Viễn cảnh Biển Đông sau phán quyết PCA

Google News

(Kiến Thức) - Phán quyết PCA đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Chiến tranh Thế giới II.

Về viễn cảnh vọng Biển Đông sau phán quyết PCA, theo tạp chí Time, trong công luận Mỹ có hai luồng quan điểm: lạc quan và bi quan. Những người lạc quan cho rằng, sau phản ứng dữ dội ban đầu, chính quyền Bắc Kinh sẽ hiểu ra rằng cộng đồng quốc tế buộc phải có lập trường kiên định, bởi Biển Đông là con đường hàng hải huyết mạch với 1/3 lưu lượng hàng hóa toàn thế giới hàng năm đi qua. Phán quyết của Tòa án sẽ khiến Trung Quốc phải hãm lại việc bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân đảo tại Biển Đông.
Vien canh Bien Dong sau phan quyet PCA
Tàu Philippines vượt qua sự phong tỏa của tàu Cảnh sát biển Trung Quốc  ở Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Philstar.com
Trong khi đó, bên bi quan thì cho rằng Trung Quốc sẽ gia tăng việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Chuyên gia Gregory Poling của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lo ngại Trung Quốc sẽ có các phản ứng quyết liệt hơn. Bắc Kinh thậm chí có thể phong tỏa hoàn toàn Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) do Philippines kiểm soát, khu vực vốn từng bị phong tỏa vào năm 2014. Chỉ có điều, việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây một lần nữa có thể sẽ dẫn đến các phản ứng rất mạnh từ “không quân hoặc hải quân Mỹ”.
Trang mạng của kênh truyền thông CNN đăng tải bài viết “Liệu Trung Quốc có chấp nhận phán quyết về Biển Đông” của giáo sư luật William Burke-White, nguyên cố vấn của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo giáo sư luật William Burke-White, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đặt Trung Quốc – một cường quốc đang trỗi dậy, có tham vọng bá chủ toàn cầu – vào thế đối đầu với một hệ thống pháp lý quốc tế được định hình sau Chiến tranh Thế giới II. Giáo sư William Burke-White cho rằng về dài hạn, Trung Quốc sẽ có lợi khi tuân thủ phán quyết của PCA, bởi như vậy sẽ tránh được nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự và điều này phù hợp với mong muốn “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Tác giả bài viết nhấn mạnh là, việc tuân thủ luật pháp quốc tế cũng giúp Trung Quốc “tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn tại khu vực này” và không tự biến mình thành mối đe dọa về an ninh đối với các láng giềng.
Vẫn theo giáo sư luật người Mỹ nói trên, Trung Quốc “không cần phải tuyên bố công khai và rõ ràng sẽ thực thi phán quyết, mà có thể chỉ cần thay đổi một cách từ từ trong các hành động trên thực địa và trong các phát ngôn”. Những điều mà Trung Quốc có thể làm là giảm bớt các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông dựa trên các thực thể đã kiểm soát và được bồi đắp thành các đảo nhân tạo hay hành xử một cách ôn hòa hơn với tàu cá các nước hoạt động tại khu vực này, đặc biệt là hãm tốc độ xây dựng cơ sở quân sự tại Biển Đông. Nếu như vậy, đây sẽ là “một tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Giáo sư luật William Burke-White cũng phê phán việc Mỹ không tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), “điều đã được chính quyền Obama nỗ lực ngay từ đầu nhiệm kỳ”. Thượng viện Mỹ lo ngại tham gia UNCLOS, quyền lợi của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Chỉ có điều, nếu tham gia UNCLOS, uy tín của Washington sẽ được nâng cao gấp bội và như vậy “sự can thiệp của Mỹ để phán quyết của Tòa án La Haye được tôn trọng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.
Vien canh Bien Dong sau phan quyet PCA-Hinh-2
 Tàu chiến Mỹ hiện diện ngày càng nhiều ở Biển Đông. Ảnh Sputnik
Nhà bình luận Ben Westcott của kênh CNN nhận xét rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) mang tính bắt buộc, cho dù không có phương tiện để buộc các bên tuân thủ. Phán quyết PCA cũng sẽ có các hệ quả về ngoại giao, nếu Trung Quốc từ chối tuân thủ. CNN cũng dẫn lời nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á tại Singapore nói rằng nếu không tuân thủ phán quyết PCA, Bắc Kinh sẽ hủy hoại uy tín của chính mình, khi chống lại các nền tảng pháp lý mà chính Trung Quốc cam kết ủng hộ.
Nhà bình luận Ben Westcott kết luận, cho dù khả năng Trung Quốc tuân thủ các phán quyết PCAlà không cao và nếu Trung Quốc không tuân thủ thì Philippines cũng “khó thay đổi được trạng thái hiện nay”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật cho rằng Manila một lần nữa “có thể đưa vụ việc ra Tòa trọng tài và yêu cầu tòa có các biện pháp nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc”.
Minh Châu (TH)

Bình luận(0)