Tương lai chính trị “mù mịt” của Trưởng đặc khu Hong Kong

Google News

(Kiến Thức) - Dù Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nhưng có thể nói, tương lai chính trị của bà Lâm đang trở nên "mù mịt" khi không còn nhận được sự tín nhiệm của người dân đặc khu này. 

Cách đây hơn 2 năm, trong cuộc bầu cử Đặc khu trưởng Hong Kong ngày 26/3/2017, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã giành chiến thắng áp đảo trước các "đối thủ" là cựu Vụ trưởng Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa và cựu luật sư Hồ Quốc Hưng.
Sau đó, Quốc vụ viện Trung Quốc đã quyết định bổ nhiệm bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga giữ chức Trưởng Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong, và bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm từ ngày 1/7/2017. Bà Lâm trở thành nữ Trưởng Đặc khu đầu tiên kể từ Hong Kong được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997
Tuy nhiên, bà Lâm đang đối mặt với sức ép từ chức từ phía người biểu tình liên quan đến dự luật dẫn độ sang Trung Quốc gây tranh cãi tại đặc khu này.
Tuong lai chinh tri “mu mit” cua Truong dac khu Hong Kong
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Ảnh: Reuters. 
Theo CNN, trong ngày 16/6 vừa qua, gần 2 triệu người mặc áo đen đã tham gia vào cuộc biểu tình ở Hong Kong nhằm yêu cầu Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải công khai xin lỗi và từ chức.
Trước sức ép từ phía người biểu tình, tối cùng ngày, bà Carrie Lam đã gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân Hong Kong.
Mới đây, một quan chức Hong Kong cấp cao thân cận với bà Lâm nói với hãng thông tấn Reuters rằng Trung Quốc vẫn luôn ủng hộ bà Lâm và sẽ không để vị Trưởng Đặc khu Hong Kong từ chức, cho dù bà muốn như vậy.
"Điều đó (việc bà Lâm từ chức) sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là cách giải quyết, ở tất cả các cấp độ", vị quan chức này cho hay.
Mặc dù hiện tại chưa phải từ chức, nhưng có thể thấy tương lai chính trị của bà Lâm đang trở nên "mù mịt" khi không còn nhận được sự tín nhiệm của người dân Hong Kong. Hiện tại, nhiều người dân ở Hong Kong đều tỏ ra không hài lòng trước cách bà Lâm xử lý dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. 
"Chúng tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi của bà ấy. Nó không loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa đối với chúng tôi", nhân viên bảo trợ xã hội Brian Chau, người tham gia vào cuộc biểu tình tại quận Admiralty, chia sẻ.
"Chính quyền của bà ấy không thể hoạt động hiệu quả, và sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước", nhà lập pháp James To nói với đài truyền hình RTHK.

Mời độc giả xem thêm video về cuộc biểu tình ở Hong Kong (Nguồn: The Guardian)

"Bà ấy (Lâm Trịnh Nguỵêt Nga) chỉ đang cố bám trụ quyền lực. Tôi nghĩ rằng lời xin lỗi của bà ấy không chân thành", Ada Ku, một giáo viên cấp ba 38 tuổi, cho hay.
Trước đó, Joshua Wong, thủ lĩnh sinh viên và là bộ mặt của phong trào biểu tình năm 2014 ở Hong Kong, cũng kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình, đồng thời yêu cầu bà Lâm phải từ chức. Được biết, Joshua vừa được trả tự do ngày 17/6.
"Thay vì hỏi ai sẽ là nhân vật hoàn hảo nhất để lãnh đạo Hong Kong, tôi sẽ hỏi hệ thống bầu cử nào là phù hợp nhất để mọi người quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo Hong Kong", Wong nói.
Thiên An

>> xem thêm

Bình luận(0)