Dựa trên các nội dung làm việc của Tổ công tác (gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan; các Hiệp hội; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nội địa lớn), Bộ Công thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về thực hiện chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam.
Trong đó, đáng chú ý là thông tin thị trường ôtô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ trung bình đạt 20 - 30%/năm. Đây là cơ sở để Tổ công tác và Bộ Công thương nhận định đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
|
Thị trường ôtô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng ổn định. |
Không chỉ dừng ở dòng xe con, Bộ Công thương cho hay, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014 là 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014.
Một số loại xe ôtô sản xuất tại Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ… Theo Tổ công tác, tiềm năng phát triển công nghiệp ôtô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1000 dân. Tại Việt Nam, xu thế ôtô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.
|
Sản lượng và lượng ôtô tiêu thụ nội địa của các nước ASEAN.
|
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Theo tính toán, đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe. Năm 2025, dự kiến đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô trong nước sẽ gặp phải khó khăn khi hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (AFTA) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2018, các sản phẩm ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ ASEAN vào Việt Nam do có thuế bằng 0% nên giá cả rất cạnh tranh.
|
Năm 2020 nhu cầu thị trường ôtô trong nước dự kiến sẽ đạt khoảng 450 đến 500 nghìn xe. |
Điều này dẫn tới nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường để các quốc gia khác trong cùng khu vực có nền công nghiệp ôtô phát triển hơn như: Thái Lan, Indonesia khai thác.
Dự báo, nhu cầu ôtô của Việt Nam năm 2025 theo phương án trung bình đạt khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe. Vì vậy, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước thì toàn bộ thị trường xe con sẽ là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, còn 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%. Kịch bản này xảy ra, kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.
Tính đến hết năm 2016, trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, trong đó có 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%.
Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino), đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.
Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu.