Hà bất ngờ ghé thăm tôi sau 5 năm kết hôn. Trông Hà hốc hác, tiều tụy, đuôi mắt hằn sâu vết chân chim dù chưa quá 30. Trước kia, hai đứa là bạn rất thân nhưng suốt thời gian qua, chúng tôi bận bịu cho tổ ấm riêng, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau ở tiệc cưới bạn bè, hay điện thoại hỏi thăm sức khỏe…
Tôi thật sự ngạc nhiên trước sự xuống sắc của bạn. Càng ngạc nhiên, sau một lúc trò chuyện, Hà mở lời hỏi vay tôi 20 triệu, hứa trong hai tháng sẽ trả. Bởi Sơn, chồng Hà, là phó giám đốc của một công ty, tuy nhỏ nhưng có thu nhập ổn định.
Thấy vẻ thắc mắc của tôi, Hà rơi nước mắt, tâm sự: “Nhìn bề ngoài như vậy chứ không phải vậy”. Hà kể, ngay sau cưới, Hà phải bán bớt nữ trang để trả nợ Sơn vay trước đó của chị chồng, vì phải làm đám cưới rình rang, cho xứng tầm của một phó giám đốc. Bị sốc, nhưng Hà nghĩ: “Thôi thì mọi thứ vợ chồng tự lo, sau này không mang ơn, mắc nợ ai”. Vài tháng sau, ba má chồng Hà phân chia tài sản, phần hai vợ chồng Hà có nửa căn nhà. Nghĩ chồng giao thiệp rộng, sẽ lo khâu giấy tờ, ai dè, Sơn nhăn nhó: “Bạn bè nhờ vả kỳ lắm, kêu dịch vụ lo đi”. Tiền dịch vụ Hà cũng phải chi vì “nhà của chúng mình mà”, Sơn nói.
|
Ảnh minh họa. |
Gia đình ăn chung, vợ chồng Hà phải đóng góp hàng tháng, Sơn nói: “Em lo tiền ăn, anh dành dụm để cất nhà”. Nghe chồng nói có lý, Hà gồng gánh hết. Sinh con, mọi chi phí cũng do Hà tự tính toán. Dù sinh non nhưng mới ba tháng Hà đã phải nhận hồ sơ kế toán về làm thêm để có tiền đóng tiền ăn của hai vợ chồng cho mẹ Sơn theo quy định. Sơn chẳng làm gì giúp vợ, kể cả cái giấy khai sinh của con cũng do Hà làm. Ba năm sau, chị chồng đòi đập nửa căn nhà cũ, cất nhà mới. Nhà đã xuống cấp, đập nửa căn thì nửa căn kia cũng sập theo, buộc lòng Hà cũng phải cất nhà. Cứ ngỡ chồng đã dành dụm được phần nào, chẳng ngờ anh nói “không có một xu” khiến Hà sững sờ… Sơn kể lể phải lo cho ba má bệnh, em gái út nhận phần tiền hồi môn do khước từ thừa kế căn nhà để theo chồng về quê, rồi làm ăn thua lỗ... Trước sự đã rồi, Hà phải chạy về mẹ ruột vay tiền để cất nhà cùng lúc với chị chồng.
Nhà xây xong, cứ tưởng vợ chồng sẽ chung tay trả nợ, nào ngờ Sơn tuyên bố: “Tôi đâu có kêu cô đi vay mượn? Còn nửa căn thì ở nửa căn, cô ham nhà cao cửa rộng làm chi rồi bắt tôi nai lưng ra trả nợ?”. Hà đồng ý trả nợ với điều kiện Sơn phải lo chi phí sinh hoạt gia đình. Sơn bằng lòng, nhưng tháng đưa tiền, tháng không, vợ hỏi là Sơn gây, kiếm chuyện giận hờn, bỏ đi nhậu thâu đêm. Muốn nhà cửa êm ấm, Sơn đưa tiền hay không, Hà cũng không dám nhắc.
Người ngoài gặp Sơn, ai cũng khen Hà có phước. Sơn luôn hào phóng, chi tiêu rộng rãi với bạn bè, em cháu, nên mọi người đều nghĩ hai vợ chồng giàu có, Sơn mới mạnh tay “bao thầu” như vậy. Thậm chí, họ hàng bên chồng còn cho là Hà ôm tiền của chồng đưa mà keo kiệt, không dám đãi đằng ai hay quà cáp cho ba mẹ chồng. Để đẹp mặt chồng, Hà cắn răng chịu đựng.
Giờ, công ty Hà đang làm gặp khó khăn, lương thưởng đều bị cắt giảm. Đã ba tháng liên tiếp, Hà không trả góp được cho ba mẹ mình tiền nợ cất nhà. Theo quy ước, số tiền này phải trả hàng tháng để ông bà có khoản xài. Hà khất lần, sợ ba mẹ nghi… vì trước giờ ba mẹ luôn tự hào về con rể giỏi giang, xứng đáng là trụ cột cho Hà nương thân gửi phận. Hà nói: “Nghi cho Hà mượn để gửi về cho ba mẹ. Nếu tiền thưởng Tết này không đủ trả thì mình sẽ bán đôi bông tai kim cương, món trang sức cưới cuối cùng còn giữ được, để trả nợ bạn”. Nghe Hà nói, tôi bất chợt nhìn xuống bàn tay Hà, chiếc nhẫn cưới kim cương đã được thay bằng nhẫn vàng 18k mỏng manh…
Bất giác, tôi giận dữ nói “không” một cách dứt khoát với Hà. Tôi khuyên Hà về nói chuyện rõ ràng với Sơn, phân định lại trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của cả hai vợ chồng: ai phải đóng góp bao nhiêu, phải chịu chi phí gì, phải trả bao nhiêu nợ… Cần quy ước với nhau thật cụ thể, để cùng chung tay góp sức lo cho cuộc sống chung. Hà không thể cứ ôm hết mọi việc, làm bóng tùng che chở cho cả gia đình, chấp nhận vun đắp cho cái trụ cột ảo đó mãi được.
Nước mắt đoanh tròng nhưng thay vì phiền trách, Hà lại nắm chặt tay tôi nói hai chữ cám ơn trước khi ra về...