Chồng về hưu “bám váy” như con mọn

Google News

Hồi trước, bà Long cứ mong mãi ngày chồng về hưu, giờ ông về rồi thì bà lại phát chán vì ông bám bà còn hơn mấy đứa cháu nội.

Có thêm cái đuôi khi chồng về hưu
Sáng chủ nhật, bà Long (57 tuổi, sống ở Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) đang đứng nói chuyện với mấy người quen mà bà gặp trong lúc xách làn đi chợ thì điện thoại di động trong túi áo động đậy. “Lại con mọn gọi rồi đây”, bà nói như thanh minh với mấy người bạn rồi bấm nghe. “Tôi đi chợ chứ đi đâu. Xôi chả tôi mua rồi đấy, ông ăn đi, mua đồ xong tôi về”.
Mấy bà bạn cười cười: “Sướng nhé, già rồi mà chồng vẫn yêu đương quấn quýt không rời nửa bước. Thôi về đi kẻo ông ấy nhớ phát cuồng lên bây giờ”. Bà Long bảo: “Yêu đương cái gì, ông ấy dựa dẫm vào tôi như đứa trẻ con, thôi kệ để tự lập một buổi sáng cho quen”. Đứng nói chuyện thêm một lúc, bà sốt ruột, nên khi cái điện thoại kêu một lần nữa, bà mặc kệ không nghe mà chào bạn, tất tả xách làn về.
Về đến nhà, thấy ông chồng mặt dài như cái bơm, ngồi chống tay lên cằm trước bàn, mắt nhìn ra cổng ngóng. Thấy vợ, mắt ông sáng lên, hỏi bà đi đâu mà lâu thế. Bà hỏi ăn chưa, ông nói nào có ai lấy cho mà ăn, chả thấy xôi đâu cả.
Bà điên tiết, vì xôi bà để ngay trên bàn: “Tôi phải hầu tận miệng thì ông mới ăn cho phải không? Tôi đi cả ngày thì ông nhịn cả ngày hả?”. Rồi bà lại thở dài vì mủi lòng khi ông tiu nghỉu nói: “Thì nhịn chứ sao, ăn một mình đau tức, nuốt làm sao được. Giờ tôi chỉ có bà, không chờ bà thì chờ ai”.
Ảnh minh họa. 
Ai mà biết ông Long hồi trước lúc về hưu, hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy ông bây giờ. Hồi trước ông bận rộn, uy quyền, tuy luôn tốt với vợ con nhưng cũng oai vệ, độc đoán lắm, đặc biệt lúc nào cũng bận. Nhưng từ một năm trước lúc về hưu, ông đã thay đổi, hay dành thời gian cho gia đình hơn và thường tâm sự với vợ: “Rốt cục, chỉ có bà là chân thành, thủy chung như nhất với tôi thôi”.
Lúc đó, bà rất cảm động. Bà biết ông bắt đầu cảm thấy hụt hẫng khi thời của mình đã qua đi, bắt đầu ngấm cái lạnh lẽo của kẻ chuẩn bị về vườn. Bà chăm sóc ông chu đáo hơn, quan tâm từng ly từng tí cả về vật chất lẫn tinh thần, mong ông vượt qua giai đoạn khủng hoảng để thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng có vẻ bà càng quan tâm, o bế, ông càng bị lệ thuộc vào bà, coi bà là chỗ dựa, rồi chẳng chịu rời bà một bước.
Thành ra, vừa rảnh rang được một chút vì hai đứa cháu nội đã vào trường cấp một, bà lại như có thêm một đứa con mọn, không đi đâu ra khỏi nhà mà yên tâm được, vì kiểu gì ông cũng gọi bà về. Bà Long muốn chồng cùng mình ra ngoài vui chơi, giao tiếp, nhưng thay cho sở thích bay nhảy, đàn đúm trước đây, giờ ông chẳng thích gặp người ngoài, nên cứ túm lấy vợ mà quấy rầy, khiến bà phát chán.
Thói làm mình làm mẩy của sếp về hưu
Về hưu, đó là bước chuyển tất yếu của hầu hết người lao động khi đến tuổi. Nhưng với những người từng có chút chức tước, về hưu là điều không được mong đợi và họ khó chấp nhận, khó làm quen với nó hơn, bởi không dễ quen với vị trí một người bình thường, không còn được coi là quan trọng đặc biệt, được kính sợ, lấy lòng, răm rắp nghe lệnh như trước.
Biểu hiện của sự hụt hẫng ở những sếp về hưu khá đa dạng. Không ít người cố gắng giấu sự thất vọng, buồn bã, tủi thân của mình bằng sự trái tính trái nết mà người “lãnh đủ” không ai khác ngoài vợ con. Ở mức độ nhẹ nhàng thì cũng như ông Huynh, suốt ngày làm người nhà điếc tai vì những lời thuyết giảng chua chát về nhân tình thế thái.
Hồi đầu, cả vợ lẫn con đều tâm đắc khi ông nói về sự đời, lúc lên xe xuống ngựa thì thiên hạ như ruồi bâu lấy ông, xun xoe, nịnh bợ, giờ “hết quan hoàn dân” thì tịnh không một bóng, tình cờ gặp “lĩnh cũ” có khi người ta còn giả tảng không thấy để khỏi phải chào…
Nhưng dần dần, cả nhà đều phát chán khi ông cứ lặp đi lặp lại mãi chuyện đó với giọng mỗi ngày một cay cú hơn, rằng cái tên cấp dưới, hồi trước được ông nâng đỡ là thế, giờ cũng mất mặt, ông gọi điện còn chẳng thèm nghe. “Chuyện thường mà bố. Bố cứ nghĩ mãi cái đó làm gì cho nó mệt ra, giờ hưu rồi thì cứ nghỉ ngơi thôi”, có lần con trai ông gắt.
Ông Khuynh im, nhưng rồi lúc khác lại tua cái điệp khúc về “tấn trò đời”, vợ con thì hễ thấy ông “mở máy” là lảng ra. Họ thấy ớn vì ông cứ thích “ăn mày dĩ vãng” mãi, tay đành phải buông mà tâm không chịu buông, nên lẽ ra được nghỉ ngơi thì ông lại coi đó là sự thất thế. “Rõ tội”, cô con dâu thường chép miệng một cách vừa ngán ngẩm vừa thương cảm như vậy.
Sự “khó ở” của ông Vinh, cũng từng là sếp, khi về hưu còn khó chịu hơn nhiều. Trước, ông rất “hách” với cấp dưới nhưng độ lượng với vợ con, chắc cũng vì áy náy rằng mình không dành được mấy thời gian cho gia đình. Thế nhưng khi về hưu, ông lại trở thành một bậc gia trưởng hắc xì dầu đến vô lý. Chuyện gì ông cũng chê bai, góp ý, và nếu không theo ý ông thì om sòm cả nhà.
“A, giờ tao về vườn rồi nên chúng mày khinh nhờn với tao, không coi tao ra gì nữa phải không?”, ông thường quát lên như thế mỗi khi có người phản đối hay chậm thực thi ý muốn của mình. Nhờ lấy cái tăm mà vợ chưa kịp đưa, ông cầm cái bát ném ngay vào tường mà cảnh báo rằng, đừng vì ông về hưu mà nghĩ uy danh của ông không còn nữa.
“Ngày xưa tôi đưa về cho bà hết cọc tiền này đến cọc tiền khác, bà cuống quýt săn đón tôi lắm mà. Giờ tôi không phải là máy in tiền nữa nên bà lờ tôi đi hả?”, ông đay nghiến.
Cả đời ông Vinh bận bịu, chẳng động đến việc gì trong nhà nên cứ như người ngoài hành tinh, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào vợ con, muốn dùng cái gì cũng không thể tự tìm hay tự làm mà phải gọi người khác, vì ông mó tay vào là kiểu gì cũng hỏng.
Có lần ở nhà một mình, đói bụng, ông thử đi ốp quả trứng để ăn, bật bếp kiểu gì mà lửa không cháy nhưng nhà đầy mùi ga, nếu bà vợ không kịp về thì nguy. Bởi ông là “người nhà giời” như thế, đến máy giặt không biết bấm, lò vi sóng không biết vặn, người nhà dù bận mấy cũng không bao giờ dám nhờ ông. Thế là ông dỗi, bảo họ coi ông như người thừa. Nhưng nếu họ nhờ mà ông làm không được, ông lại quát ầm lên rằng họ coi ông là đứa để sai vặt, vì ông không còn làm quan…
Mọi người trong gia đình hết sức thông cảm. Họ hết sức nương nhẹ, nhường nhịn, tránh va chạm với ông... vì hiểu rằng, ông có tâm trạng. Thế nhưng dần dần họ cũng mệt mỏi, vì ông cứ giữ mãi cái tâm trạng đó mà chẳng đếm xỉa gì đến tâm trạng của mọi người. Đành rằng ông đã quen làm người quan trọng, nên cũng chỉ coi những nỗi niềm của mình là quan trọng, nhưng nếu cũng biết nhận ra tầm quan trọng của người khác, chắc rằng những khủng hoảng tuổi về hưu sẽ qua nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn...
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)