Khóc mếu chuyện “bà lão” bỗng mang thai

Google News

Hiện tại các khoa sản của các bệnh viện xuất hiện khá đông những người phụ nữ ở tuổi 50, 60 đến bỏ đi cái thai ngoài ý muốn.

Một phần họ ngại với con cháu, phần sợ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ khi lâm bồn và sức khỏe của em bé sau khi sinh ra.
Ở tuổi 50, 60 các bà, các mẹ cứ cho rằng mình tuổi đã cao lại đang trong giai đoạn tiền mãn kinh nên không cần phải có biện pháp phòng tránh khi gần chồng, vì vậy đã xảy ra chuyện có thai ngoài ý muốn.
Có bầu tuổi xế chiều
Hằng ngày tại Khoa sản, bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh có rất đông phụ nữ đến khám thai, trong đố, số người trên 50 tuổi chiếm khoảng 10%. Đa số họ là những người đến khám và muốn giải quyết cái thai của mình. Chúng tôi gặp bà T 56 tuổi đang lúi húi cầm sổ khám thai chờ bác sĩ gọi tên để vào khám. Bà T cho biết bà đang mang thai được hơn 2 tháng và muốn bỏ đi đứa con chưa được sinh ra của mình.
Bà T đã có 3 người con, 2 nam, 1 nữ, đều trưởng thành, bà cũng sắp có cháu nội. Cuộc sống gia đình bà hạnh phúc. Hiện nay bà đã nghỉ hưu, nhưng hơn 2 tháng nay, bà mất ăn mất ngủ vì bỗng nhiên cái thai hơn 2 tháng tuổi xuất hiện trong bụng mình.
 Ảnh minh họa.
Khi nghe bác sĩ cho biết bà đã có thai, hai vợ chồng bà đều choáng váng. Bởi, bà đã hơn 56 tuổi, chồng 61 tuổi sẽ rất khó có thai. Vậy mà bà đi khám đến 3 bệnh viện đều cho kết quả như nhau. Nếu giữ lại thì biết ăn nói như thế nào với con cháu, rồi đứa trẻ sinh ra có được khỏe mạnh hay không, mà bỏ con thì có tội. Oái oăm hơn, lúc đó con gái bà cũng đang mang thai đứa con đầu lòng. Bà nói: "ông ấy và tôi nghĩ suốt đêm, thôi thì mình phải làm người có lỗi bỏ con". Rồi bà lại nói: "Sáng nay ông ấy chở tôi đến bệnh viện khám thai mà ngại nên bỏ tui một mình rồi ra quán ngồi chờ".
Giống như bà T, bà Sáu cũng đang mang thai tháng thứ 4 ở tuổi 61. Ngồi ở góc hành lang, tay cầm sổ khám thai, thấy có người đến bà vội vàng cất sổ đi. Hỏi chuyện, bà cho biết bà dẫn con gái đi khám thai và chẳng muốn nói chuyện với ai. Khi được chúng tôi chia sẻ, bà mới từ từ kể câu chuyện dở khóc dở cười của mình. Bà Sáu cho biết, bà mang cái thai ở tháng thứ tư mà không biết mình đang có em bé, cứ nghĩ mình bị béo bụng và thèm ăn do tăng cân. Một lần bà bị sốt, đi khám bác sĩ cho biết bà đang mang thai thì mới tá hỏa.
Bà Sáu mang chuyện nói với ông nhà, ông gạt phăng: "Làm gì có, tôi với bà tuổi đã cao, bà cũng không còn kinh nguyệt cả hơn năm nay thì làm sao có thai". Khi bà đưa sổ khám bệnh cho ông xem, ông mới há hốc miệng. Ngay lập tức, ông bàn với bà tìm cách bỏ đi cái thai và đừng để các con biết chuyện.
Vậy là bao nhiêu phương án được hai ông bà đặt ra nhưng không thực hiện được. Phần vì ông sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà, phần bì sợ có lỗi với đứa con chỉ mới hình thành mầm sống đã bị cha mẹ từ bỏ. Nhưng nếu sinh con ra, "nó không được bình thường mà tuổi ba mẹ ngày càng cao, không thể chăm sóc được con thì tội con lắm", bà nói. Hai ông bà phải lên chùa cầu nguyện rồi ông mới chở bà đến bệnh viện bỏ con. "Thương cháu nó lắm, chưa được cất tiếng khóc chào đời đã bị ba mẹ bỏ. Nhưng không có cách nào khác, cô ơi!", nước mắt bà lăn dài, khóc thương cho đứa con trai bé bỏng.
Lập nghĩa trang online cho con
Tại Khoa sản, bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, chúng tôi gặp bà T.T.B 57 tuổi đang ngồi chờ đến lượt mình vào khám. Bà ngồi buồn thiu một chỗ, không dám nói chuyện với ai, đưa mắt quan sát những người phụ nữ mang bầu. Ngồi nói chuyện với bà, chúng tôi được biết, hôm ấy bà đi tái khám vì phá thai trước đó một tuần.
Cầm cuốn sổ khám bệnh trên tay, bà B rưng rưng nước mắt: "Tôi tự tay giết chết một đứa con khi nó chưa kịp chào đời. Cách đây một tháng thôi, nó mới hình thành trong bụng mẹ, vậy mà bây giờ nó không còn nữa. Có trách ngàn lần cũng không hết tội ác của một người mẹ", bà B vừa khóc vừa sự cùng chúng tôi.
Ở cái tuổi 57, cứ nghĩ tuổi cao và đang ở tuổi tiền mãn kinh nên khi gần gũi chồng, bà không sử dụng các biện pháp phòng trách. "Tôi chủ quan quá. Tôi không nghĩ bằng tuổi này còn có thể mang thai. Khi được thông báo kết quả, tôi không tin đó là sự thật. Vậy nên, tôi cùng chồng bàn kế hoạch phá bỏ. Giờ thì thương con quá. Lúc lấy nó ra khỏi bụng, các bác sĩ nói cháu là một bé trai và rất khỏe mạnh. Vậy mà ...". Nói đến đây bà ngừng lời để kìm nén cảm xúc.
Bà B cũng cho biết, từ lúc phá bỏ cái thai, lúc nào khuôn mặt đứa bé cũng hình thành trong trí tưởng tượng của bà. "Trong giấc mơ, tôi thấy con về, nó cứ gọi tên mẹ, tên ba. Thương nhớ con, tôi đã cùng chồng lập một bàn thờ ở nghĩa trang online để ngày ngày thắp hương, nói chuyện và tâm sự cùng con. Có lẽ đó là cách tôi thể hiện tình thương của một người mẹ với cậu con trai bé bỏng", bà B nói trong nước mắt. Và trước khi đi bệnh viện để tái khám, bà B cũng lên nghĩa trang online để thắp hương, nói chuyện và nói lời xin lỗi con.
Mãn kinh 2 năm mới an toàn
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Dương Phương Mai - Phó giám đốc Y khoa bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn cho biết, nhiều người lớn tuổi còn đến bệnh viện khi thai đã to ( trên 12 tuần tuổi ) cũng vì tâm lý "không mang bầu được nữa" và nhằm lẫn trễ kinh do mang thai với rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh. Thai to đương nhiên thủ thuật phức tạp hơn, nguy cơ cao hơn. Nếu thai còn nhỏ và lựa chọn biện pháp phá thai nội khoa thì người lớn tuổi lại đối mặt với nguy cơ đến từ các căn bệnh mãn tính sẵn có như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường ...
Và sau khi phá thai, thể chất và tinh thần của những bà bầu tuổi 50, 60 cũng khó hồi phục hơn, kèm theo đó là sự căng thẳng, ngại ngùng, bối rối lẫn buồn bã vì mang thai rồi sau đó bỏ thai có thể gây cho họ những rối loạn tâm lý kéo dài, có thể dẫn đến cả rối loạn tình dục, ảnh hưởng đến đời sống tình dục tuổi xế chiều vốn rất cần tâm lý thoải mái để bù đắp những trục trặc về mặt thể chất.
Ông cũng cho biết, nếu những người phụ nữ lỡ mang thai mà lựa chọn giữ lại con sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị dị tật, mang bệnh lý, chết lưu, mẹ sinh khó, tỷ lệ tai biến sản khoa cho cả mẹ và con cao hơn ... Vì vậy, cần phải có một chế độ quản lý thai chặt chẽ, nên đi khám và chuẩn bị sinh nở ở bệnh viện tuyến tỉnh trở lên, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp tầm soát trước khi sinh vốn được khuyến cáo đối với phụ nữ trên 40 tuổi.
Bác sĩ Mai khuyến cáo, với những người phụ nữ ở tuổi trung niên có quan niệm "già rồi khó có con" là không đúng. Bởi, ở người phụ nữ chỉ thật sự không mang thai được nữa khi mãn kinh - được xác định khi kinh nguyệt đã chấm dứt hoàn toàn sau 2 năm. "Nhiều người thấy đã 3 tháng, 6 tháng rồi không có kinh, thế nghĩ là xong rồi, ai ngờ một vài tháng sau lại xuất hiện. Thực tế, trước khi mãn kinh thật sự, phụ nữ có một giai đoạn khá dài bị rối loạn, khi có khi không. Khả năng có thai lúc ấy tuy rất thấp nhưng không phải là không có. Nhiều trường hợp vỡ kế hoạch đã xảy ra ngay trong giai đoạn này", bác sĩ Mai cho biết.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

Bình luận(0)