Trung Quốc: Vì sao Tôn Chính Tài bị mất chức?

Google News

(Kiến Thức) - Có tin nói Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài ngã ngựa vì lý do chính trị, chứ không phải mắc tội tham nhũng.

Sau khi Bí thư thành ủy Trung Khánh Tôn Chính Tài bị mất chức và bị điều tra “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, Ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc Tôn Chính Tài dường như đã hết hy vọng trong quá trình chuyển giao lãnh đạo sắp tới.
Trung Quoc: Vi sao Ton Chinh Tai bi mat chuc?
Cùng với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài là một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc sinh sau năm 1960. (Nguồn ảnh: Getty Images)  
Cùng với Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, Tôn Chính Tài là một trong hai Ủy viên Bộ Chính trị sinh sau năm 1960. Đây là hai “ngôi sao đang lên” có khả năng kế tục Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sau Đại hội Đảng lần thứ 20 tổ chức vào năm 2022.
Tương lai chính trị của Tôn Chính Tài trở nên sáng sủa tại Đại hội Đảng được tổ chức trong tháng 11/2012, khi cựu Bí thư tỉnh ủy Cát Lâm trẻ tuổi này được bầu vào Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc. Ông được kỳ vọng sẽ lọt vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị vào cuối năm nay. Nhưng việc bị điều tra “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” chắc chắn sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị đang lên như diều gặp gió của Tôn Chính Tài.
Mặc dù hãy còn quá sớm để xác định nguyên nhân ông Tôn Chính Tài mất chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh, nhưng có ý kiến cho rằng việc ông bị thất sủng có lý do chính trị, chứ chưa hẳn là tham nhũng.
Những tin đồn lan truyền trên mạng ở Trung Quốc đã liên kết sự thất sủng của ông Tôn Chính Tài với những con “hổ lớn” đã bị đánh đổ.
Trong số những cáo buộc có liên quan đến chính trị có mối quan hệ của vợ ông Tôn Chính Tài với vợ chồng của Lệnh Kế Hoạch, phụ tá chính trị hàng đầu của cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc  Hồ Cẩm Đào. Cũng có tin nói rằng Giám đốc Công an Trùng Khánh dưới thời Bí thư thành ủy Tôn Chính Tài có quan hệ với “Hùm xám” Chu Vĩnh Khang đã bị lật đổ và tống giam.
Ông Tôn Chính Tài chính là người được cả hai cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào ưu ái. Người ta cho rằng cơ sở ủng hộ của ông Tôn Chính Tài lớn gấp bội cơ sở ủng hộ của ông Hồ Xuân Hoa.
Mặc dù ông Tôn Chính Tài được cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đỡ đầu, nhưng vị cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc đã làm việc nhiều năm dưới thời cựu Bí thư thành ủy Bắc Kinh Lưu Kỷ.
Từ năm 2003 đến năm 2007, Bí thư thành ủy Bắc Kinh Lưu Kỷ đã không ít lần chèn ép Phó Bí thư thành ủy Vương Kỳ Sơn, người hiện đang giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đầy quyền lực dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mối quan hệ thân tín giữa Bí thư thành ủy Bắc Kinh Lưu Kỷ và Tôn Chính Tài là rất rõ ràng. Gần đây, vào tháng 12/2015, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Tôn Chính Tài đã đi cùng sếp cũ, khi ông Lưu Kỷ đang ở thăm Trùng Khánh.
Mối quan hệ thân tín với ông Lưu Kỷ xem ra lại có hại cho Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài vào thời điểm hiện nay vì cả “thầy lẫn trò” đều đang gặp rắc rối.
Theo các nguồn kiến thạo tin ở Bắc Kinh, ông Lưu Kỷ đã bị giam giữ kể từ tháng 11/2016, liên quan đến tội danh tham nhũng.
Nếu không có những biến cố không lường trước được, nhân sự Bộ Chính trị và Thường vụ BCT ĐCS Trung Quốc tại Đại hội đảng 19 sẽ trù bị sớm và có thể được lấp đầy bởi bằng các cộng sự của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và “cánh tay mặt” Vương Kỳ Sơn.
Bằng cách gạt bỏ Tôn Chính Tài – một người không phải do ông lựa chọn, Tổng Bí thư Tập Cận Bình phát đi tín hiệu ông có thể chi phối chính trường Trung Quốc sau năm 2022.
Diễn biến mới nhất này cho thấy kỷ nguyên lãnh đạo tập thể trên chính trường Trung Quốc dường như đã chấm dứt.
Minh Châu (TODAYonline)

>> xem thêm

Bình luận(0)