Ngày 26/9, Công an TPHCM đang tạm giữ hình sự Nguyễn Thái Lực (20 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai, trú quận Thủ Đức) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
|
Nguyễn Thái Lực tại cơ quan công an. |
Nguyễn Thái Lực chính là em trai của Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty Alibaba). Hai anh em Luyện, Lĩnh bị khởi tố bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trước đó diễn ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba với khoảng 6.700 khách hàng với số tiền khoảng 2.500 tỷ đồng.
Qua điều tra, công an xác định Lực là 1 trong số các cổ đông lớn của công ty Alibaba. Lĩnh là giám đốc của 1 số công ty con của Công ty Alibaba như: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh có trụ sở tại xã Châu Pha, TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali có trụ sở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Công an xác định Lực đã cùng 2 anh em là Lĩnh, Luyện để cùng lừa đảo với khách hàng chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Luyện chỉ đạo Lực lập những công ty rồi thu mua đất nông nghiệp. Tiếp đó, cả 3 anh em Luyện và bộ sậu tự vẽ ra những dự án “ma” bán cho khách. Công an xác định Lực đứng tên nhiều lô đất hay còn gọi là dự án “ma” của công ty Alibaba.
|
Luyện cùng em trai Lĩnh bị khởi tố bắt giam trước đó. |
Trong số những lô đất mà Lực đứng tên có dự án mà chính quyền xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu cưỡng chế vào tháng 6/2019. Trong vụ này, nhóm nhân viên của Công ty Alibaba đã chống trả đoàn cưỡng chế. Sau đó, phía cơ quan chức năng đã khởi tố bắt tạm giam 1 số nhân viên về hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Hiện công an đã triệu tập thêm bà Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện , Giám đốc phụ trách tài chính của công ty Alibaba) để điều tra làm rõ vụ án.
Như đã thông tin, Nguyễn Thái Luyện với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu đã chỉ đạo và cùng Nguyễn Thái Lĩnh (em trai) thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha.
Sau đó phần đất này bọn chúng giao cho người thân đứng tên và tự vẽ ra 43 "dự án" không có thật tại một số tỉnh phía Nam gồm: Đồng Nai: 29 "dự án"; Bà Rịa – Vũng Tàu: 13 "dự án" và Bình Thuận: 2 "dự án", chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… rồi tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để lừa bán cho các khách hàng.
Tính đến ngày 30/6, Công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng thu được 2.500 tỷ đồng.
Qua điều tra xác định các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án "ma" làm mồi nhử).
Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh xác định tất cả các "dự án" do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như các đối tượng quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).
Tính đến hết ngày 25/9, Công an TPHCM, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận đơn của gần 1300 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng.