Giáo sư Bạc Trí Dược, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại New Zealand ngày 6/10 viết trên The Diplomat, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu kỷ nguyên mới của mình trên vũ đài chính trị Bắc Kinh hôm 30/9 khi ông không mời các cựu lãnh đạo khóa trước tham dự tiệc mừng quốc khánh như thông lệ lâu nay.
Ngày 30/9, Trung Quốc tổ chức quốc yến mừng quốc khánh lần thứ 66, hầu hết các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu như Giang Trạch Dân đã vắng mặt. Trước đó chưa đầy một tháng, ngày 3/9 hầu như tất cả các cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đều đã có mặt trong lễ duyệt binh ở Thiên An Môn.
|
Ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình trong quốc yến hôm 30/9. |
"Nguyên lão" cao tuổi nhất tham dự duyệt binh là Tống Bình, 98 tuổi, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương và người tiền nhiệm của Tập Cận Bình, ông Giang Trạch Dân 89 tuổi, nhưng thiếu các cựu quan chức hàng đầu khác như Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn, La Cán.
Thậm chí ngay cả các nhà lãnh đạo về hưu chưa đến 80 tuổi cũng vắng mặt trong quốc yến 30/9, trong đó có cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng các cựu quan chức hàng đầu khác như Tăng Khánh Hồng, Ngô Quan Chính, Ngô Bang Quốc, Giả Khánh Lâm, Hạ Quốc Cường, Lý Trường Xuân.
Sự vắng mặt của các "nguyên lão công thần" trong bữa quốc yến 30/9 không nên được hiểu rằng bất kỳ ai trong số họ đang bị điều tra vì tham nhũng, dù không có bằng chứng rõ ràng rằng những cựu quan chức này đều trong sạch. Ngoài Chu Vĩnh Khang, chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị khác bị điều tra.
Đơn giản là cái giá chính trị phải trả khi động vào các "nguyên lão công thần" của Đảng Cộng sản Trung Quốc là quá lớn, ông Dược lập luận. Sự vắng mặt tập thể của họ trong bữa quốc yến nhiều khả năng là quyết định của Tập Cận Bình.
Các "nguyên lão công thần" được dự duyệt binh ở Thiên An Môn là vì Tập Cận Bình muốn họ có mặt, và họ không được mời dự quốc yến cũng bởi vì Tập Cận Bình không thích. Các cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc bây giờ đến và đi các sự kiện lớn của quốc gia đều do Tập Cận Bình quyết định.
Nếu nhìn theo góc độ này thì sức mạnh chính trị của Tập Cận Bình đã vượt qua cả Đặng Tiểu Bình, người phải mất nhiều năm để vận động các ủy viên khác trong Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc nghỉ hưu khi quá tuổi.
Giáo sư Dược cho rằng, sức mạnh của Tập Cận Bình hiện nay tương đương với Mao Trạch Đông, người đã thanh trừng các đồng chí, đồng nghiệp của mình qua đại Cách mạng Văn hóa bắt đầu năm 1966. Với buổi quốc yến khá yên tĩnh này, thời đại Tập Cận Bình đã chính thức bắt đầu.