Việt Nam: Đối tác số 1 của Nga ở Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - Trọng tâm chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng hai bên cũng hợp tác về quân sự-kỹ thuật.

Thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Hà Nội đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đài Tiếng nói nước Nga (VOR), một trong những lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự song phương là đào tạo nhân sự cho Hải quân Việt Nam. Hiện nay, Nga đang xây dựng Trung tâm đào tạo kỹ thuật số tiên tiến nhất. Trung tâm này sẽ đào tạo thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm lớp Varshavyanka mà Việt Nam mua của Nga. Trung tâm được thiết lập ở Vịnh Cam Ranh, nơi có căn cứ của Hải quân Việt Nam. Mô phỏng tàu ngầm và thiết bị trực quan dành cho việc đào tạo thủy thủ được tái tạo một cách chính xác, cho phép tất cả các thành viên của thủy thủ đoàn tương lai tập luyện các công việc thực sự của mình. Thiết bị độc đáo cho phép học viên trải nghiệm những tình huốngthực tế trên biển như bão, sóng lắc, nghiêng thuyền trong môi trường ngầm dưới nước và khi đang di chuyển. Các học viên cũng luyện tập các trường hợp sống còn, như học cách dập tắt đám cháy trên tàu.

Phó giám đốc Viện các vấn đề địa chính trị, ông Konstantin Sivkov nói: “Dụng cụ trực quan cho phép không cần sử dụng thiết bị quân sự mà vẫn mô phỏng được tất cả các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra mà thủy thủ đoàn tàu ngầm có thể phải đối phó. Thiết bị mô phỏng cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu và nhiều nguồn lực khác. Kết quả là chi phí đào tạo giảm đến 5 - 15 lần”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buồng chỉ huy tàu ngầm Hà Nội.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để bảo vệ  biển đảo và chống hải tặc, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka của Nga. Lực lượng biên phòng Việt Nam đã nhận được 6 tàu tuần tra Svetliak, một số tàu khu trục tên lửa tấn công Gepard. Hai tàu tên lửa Molniya bán cho Hải quân Việt Nam đã chứng minh tính năng công dụng rất tốt nên Việt Nam đã ký kết hợp đồng với Nga để cấp phép sản xuất trong nước hàng chục tàu tương tự. Các hệ thống tên lửa Bastion đang bảo vệ bờ biển của Việt Nam chống lại các mối đe dọa từ phía biển. Hai tổ hợp như vậy đã được Nga bàn giao cho Việt Nam. Mỗi tổ hợp có thể bảo vệ 600 km bờ biển và giám sát vùng biển trong khu vực lên đến 200.000 km vuông. Hiện tại Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đàm phán để mua thêm một tổ hợp Bastion nữa.

Trong tương lai gần, Việt Nam có thể trở thành một đối tác số một của Nga ở Đông Nam Á về hợp tác quân sự-kỹ thuật.

Nhà phân tích quân sự của báo Komsomolskaya Pravda, ông Victor Baranez, cho biết: “Gần đây, Việt Nam tích cực mua vũ khí của Nga. Người Việt Nam thích máy bay phản lực chiến đấu của Nga, đặc biệt là các hệ thống tên lửa phòng không. Họ cũng chú ý đến hệ thống S-400. Họ cũng là những người đầu tiên quan tâm đến hệ thống pháo-tên lửa chống máy bay Pantsir tiên tiến ‘độc nhất vô nhị’ trên thế giới”.

Một hướng hợp tác quan trọng khác trong hợp tác quân sự-kỹ thuật song phương là hiện đại hóa các loại vũ khí mà Việt Nam đã mua của Liên Xô và Nga trước đây.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)