Bi hài cô chiêu lấy chồng
Con gái út kết hôn, bà Hạnh vất vả đến mức việc xong cũng là lúc bà phải vào bệnh viện cấp cứu vì kiệt sức. Đã đã phải lao lực trong mấy tháng trời, mọi việc chuẩn bị cho đám cưới đều qua tay, cả đến việc được coi là đương nhiên cô dâu chú rể phải tự làm. Bà là người chọn mẫu thiếp mời, in ấn, viết và đưa thiếp. Váy cưới, nhẫn cưới cho các con, bà cũng lựa ra các mẫu trước rồi mới bảo con gái chọn, thử. Việc chụp ảnh cưới cũng chính bà liên hệ, giao dịch, lên chương trình, chuẩn bị cho con gái, con rể từng món phụ kiện...
Dĩ nhiên bà Hạnh không phải ba đầu sáu tay nên vẫn cần người hỗ trợ, đó là người giúp việc, con dâu, con trai, chồng, bạn bè, mấy đứa cháu họ...
Còn Uyên, cô con gái sắp lên xe hoa, không phải đụng tay đến việc gì. Cô đã quen như thế kể từ lúc lọt lòng. Chấp nhận đẻ lần thứ 3 để có con gái, bà cưng con như hòn ngọc, đã là ngọc thì phải được nâng niu trong nhung lụa. Cô bé được ăn ngon, mặc đẹp, học trường sang, ngoài việc học thì mọi sự đã có bố mẹ lo, kể cả việc lấy đồ để tắm.
Mà thực ra việc học của Uyên cũng do bố mẹ lo nốt: ông bà lo quan hệ sao cho con luôn có điểm số đẹp, được vào lớp chọn, được tham dự các cuộc thi...
Lớn lên, bố mẹ muốn lo cho Uyên đi du học nhưng cô ngại khổ nên đòi ở nhà, thế là bà Hạnh lại thu xếp cho cô vào một trường đại học trong nước có học phí ngất ngưởng. Uyên học xong thì bố mẹ đã lo sẵn cho cô công việc ở công ty một người quen. Ngoài những mâu thuẫn với người yêu ra, Uyên chưa bao giờ phải lo lắng bất cứ chuyện gì bởi mọi vấn đề của cô đều có mẹ giải quyết. Cả khi cô đã đi lấy chồng cũng thế.
Nằm việc truyền nước được 2 ngày sau đám cưới con gái, bà Hạnh đã tất tưởi về khi Uyên gọi điện "kêu cứu". Cô cần nấu một món ăn mẹ chồng yêu cầu. Bà hỏi mấy câu về khẩu vị, thói quen ăn uống nhà thông gia rồi vội vàng đi chợ chọn mua nguyên liệu, tự tay nấu nấu nướng nướng, chờ cô con gái qua lấy về "hóa phép" thành đồ cô tự nấu.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Uyên hằng ngày đi làm, nhà chồng có osin nên thường chẳng phải nấu ăn, nhưng vào cuối tuần hay nhà có việc, cô vẫn hay được giao nhiệm vụ, và những lúc đó, mẹ đẻ là người chịu trách nhiệm giải quyết các "đơn đặt hàng" đó.
Chuyện "đối nội, đối ngoại" bên nhà chồng của Uyên cũng là việc của mẹ cô nốt. Mua quà gì cho cô út nhân sinh nhật, mừng đầy tháng cháu cái gì... cô đều đùn cho mẹ nghĩ và làm hộ. Ngay cả khi đi du lịch nước ngoài, cần mua quà về cho người nhà chồng, Uyên cũng ủy thác cho mẹ nốt "vì em rất dốt về việc chọn quà, mỗi người cần tặng một kiểu, khó quá". Thế là con thì xuất ngoại, mẹ ở nhà mua hàng xách tay cao cấp cho con về tặng mà bảo là "quà ở bển".
Một người "không biết gì" như Uyên sống ở nhà chồng khó tránh những lúc làm bố mẹ chồng trái ý, và phản ứng với sự không hài lòng của họ một cách bản năng, vụng về. Những lúc đó, lại cũng chính mẹ cô lo khắc phục hậu quả. "Khổ thân con, để đó mẹ lo, bây giờ con nên...", bà luôn nói vậy với cô con gái đang lo lắng khóc sụt sùi. Và sau đó thì bà mẹ "ủ mưu" nên giải quyết với thông gia thế nào, mềm hay rắn, khéo léo xin lỗi, vuốt ve họ hay cảnh cáo họ một chút về thái độ với con gái mình...
Thương con, bà Hạnh chỉ hận không chửa và đẻ thay cho Uyên được. Nhưng tất cả những chuyện liên quan đến việc chửa đẻ của cô thì bà "bao thầu" hết. Uyên chỉ cần ăn, uống những thứ mẹ dặn, mẹ mua, lên xe khi mẹ bảo đi khám. Và sau khi khóc hết hơi vì đau và sợ trong phòng chờ sinh, cô được mẹ can thiệp cho mổ đẻ, đẻ xong ôm con về nhà ngoại (thực ra là mẹ cô ôm con hộ) để mẹ đẻ chăm sóc cả hai...
Cầu hôn mẹ giúp, bỏ vợ cũng mẹ lo
Thói quen làm thay dẫn nhiều bà mẹ đến chỗ quyết định thay con mọi việc, kể cả những điều trọng đại mà lẽ ra không ai có thể quyết định thay ai, kể cả khi đứa con là người đàn ông ở tuổi tam thập nhi lập. Bà Ngà là một người như thế. Mấy chục năm, tự tay bà làm mọi thứ cho con nên dĩ nhiên trong mắt bà, con trai vẫn là một đứa trẻ không thể có một hành động nào đúng nếu nó trái với suy nghĩ của bà.
"Nó mà không nghe tôi là hỏng việc ngay. Lớn đùng thế rồi nhưng cái gì cũng mẹ, cưa gái rồi cầu hôn cũng mẹ lo cho nốt", bà Ngà nói khi có người góp ý rằng không nên can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của vợ chồng con trai, hãy để nó tự quyết định.
Cách đây 3 năm, thấy con trai bỗng nhiên biếng ăn, kém ngủ, buồn bà thẫn thờ, bà Ngà lo lắng. Hóa ra là anh chàng suốt ngày chỉ có đi làm và vùi đầu vào chơi game quên cả trời đất này rốt cục cũng chịu yêu. Vấn đề là Nguyên, con trai bà, chưa bao giờ được rèn luyện về kỹ năng tán tỉnh hay đơn giản chỉ là giao tiếp với con gái. Vì thế, bà phải ra tay gà cho con từng bước một, tư vấn cả về đề tài nói chuyện, lúc nào nên mời đi chơi, đi xem phim, lúc nào tặng hoa, tặng quà (dĩ nhiên do bà mua)…
Hai cô cậu bắt đầu thân thân một chút bà đã bảo con mời bạn về chơi và kể từ đó, bà có thể ra mặt “tấn công” hộ con. Nhờ có bà mẹ nhiệt tình, tâm lý tích cực vun vào, “tiết lộ” bao nhiêu nết tốt của Nguyên, cô gái “đổ” một cách nhanh chóng hơn.
Hai người yêu nhau một thời gian, bà Ngà bảo lấy vợ đi để con sinh con chứ, suốt ngày game có ngày chết gục. Khổ nỗi, anh chàng chẳng dám mở lời cầu hôn, vì mấy lần bạn gái tỏ ý không muốn kết hôn sớm.
“Tôi đã vạch sẵn cho nó là mời đi ăn thế này, tặng hoa tặng nhẫn thế này, cầu hôn thế kia, nhưng nó chẳng dám làm”, bà kể. “Tôi đành bảo nó mời con bé về nhà ăn cơm. Rồi tôi đưa cái nhẫn ra nói, thằng Nguyên nó muốn cưới cháu lắm mà không dám nói, nó mua nhẫn tặng cháu đây này; năm nay hai đứa được tuổi, cưới luôn đi, có vợ thì nó mới bỏ được cái tật ham chơi, nghiện game vớ vẩn”.
“Con bé đang ngần ngừ, tôi bảo cho bác số điện thoại của bố mẹ cháu để bác gọi, người lớn nói chuyện. Rồi tôi sắp xếp gặp luôn. Nhà bên kia thấy nhà tôi kinh tế khá, thằng Nguyên hiền lành đẹp trai, tôi thì yêu quý con dâu như vậy, nên đồng ý ngay, con bé cũng chẳng nói gì được nữa”.
Cố lôi con người ta về làm dâu bằng được, ai ngờ sau đó vợ Nguyên lại suốt ngày bị mẹ chồng bẻ hành bẻ tỏi, chê bai đủ điều, lại còn bảo cô là chuột sa chĩnh gạo mà không biết cách trả ơn mẹ chồng. Trong nhà, tất tần tật mọi thứ đều phải theo ý bà không được sai một ly.
Miệng thì bảo cưới dâu về để “cải tạo” con trai nhưng hễ vợ Nguyên có góp ý với chồng một câu thì bà đã chịu không nổi. Đã thế, hễ nhìn thấy Nguyên là bà Ngà lại mách tội của con dâu, bắt anh phải dạy vợ cho tử tế. Lúc đầu Nguyên nói mẹ muốn dạy nó cái gì cứ dạy, sau mẹ nói điếc tai quá, anh khó chịu nên trút giận vào vợ, cho rằng vì cô mà anh không được yên thân chơi game.
Chẳng mấy chốc mà cô con dâu nhận ra mình quá nhầm khi bước chân vào nhà này, và bắt đầu phản ứng. Nhưng vì nhỡ có thai, cô vẫn phải cố gắng chịu đựng. Đến khi đứa bé được gần 2 tuổi thì cô quyết định phải đấu tranh quyết liệt với chồng và mẹ chồng. Thực ra chồng thì chỉ muốn yên thân, còn mẹ chồng thì không bao giờ chấp nhận sự phản kháng. Đến con trai còn chẳng dám cãi mẹ một câu, làm gì có chuyện bà chịu nổi con dâu dám trái ý. Đe đọa, trấn áp không được, bảo thằng con dạy vợ cũng chẳng xong, bà gây sức ép bắt con bỏ vợ.
Nguyên không ghét vợ đến mức phải bỏ, nhưng ngày ngày bị cả hai bên “tra tấn”, chịu không nổi, lại thêm vợ cũng ra tối hậu thư hoặc bỏ nhau, hoặc Nguyên phải trở thành người lớn, anh chàng lười biếng vô trách nhiệm bèn tặc lưỡi: “Ừ bỏ thì bỏ, càng đỡ mệt thân”. Nguyên lại thành độc thân sau hơn 3 năm có vợ.
Tống được “cô con dâu láo, không biết điều”, bà Ngà hả hê lắm. Nhưng rồi ít lâu sau, thấy con trai vẫn chỉ mê mải cắm đầu vào game, nhà vắng tanh vắng ngắt, bà lại buồn, muốn có dâu, có cháu, muốn nhìn thấy thằng con trưởng thành, có sự nghiệp với người ta. Nhưng giục đi yêu đương, anh chàng lắc đầu quầy quậy: “Thôi con bận lắm, thời gian đâu mà tìm vợ”. Bà bèn tự đi “săn gái” họ con, nhưng cô nào tìm hiểu chuyện nhà bà cũng đều sợ khiếp vía.
Nghĩ đến cảnh nhà lạnh lẽo và tương lai của con, bà Ngà tan nát buồn, nhiều lúc phẫn quá mắng con trai, đay nghiến Nguyên là đồ vô tích sự. Bà quên mất chính mình đã biến anh thành người như thế, tước đi của anh cơ hội trở thành đàn ông trưởng thành. Mấy chục năm qua, vẫn là mẹ sống hộ anh, coi như anh chưa từng thực sự sống cuộc đời mình.