Lộ trình bắt buộc lắp thiết bị Giám sát hành trình (GSHT) đã được Bộ GTVT áp dụng từ 1/7/2013 và đến nay chỉ còn lại hai thời điểm là 1/1/2016 và 1/7/2016 sẽ hoàn tất. Khối lượng công việc của nhà quản lý, đơn vị cung cấp GSHT và đối tượng sử dụng là doanh nghiệp vận tải (DNVT) gần như đã “lên khuôn” với hệ thống dữ liệu của Trung tâm dữ liệu (TTDL) tại các Sở GTVT, nhà cung cấp, doanh nghiệp hoàn tất đấu nối.
Tổng hợp từ mới nhất báo cáo gửi về Bộ GTVT theo yêu cầu trước đó từ các sở GTVT, đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, DNVT đã cho thấy sự thiết thực của thiết bị này trong đời sống giao thông Việt Nam.
|
Kiểm tra thiết bị GSHT gắn trên xe khách |
Ở vai trò nhà quản lý, thông qua dữ liệu giám sát hành trình, cơ quan quản lý nhà nước (Sở, Bộ) có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh về tình hình hoạt động giao thông trên cả nước. Tình trạng xe chạy quá tốc độ, hay các điểm dừng đón tập trung gây ùn ứ được thu thập đầy đủ trên TTDL. Có thể lấy ví dụ ngay ở Hà Nội.
Từ phản ánh của người dân về vi phạm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải tại tuyến đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng, đặc biệt, qua kiểm tra thực tế và theo dõi từ hệ thống GSHT cho thấy có sự vi phạm của các đơn vị DNVT nên Sở GTVT Hà Nội đã có công văn số 2785 ngày 23/9 yêu cầu Công ty bến xe Hà Nội từ chối phục vụ các đơn vị sai phạm.
Không chỉ thấy được cái lợi sâu xa từ quản lý nhà nước về trật tự giao thông mà ở ngay chính các đơn vị DNVT còn nhìn rõ lợi ích trước mắt. Thông qua dữ liệu GSHT, doanh nghiệp dễ dàng quản lý vận tải hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, tăng khả năng điều hành quản lý.
|
Một thiết bị GSHT đang bán trên thị trường |
Do GSHT không phải là công nghệ mới mẻ mà đã được áp dụng phổ biến trên thế giới nên khi đem về Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi giúp người dùng đỡ bỡ ngỡ. Bản thân các lái xe khi đã hiểu về hoạt động của hệ thống GSHT sẽ thúc đẩy nhận thức của họ về việc kiểm soát tốc độ vận hành, giảm được tình trạng chạy quá tốc độ quy định. Đơn giản vì dữ liệu được lưu trữ lâu dài nên lái xe không thể lẩn tránh (như tránh các trạm cảnh sát giao thông).
Tuy nhiên, dù được nhìn nhận có nhiều lợi ích trực diện có thể thấy ngay nhưng việc thực thi thiết bị GSHT theo kế hoạch từ 2013 đến 2016 của Bộ GTVT đến nay gần đi hết chặng đường vẫn tồn tại một số bất cập cần khắc phục sớm trước thời hạn 1/7/2016 (thời điểm gần như tất cả các phương tiện vận tải phải lắp đầy đủ thiết bị GSHT).
Trong các báo cáo mới nhất từ Tổng cục đường bộ thu thập từ các Sở GTVT, đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, DNVT gửi lên Bộ GTVT, vấn đề sử dụng và khai thác GSHT nổi bật lên các bất cập như sau:
- Sai lệch số lần quá tốc độ giữa Trung tâm dữ liệu GSHT và máy chủ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GSHT vẫn còn.
- Cơ quan quản lý nhà nước chậm công bố hoặc chậm cập nhật thông tin về thông tin, toạ độ biển báo tốc độ tới các đơn vị vận tải và doanh nghiệp cung cấp GSHT, trong khi dữ liệu ở TTDL đã có và đã áp dụng.
- Tồn tại các bất cập liên quan đến quản lý và điều hành, không thống nhất, mạnh ai người đấy làm gây chồng chéo. Đơn cử như việc có một vài cơ quan quản lý không cập nhật thông tin về các quy chuẩn về phần cứng cũng như phần mềm, nhiều tính năng của tài khoản của TTDL cho đơn vị dịch vụ GSHT còn thiếu so với các Sở nên việc đối soát dữ liệu thụ động và không kiểm tra chéo được…
- Một số đơn vị cung cấp thiết bị GSHT yếu kém về mặt kỹ thuật và dịch vụ
- Nhiều DNVT vẫn còn né tránh, thờ ơ lắp đặt GSHT hoặc không quan tâm sử dụng, cố tình gây cản trở quá trình kiểm tra dữ liệu…
Có thể thấy, thuận lợi và khó khăn trong quá trình phổ biến thiết bị GSHT trên cả nước luôn song hành. Nhưng cái đích cuối cùng mà Bộ GTVT đề ra vẫn phải đi tới theo đúng lộ trình. Vì vậy, nếu được quan tâm và xử lý hợp lý các báo cáo đã nêu, hiệu quả quản lý và bảo đảm ATGT trên cả nước thông qua GSHT sẽ ngày càng rõ ràng hơn bao giờ hết.