Bi kịch “thử sức đàn ông” trước đêm tân hôn

Google News

Khi chị Hoa khóc lóc vật vã, đòi tự tử thì anh Cảnh mới khai thật, đã “thử sức đàn ông” quan hệ với gái mại dâm.

Hai vợ chồng họ đi khám bệnh ở rất nhiều nơi, các bác sĩ đều khuyên không nên sinh con vì rất có thể gặp biến chứng sang thai nhi. Phải đấu tranh rất nhiều, họ mới quyết định...
Cái giá của việc “thử sức đàn ông”
Gia đình anh Vũ Ngọc Cảnh (43 tuổi) trú tại Nam Sách, Hải Dương. Anh Cảnh và chị Hoa - vợ anh cưới nhau gần 20 năm nay, nhưng đến giờ họ mới có con. Ở cái tuổi bạn bè đã có người lên chức ông, chức bà thì con của anh Cảnh và chị Hoa vẫn còn phải bế ẵm. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là phóng viên, anh Cảnh hơi ngại ngùng vì anh không muốn "vạch áo cho người xem lưng". Còn chị Hoa lại rất thoải mái khi kể lại câu chuyện về gia đình mình.
Chị Hoa là một cô giáo mầm non. Chị và anh Cảnh cưới nhau từ năm 1996. Kể lại quãng thời gian yêu nhau, chị Hoa tràn đầy hạnh phúc cùng niềm thương nhớ. 18 tuổi, chị được khá nhiều đàn ông theo đuổi. Anh Cảnh sang "đặt gạch" ở nhà chị Hoa nhận phần. Thấy anh hiền lành, khỏe mạnh nên bố mẹ chị Hoa rất ưng và hứa gả con gái cho.
Gia đình anh Cảnh cũng sang đặt cơi trầu để nhận dâu. Rồi anh Cảnh đi bộ đội ở đảo Cát Bà, Hải Phòng 3 năm. Khi chị Hoa học xong lớp trung cấp mầm non, anh Cảnh giải ngũ, anh đến xin được cưới chị làm vợ nhưng nhà chị Hoa mới có tang bà nội nên phải lui lại thêm thời gian. Trước thời gian cưới, anh Cảnh đang đi làm thợ mỏ ở Đông Triều, Quảng Ninh.
Cuối tuần, anh lại bắt xe buýt về gặp người yêu. Tình yêu của hai người mãnh liệt nhưng chị Hoa kiên quyết không đi quá giới hạn. Cuối năm 1996, hai gia đình chọn ngày cưới cho con trẻ. Đám cưới của họ được tổ chức vào ngày 6/12 năm đó. Chị Hoa chỉ nhớ trời lạnh căm căm, anh Cảnh đi xe đạp chở cô dâu. Hai nhà cách nhau hơn 3 km.
Ảnh minh họa. 
Cả hai đều vô cùng háo hức chờ đợi đêm tân hôn. Trước đó, nhiều lần anh Cảnh đòi “vượt rào” nhưng đều bị từ chối. Họ chờ đợi ngày hạnh phúc nhất cuộc đời để trao cho nhau tất cả. Niềm hạnh phúc của ngày đầu bên nhau khiến họ lưu luyến mãi.
Nửa tháng sau, chị Hoa thấy ngứa ngáy vùng kín, đi tiểu buốt và ra nhiều khí hư đặc quánh và hôi. Còn chồng chị cũng đang vật lộn với những cơn ngứa, bị đau "của quý". Hai vợ chồng chị không biết bệnh gì. "Ngày đó thông tin bệnh tật ít lắm. Nhất là bệnh vùng kín thì chẳng ai dám nói ra cả.
Chị ra trạm y tế xã hỏi xem bị làm sao. Cô y sĩ ở đó đoán có thể chị bị viêm nhiễm thôi, chỉ cần rửa bằng thuốc phụ khoa hoa hồng là hết. Hai vợ chồng chị cùng nhau uống thuốc viêm nhiễm. Nhưng triệu chứng này cũng không hết. Hai tháng sau, vợ chồng chị lên bệnh viện tỉnh khám thì bác sĩ chẩn đoán bị lậu mãn tính", chị Hoa kể.
Những năm đó, bệnh của vợ chồng chị bị xếp vào dạng bệnh hoa liễu đặc biệt nghiêm trọng và được báo về trạm y tế xã để tránh lây nhiễm cho người khác. Xấu hổ vì bệnh tật, chị Hoa chỉ khóc lóc, không biết vì sao mình bị bệnh.
Trong khi đó, chồng chị khi nghe bác sĩ giải thích cơ chế lây bệnh chỉ còn vò đầu bứt tóc, lo lắng không biết vì sao bệnh rơi vào mình. Phải mất một thời gian dài khi chị Hoa khóc lóc vật vã, đòi tự tử thì anh Cảnh mới khai thật. Anh kể trước khi về tổ chức đám cưới, cả tổ công nhân mỏ của anh đi liên hoan.
Ăn tiệc xong, họ cùng nhau đi chơi ca hai bằng cách vào “đấm lưng”. Trong giây phút không kiềm chế được bản thân và cũng muốn “thử sức đàn ông” của mình, anh Cảnh đã quan hệ với gái mại dâm. Có lẽ vì thế mà anh lây bệnh lậu rồi về làm vợ mình lây nhiễm.
Hạnh phúc với đứa trẻ mang tên Bằng Lăng
Từ ngày biết được câu chuyện đó, chị Hoa trở nên lầm lì. Chị chì chiết chồng mỗi khi có cơ hội. Hằng tháng, hai vợ chồng lại lên bệnh viện khám và lấy thuốc. Cứ khỏi được vài hôm, vi khuẩn lậu lại làm tổ, ăn vào cả đường tiết niệu khiến họ phải đi thông tiểu.
Tiền của kiếm được bao nhiêu, họ phải ném vào thuốc thang. Điều khốn khổ nhất là cả làng, cả xã đều cho rằng chị Hoa là "cau điếc" nên không sinh được con. Bố mẹ anh Cảnh không biết chuyện cũng nghĩ thế. Họ liên tục giục anh đi kiếm người phụ nữ khác để sinh cháu cho gia đình. Không ai biết được bệnh tật thực của vợ chồng chị.
Chị Hoa cũng lến Bệnh viện Phụ sản Trung ương xin tư vấn sinh con, nhưng ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu khuyên vợ chồng chị không nên sinh em bé vì bệnh lậu mãn tính không khỏi được, mà có thể di chứng sang đứa trẻ. Có những đứa trẻ sinh ra bị mù mắt, bị dị dạng vì bố mẹ mắc lậu. Nghĩ đến sinh ra những đứa con không hoàn hảo, niềm khao khát được làm mẹ của chị Hoa cũng nguội dần.
Năm 2002, chị phải cắt bỏ tử cung vì bệnh lậu thâm nhập vào buồng tử cung gây viêm nhiễm nặng. Vậy là ước mơ khỏi bệnh và có con càng xa với hơn với người phụ nữ bất hạnh. “Mỗi lần nhìn các mẹ bế con đến gửi trẻ, tôi đón con họ mà lòng mình như dao cắt. Biết bao ngày, tôi tìm đến bệnh viện rồi ra về trong tuyệt vọng.
Ngày đó, không có con, người ta đổ lỗi tại vợ chứ có mấy ai nghĩ tại chồng. Bố mẹ hai bên cứ ép liên tục. Chồng mình còn bị nặng hơn, anh sinh ra chán nản, không đi làm nhiều mà chỉ kiếm đủ tiền thuốc. Ai cũng bảo nhà không có con, tiền kiếm được tiêu ít, chắc rất giàu có, nhưng thực ra nghèo vẫn nghèo”, chị Hoa nhớ lại.
Họ cứ âm thầm sống với nhau như hai cái bóng không hồn. Mỗi lần, gia đình hai bên có việc họ đều chăm chỉ làm, nhưng bước vào căn nhà riêng là việc ai người ấy làm. Nhiều lần, chị Hoa đi tìm người cho con để xin con nuôi nhưng đều thất bại.
Cách đây 4 năm, tình cờ chị đọc một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện không có người đến nhận. Chị đã tìm đến một vài bệnh viện đặt vấn đề xin con nuôi. Chị cũng lên nhiều trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi để xin nhận con. Nhưng bao chuyến đi, chị đều không đạt được ý nguyện của mình.
Đến giữa mùa hè năm 2011, sau 15 năm chống chọi với bệnh lậu mãn tính, chị Hoa đã mệt nhoài và muốn từ bỏ tất cả. Chính đêm hôm ấy, chị nghe thấy có người bạn gọi điện cho chồng bảo anh lên Hà Nội ngay. Hóa ra, không chỉ mình chị khát khao con mà bao năm qua anh Cảnh cũng nhờ bạn bè khắp nơi tìm xin con nuôi giúp.
Anh có người bạn công tác ở Bệnh viện Thanh Nhàn nên anh nhờ bạn nếu có ai sinh con không nuôi thì cho anh nuôi. Phải mất mấy năm, bạn anh mới tìm cho anh được đứa trẻ phù hợp với hoàn cảnh của anh. Ngay trong đêm hôm đó, vợ chồng anh Cảnh thuê xe ô tô lên Hà Nội gặp bạn.
Người phụ nữ sau khi sinh con ở Bệnh viện Thanh Nhàn không có chồng nên muốn cho đứa trẻ làm con nuôi. Vì muốn tìm cho con một chỗ tử tế nên người mẹ này cũng tìm hiểu gia cảnh của chị Hoa rất kỹ. Vợ chồng chị Hoa đón nhận đứa con từ tay người mẹ của chúng mà tay run lên, trái tim như muốn ngừng thở.
Sống ở đời gần 40 năm, đây là lần đầu tiên chị Hoa được bế đứa trẻ còn đỏ hỏn là con của chị sau này. Buổi trưa hôm đó, sau khi làm thủ tục xong, hai vợ chồng chị Hoa đón đứa con gái của mình giữa mùa hoa bằng lăng nở. Mẹ của đứa trẻ chỉ có một mong ước là đặt tên bé là Bằng Lăng. Anh Cảnh về nhà đặt tên con là Vũ Nguyễn Bằng Lăng là họ của anh và chị Hoa ghép lại.
Có con, trong nhà anh chị thêm nhiều tiếng cười. Anh Cảnh tính sẽ xin thêm một bé trai để trong nhà có nếp có tẻ. Anh lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương đặt vấn đề. Đến tháng 9/2013, một cô sinh viên sinh con xong nhưng không nuôi được đã cho anh Cảnh về nuôi.
Vậy là đến nay, anh chị có hai đứa con kháu khỉnh. Con trai được anh đặt tên Vũ Nguyễn Hữu Cường. Cả hai đứa trẻ đều không phải là con ruột của anh, nhưng anh chị nuôi con bằng thứ tình yêu cháy bỏng mà gần 20 năm qua anh chị đã dồn nén lại.
Đến bây giờ, chị Hoa mới thở phào nhẹ nhõm và quên đi những ám ảnh về căn bệnh của vợ chồng mình. Chị kể: “Có con vui hơn nên bệnh cũng phát triển chậm hơn. Ngày trước, tháng nào cũng đi thông tiểu còn bây giờ 3, 4 tháng anh chị mới phải đi một lần”.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

Bình luận(0)