Có lẽ với em đó là một thành tích lớn. Anh cũng không phủ nhận những cố gắng của em để thay đổi những nếp sống tồn tại trong gia đình anh bấy lâu mà có lúc anh cũng cảm thấy nặng nề, phiền phức. Nhưng em biết không, đằng sau những sự thay đổi ấy có những điều khiến cho bố mẹ và cả anh tâm tư.
Trước đây, cứ cuối tuần, cả nhà lại cùng nhau ăn sáng rồi uống trà. Có lúc anh đang vùi mình trong chăn cũng bị bố mẹ “hò” dậy chỉ là để cho đông đủ. Cũng có lúc bực cáu, nhưng cứ nghĩ về những giây phút cả gia đình quây quần bên bàn ăn anh lại thấy ấm lòng. Từ ngày em về nhà mình không còn cái lệ ăn sáng cuối tuần cùng nhau nữa.
- Bố mẹ trông cháu vất vả cả tuần, bọn con đi làm cũng “đói” ngủ, ngày nghỉ cứ để mọi người thoải mái, mẹ ạ.
|
Ảnh minh họa. |
Mẹ có chút ngần ngừ nhưng rồi cũng gật đầu đồng ý với em. Không có bữa sáng cuối tuần cùng nhau, dần dần, ai nấy tùy nghi di tản. Bố đi tập thể dục rồi ăn sáng cùng mấy ông bạn già, mẹ thì tiện gì ăn nấy, khi thì bát cơm nguội, lúc thì gói xôi hay bát mì tôm. Vợ chồng mình sáng ra mỗi đứa một đường. Em thấy vui vì đã “giải phóng” mọi người khỏi những buổi sáng bận rộn, còn anh có lúc dắt xe ra khỏi nhà với chiếc bụng trống rỗng, lòng cũng có chút chống chếnh.
Một ngày, anh đưa bố mẹ về quê thăm họ hàng. Lúc lên mọi người đều ngỡ ngàng vì thấy nhà mình rực một màu đỏ. Rèm cửa từ phòng khách đến phòng ngủ đều được em thay mới. Em nhìn bố mẹ hồ hởi: “Cái màu xanh nhạt đó trông lạnh lẽo quá, con thay màu đỏ cho ấm cúng”. Không muốn em mất vui nên trước mặt em, bố mẹ cũng ngắm rồi khen, nhưng khi nhìn bộ rèm cửa quen thuộc bấy lâu giờ bị xếp vào một góc, mẹ lặng buồn. Bộ rèm cửa đó chính tay mẹ tự chọn vải vì đó là gam màu mà cả bố và mẹ đều thích. Rèm cửa, sơn tường rồi đến bàn ăn dần dần đều được thay mới theo ý thích của em. Em bảo dùng đũa inox vừa sạch vừa sang, nhưng em đâu biết mỗi lần gắp thì trượt bên nọ bên kia, nhất là bố mẹ đã có tuổi. Mấy lần anh nhắc em chuyển sang dùng đũa gỗ hay đũa tre, em đều lắc đầu quầy quậy.
Thường thì cứ mỗi dịp Tết đến, nhà mình tự gói và nấu bánh chưng. Cũng chẳng nhiều nhưng bố mẹ muốn có được không khí Tết như một chút hoài niệm về quê hương. Những lọ hành, mẻ mứt tự tay mẹ đi mua nguyên liệu rồi tẩm ướp, chế biến với niềm say mê rộn ràng. Cứ mỗi lần nhìn những “sản phẩm” mẹ bày trên giá bếp là thấy không khí Tết rồi. Nhưng từ ngày có em về, tất cả đều đặt sẵn, kể cả con gà cúng giao thừa.
Biết là em nghĩ cho bố mẹ nhưng thật ra có những nỗi niềm đằng sau sự rỗi rãi và nhàn hạ đó. Hôm rồi anh vô tình nghe mẹ nói chuyện với bác dưới quê, giọng buồn buồn: “Trước đây, tầm này là tôi lại chuẩn bị sắm Tết rồi đấy, từ ngày có dâu về, tôi cũng rảnh tay rảnh chân. Nhưng thú thật nhiều lúc thèm cái cảm giác được ngồi canh nồi bánh chưng hay muối lọ hành lắm chứ!”.
Em ạ, biết là em muốn thay đổi mọi thứ chỉ để tốt hơn cho gia đình, nhưng trong nhà mỗi người một tính cách và sở thích khác nhau. Sống cùng bố mẹ, những người không cùng thế hệ, mình cần phải ý tứ hơn.
Dù bố mẹ chưa một lần ca thán hay chỉ trích em nhưng “nhập gia tùy tục”. Vì thế, trước khi muốn thay đổi một điều gì đó, em hãy quan tâm hơn đến cảm nhận của những người xung quanh. Đừng để bố mẹ và cả anh nữa phải tâm tư vì những điều không đáng có em nhé.