng tin đối với chồng, không tra hỏi, không can thiệp vào các công việc của anh, biết quan tâm nhiều đến đời sống tình cảm vợ chồng. Sự thay đổi của Hòa khiến chồng ngỡ ngàng và khi hiểu thiện chí của Hòa thì anh cũng thay đổi theo. Hết giờ làm việc anh muốn về nhà sớm với vợ con, nếu có tiệc tùng không thể từ chối được thì anh gọi điện báo trước cho Hòa. Những hôm ở nhà, anh chủ động giúp vợ việc bếp núc, chăm sóc con cái. Không khí hòa thuận ấm áp đã trở về với mái ấm của vợ chồng. Đó chính là sức mạnh của lòng tin.
Lòng tin như một sợi dây vô hình và những cặp vợ chồng thông minh luôn biết phải sử dụng như thế nào để giữ người bạn đời và giữ gìn hạnh phúc cho cuộc sống gia đình mình.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: