Khi nàng dâu "sống chết gì cũng ở đây!"
Bước vào văn phòng tư vấn tình yêu hôn nhân, anh Nguyễn Văn M. (P.10, Q.10) thú thật: “Sống với vợ bảy năm nay, tôi bị vợ đánh không dưới mười lần”. Chuyện đàn ông bị vợ đánh không hiếm, nhưng dù có vóc người to cao, vạm vỡ, anh M. cũng chẳng tránh được đòn vợ. Vấn đề của anh không phải là cân nhắc việc ly hôn, mà anh đang rối bời trước mối quan hệ tệ hại giữa cha mẹ mình và cô vợ kém “công dung ngôn hạnh”.
Sau nhiều năm làm dâu, chị Trần Thị H., vợ anh M. ngày càng mất điểm trong mắt nhà chồng. Nguyên nhân trước đây do chị H. không đi thưa về trình, lời ăn tiếng nói khó nghe, đố kỵ, tỵ nạnh việc nhà với chị em bạn dâu… Giờ, vì ghen anh M. dan díu với một cô gái, chị H. càng không giữ ý tứ. Nhiều lúc vợ chồng cãi vã, mắng nhiếc nhau, chị nói những lời phạm thượng, đụng chạm dòng họ nhà chồng. Những khi cha mẹ chồng mời nói chuyện, chỉnh đốn, chị H. có thái độ thiếu lễ phép, bất hợp tác và cho rằng cha mẹ chồng bênh con trai.
Giữa tháng 7/2013, giọt nước tràn ly, trong một lần xảy ra xích mích giữa chị H. với chị bạn dâu, cha chồng đứng ra dàn xếp. Chị H. cãi, cha chồng tức giận ném đồ đạc, vô tình trúng vai của chị H. Không chịu bỏ qua, chị H. trình báo công an phường. Công an chỉ hòa giải, nhắc nhở, không lập biên bản vì nạn nhân không có thương tích gì. Tuy nhiên, vì bị bẽ mặt, cha anh M. càng ghét con dâu. Quá giận, ông làm áp lực buộc anh M. phải ly hôn: “Mày ở với nó nữa là tao từ mày. Hai vợ chồng cuốn gói ra khỏi nhà tao. Nếu mày nghe lời tao thì được ở lại. Còn con H. phải cút đi, tao không chứa trong nhà tao nữa”.
Trong khi cha chồng cương quyết đuổi thì nàng dâu cương quyết nằm vạ. Để vợ rút êm xuôi khỏi nhà cha mẹ, anh M. đề nghị vợ về tạm nhà mẹ ruột ở rồi từ từ tính hoặc ra ngoài thuê trọ. Chị H. tuyên bố xanh dờn: “Không phải muốn đuổi là đuổi. Sống chết gì tui cũng ở đây, thử coi ai làm gì được tui!”. Đất không chịu trời, trời cũng không chịu đất, bị kẹt ở giữa, anh M. khổ sở vì lâm vào tình thế khó xử. Anh M. đã trình báo sự việc với tư pháp phường và nhờ hòa giải. Giải pháp bàn tròn hòa giải cũng tắc tị vì chị H. không hợp tác. Vì hết yêu vợ cộng với áp lực từ cha, anh M. quyết định nộp đơn ly hôn để chị H. không còn cớ ở lỳ.
Không thể bị thảy ra giữa dòng
Làm nghề bán rau cải, thu nhập thấp nên ước mơ hoài mà vợ chồng chị Lê Thị A. D. (xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) vẫn chưa có nhà riêng. Nhà cha mẹ chồng của chị D. rộng nhưng cơ hội an cư của chị lại hẹp, vì cha mẹ chồng không thích con dâu. Năm 2011, sau sáu năm chung sống, cha mẹ chồng nhiều lần đề nghị chị D. dọn ra khỏi nhà. Không có chỗ ở, không có tiền tích lũy, chị D. cứ hứa đại cho qua chuyện. Thấy chị khổ sở, có người mách: “Chị đừng đi mà thiệt thòi. Chị được mâm quả trầu cau xin cưới chứ chẳng phải theo không, giờ không thể bị thảy ra giữa dòng với hai bàn tay trắng. Chị đã sinh cho nhà họ hai thằng con trai nên chị không việc gì phải đi. Nhà chồng là nhà chị, chị cũng có phần trong đó”.
Học ít, nghe người ta nói vào, chị D. đinh ninh cha mẹ chồng không có quyền đuổi con dâu. Thậm chí, con dâu có thể kiện việc bị cha mẹ chồng ngược đãi. Sự chán chường khiến chị có những thái độ ngang ngược, bất cần, mối quan hệ với nhà chồng vốn căng thẳng nay càng trầm trọng hơn. Sau nhiều lần bị hắt hủi, chị D. thổ lộ chuyện mình với chị Phạm Thị Thanh Thủy (Chủ tịch Hội LHPN xã Bà Điểm). Chị Thủy hỏi nguyên nhân “vì sao cha mẹ chồng ghét?”, chị D. lắc đầu không rõ: “Tôi đi bán suốt ngày, có đá động gì đến ông bà đâu, ông bà cũng đâu la mắng, chê trách gì tôi. Không hiểu sao cứ ghét, không muốn gặp mặt tôi”. Vấn đề là chị D. không soi lại mình để thay đổi, làm đẹp ý cha mẹ chồng. Ông bà chẳng phải hẹp lượng, chỉ vì trái ngược nếp ăn nếp ở, phiền phức, mất lòng. Không hợp tính ý, mâu thuẫn tích tụ, dồn nén khiến cuộc sống chung chỉ gò bó, ngột ngạt, nặng nề.
Với chị D., chị Thủy tư vấn kỹ năng sống chung: “Là con dâu, lại ở nhờ nhà cha mẹ chồng, chị nên nhập gia tùy tục. Phải hỏi ý cha mẹ chồng, lắng nghe và điều chỉnh cho hòa hợp. Là người một nhà mà lại không nói, không nghe, không ưa và cuối cùng là không muốn đội… nhà chung. Làm cho người ta thương, mở lòng thì mọi chuyện đều dễ. Chị có thể xin dọn ra sống bên phía chái của nhà cha mẹ chồng, làm riêng, ăn riêng, khi có việc thì trợ giúp, đỡ đần cho ông bà”.
Hai năm nay, từ “thiết kế” không gian riêng trong chung mà chị Thanh Thủy tư vấn chị D. sống yên ổn ở một góc nhỏ trong nhà cha mẹ chồng, nhờ thế mà tình cảm cha mẹ chồng - con dâu vượt qua được cơn nguy kịch.
Chị H. đến cư trú tại nhà cha mẹ chồng do được sự đồng ý của cha mẹ chồng - là chủ sở hữu căn nhà, dù chị H. có đăng ký thường trú (có tên trong hộ khẩu) hay tạm trú tại địa chỉ nhà chồng thì chị H. cũng chỉ là người ở nhờ, vì theo quy định của pháp luật, nơi cư trú có thể là nơi thường trú hoặc tạm trú và chỗ ở có thể là nơi thuộc sở hữu của người đó hoặc người đó được chủ sở hữu cho ở nhờ; sổ hộ khẩu chỉ có giá trị chứng minh nơi cư trú (theo điều 12, điều 24 Luật cư trú và điều 4 Luật Nhà ở). Thực tế, rất nhiều người vì được cho ở nhờ, có tên trong sổ hộ khẩu đã nhầm tưởng mình là chủ sở hữu nhà hay đồng sở hữu nhà và có quyền ở hoài trong nhà đó không chịu trả lại nhà cho chủ sở hữu.
Theo điều 21 Luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà ở có quyền chiếm hữu, sử dụng nhà ở, cho mượn, cho ở nhờ, khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của mình,… Theo điều 255 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật. Do đó, cha mẹ chồng chị H. có quyền không cho chị H. tiếp tục ở trong căn nhà. Để thực hiện quyền này, cha mẹ chồng chị H. có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Khi giải quyết vụ án, tòa án sẽ xem xét thời hạn lưu cư của chị H. trong căn nhà cha mẹ chồng. Do anh M. không phải là chủ sở hữu nhà hay đồng sở hữu nhà với cha mẹ nên anh M. không có quyền và nghĩa vụ giải quyết cho chị H. lưu cư khi ly hôn.
Cần nói thêm, việc ly hôn là mối quan hệ giữa anh M. và chị H.; việc cho ở nhờ là mối quan hệ giữa cha mẹ chồng chị H. và chị H. Hai mối quan hệ này riêng biệt nhau. Về mặt luật pháp, cha mẹ chồng chị H. không có quyền làm áp lực buộc anh M. và chị H. ly hôn; cha mẹ chồng chị H. không có nghĩa vụ phải cho vợ chồng chị H. cư trú vô thời hạn trong căn nhà.
Luật sư Đinh Bá Trung (Công ty Luật TNHH Tín Nhiệm, TP.HCM)
CHỦ NHÀ CÓ QUYỀN “TIỄN” NGƯỜI Ở NHỜ RA KHỎI NHÀ