Trung Quốc “run” vì tiềm lực vũ khí hạt nhân của Nhật

Google News

(Kiến Thức) - Trong bối cảnh căng thẳng Nhật – Trung không có dấu hiệu suy giảm, Bắc Kinh tỏ ra lo ngại về khả năng Tokyo tiến tới sở hữu bom hạt nhân.

"Kho bom trong hầm" của Nhật Bản
Tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2014 diễn ra tại La Haye, Hà Lan hồi tháng 3, Nhật Bản đồng ý chuyển giao cho Mỹ hàng trăm kilogram plutonium và uranium làm giàu, trong đó có một lượng plutonium và uranium có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đang dự trữ khoảng 9 tấn plutonium bị phân tách tại chính nước này và 35 tấn ở Anh và Pháp. Lượng nguyên liệu đó đủ để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân.
Tokyo có kế hoạch tách thêm nguyên liệu hạt nhân bất chấp ngành năng lượng hạt nhân nước này đang đối mặt với tương lai bất ổn do thảm họa Fukushima.
Do đó, các chuyên gia và quan chức Trung Quốc cảm thấy lo ngại trước kho plutonium của Nhật Bản.
Bắc Kinh cho rằng lượng plutonium mà Nhật Bản đang dự trữ “lớn hơn rất nhiều nhu cầu bình thường” của một chương trình năng lượng hạt nhân. Không chỉ có vậy, nếu nhà máy tái chế hạt nhân Rokkasho đi vào hoạt động, mỗi năm kho plutonium của Nhật Bản sẽ được bổ sung thêm 8 tấn – đủ để chế tạo 1.000 quả bom.
Một số nhà phân tích cho rằng ý đồ thực sự của Tokyo trong việc tái chế plutonium là chuẩn bị cho phương án chế tạo vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Với nhà máy tái chế hạt nhân Rokkasho, mỗi năm kho plutonium của Nhật Bản sẽ được bổ sung thêm 8 tấn – đủ để chế tạo 1.000 quả bom.
Tokyo vẫn khẳng định chương trình tái chế plutonium của nước này chỉ phục vụ mục đích dân sự. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng có lẽ Nhật Bản sẽ rất sẵn lòng khiến Trung Quốc và Triều Tiên nghĩ rằng nước này đã có “bom ở trong hầm” – tức chiến lược duy trì kho nguyên liệu được làm giàu để nước này có thể chế tạo vũ khí hạt nhân bất kỳ lúc nào.
Các chuyên gia vũ khí hạt nhân Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đã có trong tay mọi công nghệ cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân. Điều duy nhất Tokyo cần là ý chí chính trị. Một khi Nhật Bản đã quyết định, nước này có thể chế tạo bom hạt nhân trong thời gian rất ngắn, khoảng 6 tháng.
Ngoài ra, Nhật Bản đã thực hiện chương trình vũ trụ tiên tiến bao gồm công nghệ tên lửa đẩy bằng nhiên liệu rắn và công nghệ tên lửa dẫn đường. Các loại công nghệ này được phát triển để giúp tăng cường năng lực tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.
Nhiều chính trị gia Nhật Bản liên tục công khai bày tỏ rằng nước này “nên sở hữu vũ khí hạt nhân” và việc chế tạo vũ khí này “sẽ không vi phạm Hiến pháp”. Năm 2002, ông Shinzo Abe, khi đó còn là phó chánh văn phòng nội các, cho rằng “Hiến pháp không cấm Nhật Bản chế tạo vũ khí hạt nhân với điều kiện vũ khí đó là loại nhỏ”.
Nhiều người Trung Quốc lo ngại rằng chính trường Nhật Bản đang đi theo hướng dân tộc chủ nghĩa và có thể Tokyo sẽ tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Mối lo ngại của Bắc Kinh ngày càng được củng cố trong bối cảnh Nhật – Trung căng thẳng về vấn đề chủ quyền và lịch sử. Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe cũng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc hơn những chính phủ tiền nhiệm.
Từ lâu, nhiều chính trị gia Nhật Bản bảo thủ đã ủng hộ nước này duy trì các chương trình năng lượng hạt nhân vì tiềm năng quân sự của các chương trình này.
“Giới chính trị gia diều hâu yêu thích vũ khí hạt nhân vì thế họ rất chuộng chương trình năng lượng hạt nhân. Họ không muốn từ bỏ ý nghĩ rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để phòng ngừa”, ông Jeffrey Lewis - giám đốc chương trình giảm trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt Đông Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey, California, Mỹ, nhận xét.
Trong lúc căng thẳng trong khu vực leo thang, Trung Quốc lo ngại trước quy mô của kho “bom ở trong hầm” của Nhật Bản và yêu cầu Tokyo giải giáp lượng plutonium khổng lồ của nước này đồng thời từ bỏ kế hoạch đưa nhà máy hạt nhân Rokkasho vào hoạt động.
Ông Steve Fetter, một cựu quan chức Mỹ, cho rằng mối lo ngại của Trung Quốc về kho nguyên liệu hạt nhân bắt nguồn từ cảm giác ngờ vực Nhật Bản.
“Tôi đã trao đổi riêng với một số quan chức Trung Quốc và họ hỏi: “Tại sao Nhật Bản có plutonium mà họ không cần sử dụng đến?”. Tôi nói rằng họ đã mắc sai sót (trong quá trình chế tạo) và đang sở hữu một kho nguyên liệu khổng lồ”, ông Fetter nói.
“Nhưng nếu bạn không tin tưởng ai đó, bạn sẽ nhìn họ với một lăng kính khác”, ông Fetter nhận xét.
Ông Leonard Spector, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu giảm trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Monterey, cho hay sách trắng quốc phòng của Trung Quốc đã coi kho plutonium của Nhật Bản là một mối đe dọa.
Đông Bắc Á sẽ tràn ngập vũ khí hạt nhân?
Tất nhiên, Nhật Bản cũng có mối lo ngại an ninh về Trung Quốc và Triều Tiên. Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đe dọa trực tiếp tới Nhật Bản. Các tên lửa Nodong của Triều Tiên được cho là có đầu đạn hạt nhân có thể nhắm tới bất kì địa điểm nào trên lãnh thổ Nhật Bản.
“Nodong là vũ khí (Triều Tiên) dành cho Nhật Bản”, ông Spector nói.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều nhận định rằng, Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn vì về Triều Tiên. Cụ thể, một chuyên gia cho rằng: “Nếu Triều Tiên tấn công Nhật Bản, Mỹ sẽ san phẳng Triều Tiên”.
Do đó, các chính trị gia Nhật Bản, đặc biệt là những chính trị gia “diều hâu”, muốn cho Trung Quốc thấy năng lực phòng ngừa của Nhật Bản.
Chương trình tên lửa Nodong của Triều Tiên chỉ là cái cớ của Nhật Bản để sở hữu vũ khí hạt nhân, mục tiêu chính vẫn là Trung Quốc.
Dư luận cho rằng nếu Nhật Bản đưa nhà máy Rakkosho vào hoạt động, có thể Hàn Quốc cũng sẽ noi gương quốc gia láng giềng.
Ông Jeffrey Lewis cho rằng thậm chí Hàn Quốc có xu hướng chế tạo bom hạt nhân lớn hơn Nhật Bản do “Hàn quốc nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri hơn, khoảng 10 tới 20% dân số, về vấn đề chế tạo vũ khí hạt nhân”.
“Tôi cho rằng Nhật Bản là quốc gia ít khả năng chế tạo một vũ khí hạt nhân thực sự. Tuy nhiên, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ lấy Nhật Bản làm cớ để tự phát triển vũ khí của họ”, ông Fetter nhận xét.
Trên thực tế, Nhật Bản cũng không dễ dàng tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân do ý tưởng này sẽ bị các lực lượng trong nội bộ chính trường nước này cản trở, đặc biệt sau thảm họa Fukushima.
Ngô Trang

Bình luận(0)