Tổ chức hẳn một hội thảo mang tên "Hệ lụy của loại hình Uber Taxi, Grab Taxi và các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững" vừa diễn ra sáng nay. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho biết ông từng đi thử Grab Taxi mấy lần, và thấy mức giá 6.000 đồng/km là "rẻ đến giật mình".
Tuy nhiên, theo ông Bùi Danh Liên hiện nay taxi Uber và Grab sử dụng xe không biển hiệu, logo, tem mào. Điều này trái với các quy định về vận chuyển hành khách công cộng, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong điều hành và điều tiết giao thông. Chưa kể, việc taxi Uber và Grab tự đặt ra giá vận chuyển và không có sự quản lý của Nhà nước, thậm chí có thể tăng giá tùy từng thời điểm, không phù hợp với Luật giá và không đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Chính vì thế, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền tạm dừng hoạt động phương tiện không phù hiệu, không tem mào của taxi Uber và Grab tại Việt Nam trong thời gian chờ ban hành văn bản pháp luật quy định.
Đại diện hãng taxi Ba Sao tại Hà Nội cũng đăng đàn chỉ ra những "mối nguy" từ taxi Uber và Grab tại Việt Nam như không đầu tư phương tiện, không bảo hiểm cho lái xe và hành khách, nhà nước thất thu thuế, thậm chí có xe vừa làm Grab, vừa chạy Uber không thể kiểm soát nổi.
Dẫn ra câu chuyện hãng taxi Tiên Sa tại Đà Nẵng vừa tuyên bố ngừng hợp tác với Grab Taxi trong mô hình “đưa khách say rượu bia về nhà miễn phí", ông Bùi Danh Liên cho rằng taxi ảo sẽ là hệ lụy lâu dài, là nỗi lo thật của cả người quản lý lẫn khách hàng.
Mặc dù quyết liệt phản đối loại hình dịch vụ vận tải mới này nhưng dường như các hiệp hội đều phải thừa nhận thực tế là Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động vận tải tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong 2 năm tới theo mô hình Grabcar.
Nếu như thế, loại dịch vụ này sẽ không còn là “trá hình” mà đã được phép hoạt động dù là thí điểm. Sau 2 năm thí điểm, nếu loại hình Grabcar chứng minh được những ưu việt và được triển khai đại trà thì nó sẽ chuyển kinh doanh taxi theo một hướng khác và các hãng taxi truyền thống phải đối mặt nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi.
Các chuyên gia cho rằng, việc các hiệp hội này quyết đấu với các hãng kinh doanh dịch vụ kết nối Taxi như Uber, GrabTaxi là một phản ứng tự nhiên trước mối lo cạnh tranh, “mất dần thị phần”. Thực tế cũng chứng minh áp lực cạnh tranh đang khiến chính các nhà cung cấp dịch vụ phải thay đổi và sự thay đổi đó mang lại sự hài lòng của khách hàng. Khi khách hàng hài lòng là thị phần sẽ có.
Điển hình cho sự thay đổi là Vinasun Group - hãng taxi truyền thống có thị phần lớn nhất TP. Hồ Chí Minh. Vinasun Group đã bắt tay đầu tư phát triển phần mềm Vinasun App tương tự GrabTaxi, Uber và đã áp dụng tại một số tỉnh phía Nam.
Hay như để không phải bỏ chi phí phát triển phần mềm, một số công ty taxi như Vạn Xuân, Thành Lợi, Bắc Á … đã chọn liên kết với các “chủ chợ” GrabTaxi, Uber, nhằm sử dụng song song hai kênh kết nối với khách hàng: tổng đài điện thoại truyền thống và phần mềm GrabTaxi, Uber.
Trong văn bản gần nhất gửi Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng ngày 5/11/2015, Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh đề nghị cấm các công ty: Uber, GrabTaxi hoạt động tại Việt Nam vì “kinh doanh vận tải taxi trá hình”. Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, loại hình “taxi trá hình”này dễ bị bọn tội phạm lợi dụng, đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng, tài sản của hành khách… |