Vàng đeo cổ cô dâu và “vấn đề danh dự”
Nữ trang, đó là “phạm trù thẩm mỹ”, nhưng vàng đeo trên người cô dâu trong ngày cưới lại thuộc về “phạm trù danh dự”. Cô dâu dù không thích vẫn phải đeo vì danh dự của phụ huynh; bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng cô dù nghèo hay ghét con dâu thì vẫn phải đeo cho cô càng nhiều vàng càng tốt, vì danh dự gia đình.
Có những cậu ấm, cô chiêu ngày thường khiến phụ huynh muối mặt nhưng đến gần ngày cưới cũng chẳng quên cái danh dự liên quan đến vàng hồi môn ấy, như cậu cả nhà ông Hoành ở Thanh Hóa, kẻ bao phen làm bố mẹ khổ sở vì cái thói mê cá độ. Ông bà Hoành không chỉ phải phải bán đất trả nợ cho con mà còn nhục nhã với hàng xóm vì những lần đầu gấu đến nhà đập phá đòi tiền.
Gần ngày cưới, cậu cả hỏi: “Hôm cưới, mẹ định cho vợ con bao nhiêu vàng?”. Bà Hoành bảo khó khăn quá, lại phải chuẩn bị gấp nên bà chỉ có cái nhẫn 2 chỉ gọi là làm kỷ niệm thôi. Hai chỉ, mẹ không sợ người ta cười thối mũi ra à? Cô bác, anh chị cho chừng đó còn được, bố mẹ thì phải đeo cho con dâu cả cái kiềng, hay chí ít là cái lắc cho nó nổi, chứ cái nhẫn bé tẹo thì ai thấy?”.
Cậu ấm nhắc đến thể diện của cậu, của gia đình, rồi vật mình ăn vạ, bảo nếu mẹ không lo được ít nhất 5 chỉ thì không cưới xin gì hết, mà không cưới thì cậu tự tử, vì làm con người ta chửa rồi mặc kệ thì không đáng mặt đàn ông. Cực chẳng đã, bà đành phải cố.
Cũng vì sợ mất mặt mà trước ngày rước dâu, bà Oanh (thành phố Hải Dương) yêu cầu con trai phải dò la xem bố mẹ vợ sẽ cho con gái bao nhiêu để bà còn chuẩn bị cho tương xứng. “Mẹ đang túng, định mua cho nó cái dây chuyền 3 chỉ. Nhưng nhỡ đâu bên thông gia đeo cho con gái cả cây vàng thì nhà mình lép vế quá”, bà giải thích.
Anh con trai vặt đầu vặt cổ nghĩ cách “moi tin”, mỗi lần ngồi với vị hôn thế cứ dẫn dắt xa xôi, làm như tình cờ đá sang chuyện vàng hồi môn, cốt để cô dâu vui miệng mà khoe rằng bố mẹ định cho chừng đó chừng đó, nhưng không thành. Cuối cùng, anh chàng đành hỏi thẳng vợ chưa cưới, biết được nhạc gia sẽ cho 5 chỉ.
Bà Oanh thở phào: “Cũng không chênh lắm”, và yên tâm giữ nguyên mức cũ. Nhưng con trai bà thì mắc oan, bởi hôm đó mẹ vợ tình cờ nghe được, nghĩ chàng rể là đồ hám của, có chút vàng kỷ niệm mẹ tặng con gái đi lấy chồng cũng coi là to, mà cuống lên hỏi trước. Nghĩ con gái chọn nhầm chồng, hai ông bà hễ thấy con rể là mặt nặng như cái bị.
Đừng tưởng chỉ cặp uyên ương và bố mẹ mới quan trọng cái chuyện vàng cưới và thể diện. Quan viên hai họ nhiều khi cũng “xoắn” không kém. Không ít đám cưới nhà giàu, màn tặng vàng kéo dài mấy chục phút chưa xong bởi nhiều người lên tặng quá, ai lên cũng phải có giới thiệu, rồi trao, rồi đeo cho cô dâu, rồi cùng cười tươi chụp ảnh. Lắm khi họ hàng nhà trai với họ hàng nhà gái hậm hực, cay cú với nhau về chuyện ai được lên trước, ai được giới thiệu long trọng hơn, chụp ảnh nhiều hơn..
Nhiều lúc cả cô dâu cũng bị vạ lây. Thủy Tiên, 26 tuổi, kể về đám cưới của mình một năm trước: “Em bị mấy bà chị chồng ghét chỉ vì cái màn đeo vàng ấy. Họ bảo em khinh người, trọng của, coi bên ngoại hơn bên nội”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nguyên do: mấy bà chị chồng “cảm thấy” Thủy Tiên cười tươi hơn, chụp ảnh lâu hơn với họ hàng của cô trong màn tặng vàng. “Các chị chồng bảo, vì các chị tặng ít vàng hơn nên em không nhiệt tình. Lúc đó em bụng dạ đâu mà để ý, so bì ai cho bao nhiêu. Có lẽ với cô bác nhà mình, em quen thân hơn nên cười tươi tắn tự nhiên hơn thôi”.
“May mà em còn chịu khó đeo bằng hết. Bạn em mấy đứa sợ xấu và lố nên chỉ đeo mấy thứ của hai bà mẹ, thế là bị các cô dì chú bác anh chị giận mãi vì không đeo đồ họ tặng đấy”, Thủy Tiên nói.
Vàng cưới và những màn kịch gây sóng gió
Thời bây giờ, chả ai đeo vàng ta như một thứ trang sức, nếu không muốn bị cười là “nhà quê”. Thế nhưng trong đám cưới thì ở cả nông thôn lẫn thành phố, cô dâu đeo càng nhiều thì mức độ sang trọng, chịu chơi của gia đình càng được thừa nhận, không có thì mới “quê mặt”.
Nhiều cô dâu ngày thường rất có gu thẩm mỹ về trang sức, nhưng đến ngày vu quy vẫn “gãy cổ, gù lưng” với cả cân vàng lủng liểng chói lọi trên người. Hình ảnh ấy càng khiến cho những nhà khác cũng phải cố cho bằng người, và khi kinh tế không cho phép họ nghĩ ra cách “phù phép”.
Cô dâu Thanh Hoa, 27 tuổi, sống ở Hải Phòng, trước cưới rất được lòng nhà chồng, nhưng sau hôn lễ bị khinh như mẻ chỉ vì chuyện vàng. Chẳng là trong đám cưới, nhà trai rất hài lòng khi thấy mẹ cô dâu đeo cho con gái một bộ nữ trang lộng lẫy bao gồm cả dây chuyền, nhẫn và vòng tay. Tối đó, khi kiểm lại đồ mừng tặng, chú rể không thấy chỗ vàng của mẹ vợ đâu, liền nghi vợ cất làm của riêng.
Anh bực bội tra hỏi, Thanh Hoa ấp úng mãi, sau thấy chồng giận dữ quá bèn nói thật là bố mẹ cô thuê của hiệu vàng quen, chứ làm gì có tiền sắm. Đám xong, Hoa đã gửi cô em họ phù dâu mang về cho mẹ trả rồi. Thế là cả chồng lẫn bố mẹ chồng đều gọi bố mẹ Hoa là đồ lừa đảo. “Các người làm cho gia đình tôi mang tiếng là ăn được cả đống vàng đấy, đúng là có tiếng mà không có miếng”, mẹ chồng đay nghiến.
Nhưng dễ mang tiếng lừa đảo nhất vẫn là nhà chồng. Cũng bởi sức ép phải có ít nhất dăm ba chỉ treo lên người con dâu trong lễ cưới mà nhiều bà mẹ nghèo lực bất tòng tâm đành phải “diễn trò”.
Trên các diễn đàn phụ nữ, rất nhiều cô dâu kể lể rằng họ thất vọng, tủi hổ về nhà chồng, họ ghê tởm, khinh ghét mẹ chồng tham lam, gian dối, trước mặt hai họ thì vênh váo đeo cho con dâu mấy món nữ trang to đùng ngã ngửa, nhưng đến đêm tân hôn lại lột sạch, chả còn thứ gì. Thực ra trong không ít trường hợp, bà mẹ chồng có nỗi khổ riêng mà nàng dâu không biết được.
Bà Tú Anh, 59 tuổi, sống ở Ninh Bình, cho biết, vì muốn đám cưới con trai được trọn vẹn nên bà đã phải đi vay nóng lãi cao để mua vàng đeo cho con dâu. Cưới được hơn một tháng, chủ nợ đòi rát mà chưa xoay ra được khoản nào, cực chẳng đã bà phải bảo các con đưa lại chỗ vàng ấy cho bà bán đi trả nợ. “Tôi biết con dâu oán tôi lắm, nhưng chả còn cách nào”, bà nói.
Cũng phải làm cái việc bất nhẫn là “lột” mớ vàng vừa trao tặng con dâu trước quan viên hai họ trong đám cưới, bà Lâm, 63 tuổi, sống ở Thanh Trì, Hà Nội, kể: “Nhà tôi có 3 đứa con trai sàn sàn tuổi nhau, có người yêu và đòi cưới gần như một lúc, vợ chồng tôi phải ‘quy hoạch’ để 3 đứa cưới lần lượt trong 3 năm liên tiếp. Đủ tiền làm 3 đám cưới đã khó rồi, nói chi đến tặng nữ trang”.
Bà Lâm có 5 chỉ vàng, gồm 2 chỉ của mẹ bà cho ngày xưa, và 3 chỉ tự dành dụm được. Bà đem đi đánh thành một dây chuyền và một lắc tay. Đám cưới con cả, bà đem ra đeo cho nàng dâu, rồi sau đó thu lại. Hai đám cưới sau cũng y như thế.
“Với hai dâu lớn, tôi giải thích là phải lấy lại để còn dùng cho đám cưới các em. Với dâu út, tôi nói nếu cho con thì hai chị sẽ tị. Tôi bảo với cả 3 con dâu là mẹ nghèo, các con phải thông cảm; để cho công bằng, mẹ sẽ cố gắng mua thêm một chỉ nữa, đem tất cả đánh thành 3 cái nhẫn, cho mỗi đứa một cái”, bà kể.
May mà cả 3 nàng dâu đều không oán thán gì, vì hiểu rằng tuy không có vàng nhưng ít ra họ cũng được đẹp mặt trong hôn lễ. Đó như một sự đồng tình, đồng lõa, khi mà trong xã hội, cái chuyện phải đeo vàng lúc lỉu trong đám cưới mới hãnh diện vẫn đang là “luật” chung.