Nhìn anh tỉ mỉ trộn tô bả mồi cho cá, chị nghe nỗi giận gặm nhấm hết tim gan. Nào phô mai, sữa chua, bánh bông lan, trứng gà, sữa bột, còn thêm mớ thức ăn hỗn hợp... anh trộn trộn, nhào nhào, vò vò, nặn nặn... trong điệu bộ rất trân trọng. Thỉnh thoảng anh còn huýt sáo ra chiều ưng ý lắm. Chị hờn: “Mấy con cá nào đó thật có phước. Chưa khi nào em được ăn như tụi nó!”. “Đây là đồ làm nhé! Em muốn ăn thì... tự mua mà ăn. Đừng so bì với mấy con cá. Người gì mà...”. Anh xách túi “đồ nghề” vọt lên xe. Chị gọi vói theo giọng hờn dỗi: “Đi luôn đi!”.
Chị phân bua với tôi, rằng mấy từ cuối của câu anh nói, xuất phát từ việc chị hay cằn nhằn vì lo cho sức khỏe của chồng. Công việc của anh phải làm ca ba, 6h ra ca, 21h vào ca. “Một đêm thức bằng ba đêm ngủ” vậy mà ra ca thì anh không chịu ngủ bù để đảm bảo sức khỏe. Tôi bảo “Ảnh mê nuôi cá là quý rồi, một thú vui lành mạnh. Chứ nếu mê cái khác là mệt đó chị!”. “Ảnh dám mê cái khác à? Bao nhiêu tiền tôi giữ hết, lấy gì ho he”.
|
Ảnh minh họa. |
Rồi chị huyên thuyên truyền bài học kinh nghiệm “quản” chồng, rằng với đàn ông có tiền trong túi là sẽ “hư” ngay, nhưng bộ óc đàn ông cũng linh hoạt chán trong việc đưa tiền cho vợ. Để siết chồng “không còn một xu dính túi”, ngoài các chi tiêu cố định trong tháng ra, người vợ phải biết “thư mục ẩn” của chồng để còn ỏn ẻn anh à anh ơi tháng này biếu quà cô giáo của con gái lớn, tháng sau tăng chút ít cho gia sư của con trai nhỏ. Tháng kế bên nội có tiệc mừng, tháng sau nữa bên ngoại có lễ lạt, rồi vài đứa bạn thời cởi truồng tắm mưa của em mời đám thôi nôi, đầy tháng... Đó là cách “quản chồng” lặng lẽ nhưng hữu hiệu nhất mà không một ông chồng nào có thể phản đối.
Mười hai năm chung sống, nhà cửa tinh tươm, con cái học trường “điểm”, vợ có tiệm làm tóc khá lớn tại nhà. Đó là công sức của anh. Và ngần ấy thời gian, chồng chị chưa “hư” lần nào, nhưng ai biết được khi mọi thứ đủ đầy thì người ta không còn lý do để phấn đấu nữa, mà cho phép mình được... hưởng thụ thì sao? Để khỏi phải xử lý hậu quả, tốt hơn hết là biết “phòng ngừa”. Từ nhà tới chỗ làm 15km, xăng chị đổ sẵn, thức ăn sáng cũng mua sẵn cho anh, thẻ ATM của anh chị giữ. Mỗi sáng đưa anh 20.000đ “dằn túi”, ngay cả điện thoại của anh, chị cũng tự tay mua thẻ về nạp cho. Chị bảo, đó là cách “quản” chồng an toàn nhất!
Thời gian gần đây, sáng ra ca anh không về ngủ mà tập tọng làm mồi câu cá. Công bằng mà nói, anh cũng là tay “sát cá” rất dữ. Mới ngày đầu đi câu đã mang về bốn con mè hoa, mỗi con hai ký. Tuần anh đi câu ba, bốn lần.
Vậy mà đêm qua chị gọi điện cho tôi tầm gần mười một giờ, nói hôm nay anh đi đâu mất biệt. Không lẽ đi theo “con cá nào” rồi? Công ty điện về hỏi, chị mới tá hỏa. Tôi lo ngại nạn đuối nước, bởi mấy ông nhậu sần sần hay muốn thi thố tài bơi lội. Chị bảo anh không biết nhậu, còn bơi thì hồi còn đi học anh vốn là một “kình ngư”.
Mọi người nháo nhác suy đoán bởi điện thoại anh không liên lạc được. Mà buồn thay, chị toàn suy đoán về chồng theo chiều hướng... tiêu cực. Bỗng chị nhận được điện thoại bảo phải vào bệnh viện X. gấp vì chồng chị đang ở đó.
Bác sĩ chẩn đoán, anh ngất do thiếu sức khỏe, lại dang nắng cả ngày. Lúc đưa vào bệnh viện đã bảy giờ tối, nhưng qua siêu âm thấy bao tử anh rỗng không! Bác sĩ bảo anh có dấu hiệu bị căng thẳng thần kinh. Chị khóc, nói không ngờ mình “tính già hóa non”, muốn “quản” chồng chặt để bảo vệ hạnh phúc gia đình, ai dè để anh ra nông nỗi.