Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” và cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng tại Tòa án Trọng tài Thường trực và nói rằng PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện Biển Đông.
Đổ lỗi cho Philippines, công khai bôi nhọ các vị thẩm phán PCA
Ngày 13/7, trong khi giới thiệu một văn kiện đổ lỗi cho Philippines vi phạm một thỏa thuận với Trung Quốc về giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) nói: "Chính Philippines đã gây ra rắc rối”.
|
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đổ lỗi cho Philippines vi phạm thỏa thuận đàm phán song phương và dọa thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Ảnh www.cbc.ca |
Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân nói thêm rằng Bắc Kinh có quyền tuyên bố một Khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Ông này nói với báo giới: "Trung Quốc đã thành lập một ADIZ trên Biển Hoa Đông. Chúng tôi hy vọng rằng các bên sẽ làm việc với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và không để cho Biển Đông trở thành cái nôi chiến tranh”. Ông Lưu Chấn Dân nói việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên Biển Đông còn phụ thuộc vào "mức độ đe dọa” đối với Trung Quốc.
Công khai tấn công thẩm quyền của Tòa trọng tài PCA, ông Lưu Chấn Dân nói 5 vị thẩm phán đã phán quyết trong một vụ "làm tiền của Philippines" và “có lẽ những người khác cũng đã đưa tiền cho họ”. Ông Lưu cũng cáo buộc cựu Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển Shunji Yanai (người Nhật Bản) đã "thao túng toàn bộ thủ tục tố tụng" từ phía sau hậu trường.
Phán quyết PCA "mang lại sự rõ ràng” cho tranh chấp ở Biển Đông
Cùng ngày, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III nói rằng phán quyết PCA đã "mang lại sự rõ ràng cho các tranh chấp ở Biển Đông”. Ông Aquino nói: "Phán quyết này tạo ra những điều kiện tốt hơn cho các nước liên quan khác, gợi mở cho các nước này về nhiệm vụ và quyền lợi của họ”. Người kế nhiệm ông Aquino là tân Tổng thống Rodrigo Duterte lại theo đuổi đường lối mềm mỏng với Bắc Kinh và nói rằng ông sẽ mở các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.
|
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Ảnh themalaymailonline.com |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết hôm 13/7 rằng uy tín và tham vọng trở thành lãnh đạo thế giới của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu nước này bác bỏ phán quyết PCA về Biển Đông.
Ngoại trưởng Julie Bishop mô tả phán quyết PCA là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Bà Julie Bishop tuyên bố: "Bác bỏ phán quyết PCA về Biển Đông sẽ là một vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ gây tổn hại lớn về uy tín”.
Ngoại trưởng Julie Bishop cho biết bà dự kiến sẽ nói chuyện với những người đồng cấp ở Trung Quốc và Philippines trong thời gian tới và rằng phán quyết này sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới, được tổ chức vào giữa tháng 7/2016.