Vì là gia đình thời hiện đại nên “bệnh tật” cũng rất khác những gia đình thời truyền thống. Chẳng phải vì cơm áo gạo tiền, cũng chẳng phải vì người thứ ba, mà nguyên nhân đôi khi chỉ vì những lý do bé mọn nhưng lại khó vượt qua.
Khóc vì… con ngoan
Gia đình chị Trương Hương Giang ở phố Hoa Bằng, HN là một gia đình thời hiện đại theo đúng nghĩa. Với tiêu chí một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh, cuộc sống của gia đình chị Giang những tưởng đã viên mãn. Thế nhưng, sự những tưởng ấy đã tan thành mây khói khi đứa con gái lớn của chị năm nay đang học lớp 9 bị nhà trường đình chỉ học 15 ngày và mời phụ huynh lên làm việc. Lý do con gái chị Giang bị đình chỉ học vì cô bé ghét một cô giáo đang đứng lớp.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Từ chỗ ghét, suy nghĩ nông nổi của tuổi mới lớn, cô bé đã lập một trang facebook chuyển để bôi nhọ, nói xấu cô giáo. Hành vi này đủ để chịu trách nhiệm hình sự, nhưng vì trước nay cô bé chưa từng có tiểu sử quậy phá nên nhà trường chỉ phạt nội bộ nhằm răn đe. Hình phạt của nhà trường thì nhẹ, nhưng cú sốc với vợ chồng chị Giang lại quá nặng. Họ nhận ra rằng việc mình buông lơi không khí sinh hoạt gia đình vào những buổi tối khi cho phép các con thu mình trong phòng riêng quá nhiều, cũng như việc họ quan niệm con ngoan là con học giỏi, thì nay đã phải trả giá.
Mô hình gia đình của nhà chị Giang cũng là mô hình được nhắc đến nhiều trong cuộc tọa đàm “Hạnh phúc gia đình thời hiện đại” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý nhà nước. Các quan điểm đều nhất trí rằng, gia đình hạt nhân hiện đại gồm có hai thế hệ chung sống là bố mẹ và các con đang dần chiếm ưu thế áp đảo so với các gia đình truyền thống với nhiều thế hệ tam đại, tứ đại đồng đường.
Hình thái sinh hoạt của gia đình hạt nhân cũng dần khác so với gia đình truyền thống, đó là các sinh hoạt của các cá nhân ngày càng trở nên độc lập cao, cha mẹ, con cái đều có phòng riêng, với những trò giải trí riêng và mối quan tâm riêng. Ở nhiều gia đình đã từ lâu không còn cảnh cả nhà cùng xem một chương trình ti vi hay cùng chơi một trò chơi tập thể. Theo một nghiên cứu, có tới 62,7% số cha mẹ ở các tỉnh phía Bắc và 57% các gia đình ở phía Nam khi được hỏi cho biết, mỗi ngày, thời gian dành cho con không được 30 phút.
Cuộc sống nhiều áp lực khiến những ông bố bà mẹ mải mê kiếm tiền và từ đó hình thành những “khoảng trời riêng”, không quan tâm tới suy nghĩ và mong muốn của con cái. Đối với họ “con ngoan là một đứa con ngoan là luôn mang về điểm 10 và danh hiệu học sinh giỏi thay vì biết ứng xử, cách đối nhân xử thế... “ - như lời nhận xét của ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL
“Cái tôi” đè bẹp nếp nhà
Ngày nay, với suy nghĩ hiện đại, người ta thường nhắc nhiều tới khái niệm bình đẳng giới trong gia đình và cho rằng đây là gốc rễ của hạnh phúc. Nhưng liệu đã mấy ai định nghĩa đúng thế nào là bình đẳng giới trong gia đình. Phải chăng là sự phân chia công bằng công việc, của cải, tiền bạc? Và phân chia công bằng cả sự thể hiện “cái tôi” cá nhân.
Vì công việc nên chị Vân Thị Hà công tác ở một công ty kinh doanh thi thoảng lại có buổi mời cơm đối tác. Mỗi khi chị báo tối về muộn là anh Lân chồng chị cũng mũ áo ra khỏi nhà với lý do:“cô đi chẳng nhẽ tôi không biết đi”. Hai đứa con gái lớn tồng ngồng khi có mẹ ở nhà còn chịu vào bếp phụ, chứ mẹ đã đi vắng thì tót ngay ra đường vì “chẳng tội gì mà tự hành xác”.
“Cuộc chiến” gia đình thực sự nổ ra khi chiều đó, khi cả nhà đều đi vắng vì “cái tôi” của mình, nước mưa của cơn giông lớn đã tràn vào nhà qua cửa sổ không đóng làm chập cháy hỏng rất nhiều thiết bị điện trong nhà. “Lỗi là ở tôi, luôn khuyến khích con cái sống bình đẳng, đề cao cái tôi mà quên mất rằng, không vì nhau thì không phải gia đình”- chị Hà chia sẻ.
Về vấn đề này ông Hoa Hữu Vân cho rằng: “Để xây dựng một gia đình hạnh phúc hiện đại các gia đình cần bắt đầu từ cụm từ “cùng nhau”: Cùng nhau làm mọi việc, cùng nhau hưởng thụ kết quả và cùng nhau bình tĩnh để giải quyết các mâu thuẫn, khó khăn thay vì đề cao cái tôi của mỗi cá nhân”. Theo ông Vân, hạnh phúc lớn nhất chính là làm sao mỗi người tìm thấy sự an lành trong ngôi nhà của mình, chứ không phải là khi “cái tôi” ích kỷ được thỏa mãn.