Sau 6 năm đón cặm cụi và mệt phờ đón Tết ở nhà chồng. Năm nay, chị Dung (Từ Liêm – Hà Nội) quyết định “né” 3 ngày Tết để không phải thức đêm, phục vụ cỗ bàn, thăm họ hàng... Mặc cho chồng và mẹ chồng nói ra, nói vào, thậm chí cáu gắt nhưng chị Dung vẫn chỉ lo mua sắm đồ đạc trước Tết, sau đó chị ung dung đến cơ quan trực để thưởng cho mình mấy ngày nhàn tản trong năm. “Kể từ khi lấy chồng, Tết năm nào tôi cũng đầu tắt mặt tối từ ngày 23 Tết đến hết ngày mồng 6 vì lo mua bán, sắm sửa trước Tết, rồi trong mấy ngày Tết lại chuyện cỗ bàn, thăm thú họ hàng. Bao năm lấy chồng không được thưởng thức một cái Tết thoải mái mà cứ hùng hục xoay như chong chóng, người lúc nào cũng thiếu ngủ, mệt mỏi” – chị Dung thổ lộ.
Nhà chồng chị Dung vốn đông anh em họ hàng. Mẹ chồng chị lại gánh vác trọng trách “bác dâu cả” trong họ, phải lo cỗ bàn thờ cúng tổ tiên. Vì thế nếu tính tất cả những ngày giỗ chạp trong năm thì không tháng nào là nhà chồng chị không có cỗ bàn. Theo chị Dung, có những tháng, chị phải xoay vần lo thực phẩm cho ba đám giỗ cụ kị trong nhà. Và cũng vì mấy ngày Tết họ hàng ăn uống liên miên nên đó là chuỗi ngày khiến chị Dung khủng hoảng tinh thần, thể lực nhất. Cũng nhiều lần chị Dung nhờ chồng đả thông, góp ý với mẹ chồng thu hẹp quy mô cỗ bàn lại. Thế nhưng sau nhiều lần tranh luận, mẹ chồng chị vẫn “chắc như đinh đóng cột” vì thế chị cứ năm này qua năm khác tự cố gắng thích nghi với hoàn cảnh.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên năm nay, cuối năm công việc căng thẳng, chị không muốn 3 ngày Tết lại phải “ôm” lấy gian bếp thế nên, chị đã chủ động nói với chồng rằng sẽ vẫn đi làm bình thường vì vướng lịch trực của bản thân và lịch trực thay cho mấy chị em quê ở xa. Vậy là sau khi mua sắm xong xuôi, sáng ngày 28 Tết khi mọi người yên vị ở nhà thì chị vẫn “xách” xe đến cơ quan. Bố mẹ chồng chị thấy vậy thì không nói không rằng, mặt lạnh như băng, nặng như chì xong chị vờ như không để ý.
“Mình cũng muốn 3 ngày Tết được sum vầy với gia đình. Nhưng sum vầy kiểu ‘hành xác’ như mọi năm thì mình sợ phát khiếp. Có lẽ không chị em nào giống mình, từ ngày 23 Tết trở đi là cắm mặt vào lo mua sắm, tính toán lương thực phẩm để lên mâm… 3 ngày Tết toàn thân cứ rã rời, thức khuya, dậy sớm. Năm nay thì mình quyết ‘né’, ung dung đến cơ quan ngồi vắt chân nhâm nhi trà nóng, không ở nhà ngày nào nữa để bố mẹ chồng tiết chế việc vẽ vời cỗ bàn đi. Dù bố mẹ chồng có giận thì mình cũng chịu vì đã nhận lịch trực thay cho mấy cô đồng nghiệp ở xa. Dù có hơi ích kỉ nhưng đúng là mình cần xả hơi, cần thoát khỏi căn bếp trong mấy ngày Tết” – chị Dung chia sẻ.
Mặc dù cũng rất muốn quây quần bên gia đình trong mấy ngày Tết, thế nhưng chị Hạnh (Gia Lâm - Hà Nội) cũng cố tìm cho ra lý do để tránh phải về Nam Định quê chồng để ăn Tết.
“Về làm dâu nhà chồng mới được 2 năm và cũng mới trải qua 2 cái Tết. Thế nhưng quả thật cứ nghe đến về quê và Tết là mình thấy hãi hùng. Không chỉ có chuyện lo nấu nướng, cỗ bàn từ sáng tới đêm mà còn thất kinh vì khách ở quê người nào người ấy cứ nườm nượp kéo sang, trẻ con đi theo cũng hàng đàn. Thế là ngay cả những người mình không quen biết cũng phải đón tiếp niềm nở, chào hỏi như rất thân tình chào hỏi, tiền mừng tuổi thì từ trẻ đến già nếu không lì xì thì bị đánh giá và quở trách” – chị Hạnh chia sẻ. Không những thế, mấy ngày về quê, chồng chị bỗng sinh tật “mặc kệ vợ” vì nếu anh giúp chị việc nọ việc kia thì bị “phán xét” là “đàn ông núp váy vợ” và bị cho ngồi mâm dưới...
Bởi vậy năm nay, mặc kệ chồng đã lên kế hoạch đưa vợ con về ăn Tết từ ngày 26 tháng Chạp, chị vẫn cứ im ỉm tự suy tính kế sách để ở lại Hà Nội. Suy đi tính lại mãi chị vẫn không tìm được kế sách nào kín kẽ nên đành đánh liều ra cửa hàng thuốc vờ nói mình bị táo bón quá lâu, cần mua mấy liều thuốc nhuận trường, trị táo bón để xổ. “Tôi đã quá mệt mỏi vì con thì nhỏ, giờ mà về quê gánh gồng thêm những việc kia thì chỉ có nước lăn ra ốm. Hơi sức đâu mà cười, mà chào đón ai. Không những thế về quê, tiền mừng tuổi mà cứ như phải rải cho cả làng tiền đâu cho lại. Vì thế tôi đành ra mua thuốc xổ để… khỏi phải về quê chồng ” – chị Hạnh nói.
Chị Dương (Tây Hồ - Hà Nội) nghĩ đến mấy năm trước, Tết cứ phải chạy quanh lo ăn uống, cười nói, thăm họ hàng xã giao, nên năm nay chị cũng kiếm cớ để trốn. “Tết kiều gì mà bố mẹ chồng vẫn giứ nguyên nếp ngày thường, cứ 10h là cả nhà phải tắt đèn đi ngủ. Đêm 30 Tết cũng không ngoại lệ vì mẹ chồng mình bảo còn phải dậy sớm để lo nấu cơm đãi khách. Bà không ngủ được nếu trong nhà có ánh đèn…” – chị Dương nói.
Theo lời chị Dương thì không khí Tết ở gia đình chồng chỉ khác ngày thường một điều là cứ hễ khách đến là phải có sẵn cỗ đãi khách. Lúc nào chị cũng phải đứng trong bếp để xào, nấu và nghe tiếng mẹ chồng í ới sai bảo. Tết đối với chị Dương giống như một kiểu đối phó và chờ đến thời khắc thích hợp để phản kháng, chống cự. “Không năm nào là tôi không ấm ức vì cứ xin phép sang ngoại chơi là y như rằng mẹ chồng hầm hè bảo nhà bận, khách đầy nhà bỏ đấy cho ai. Ông bà đã nói thế thì tôi đâu thể ra khỏi nhà” – chị Dương kể.
Trong khi bố mẹ chồng thì có chị và đứa em dâu đỡ đần, gánh vác công việc thì bố mẹ đẻ của chị chỉ có hai bóng già ngồi đợi con về chúc Tết. Chính bởi thế nên năm nay chị tìm cách “trốn” khỏi nhà chồng. “Thực ra vất vả cũng chỉ là tác nhân nhỏ mà vấn đề đón Tết theo kiểu ép buộc, nhạt nhẽo của mẹ chồng khiến cho tôi cảm thấy chán nản. Thêm vào đó tôi thương bố mẹ đẻ chỉ có hai bóng già đón Tết. Vì thế tôi đã thẳng thắn nói với chồng rằng năm nay hai vợ chồng chia đôi, anh ấy ăn Tết nhà nội, còn tôi ăn Tết nhà ngoại. Anh ấy thích nghĩ ra lý do nào để nói với mẹ chồng thì tùy anh ấy” – chị Dương cho hay.
Chị cũng bộ bạch rằng ban đầu khi nghe ý kiến của vợ, chồng chị giãy nảy, không đồng ý. Tuy nhiên ngày 28 Tết, sau khi lo hoàn thành mọi việc ở nhà chồng, chị xếp quần áo vào vali chuẩn bị sang nhà ngoại, buộc chồng tự đi giải quyết với bố mẹ. Chị còn quả quyết những năm sau chị sẽ cân đối ngày nghỉ Tết để ở cả hai bên nội ngoại chứ không cung cúc phục tùng như những năm trước.