Mặc dù phương Tây vẫn chưa quên trải nghiệm về cuộc đối đầu Chiến tranh lạnh với Moscow, các quan chức phương Tây cho rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến các quốc gia NATO đưa ra các giả thuyết chiến lược và nghiên cứu về nguy cơ diễn ra các cuộc chiến tranh truyền thống và hạt nhân.
Các điểm nóng có nguy cơ xung đột
Vào cuối tháng 3, hầu hết các quốc gia NATO – trừ các thành viên phía đông như các quốc gia Baltic từ lâu lo ngại về Moscow – vẫn cho rằng châu Âu không gặp mối đe dọa lớn nào.
Mặc dù rất ít nhà phân tích cho rằng Nga sẽ tấn công thành viên của NATO, tuy nhiên các quan chức phương Tây cho rằng để phòng ngừa, họ cần nghiên cứu và lên kế hoạch cho tình huống đó.
Mối đe dọa đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương từ một Trung Quốc lớn mạnh hơn cũng khiến các nhà hoạch định quân sự suy nghĩ về cách kiềm chế các rủi ro nhằm đảo bảo một cuộc xung đột cấp khu vực không lan tràn ra qui mô toàn cầu.
|
Mỹ gửi quân đến tập trận ở Ba Lan do căng thẳng ở Ukraine tăng cao. |
Trong một bài phát biểu về chính sách ngoại giao tại học viện quân sự West Point, New York ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ yếu nói về mục tiêu chống khủng bố và tình hình Afghanistan sau khi quân Mỹ rút lui. Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh rằng mặc dù rủi ro từ các quốc gia khác đang không nghiêm trọng như khi thời kỳ trước khi bức tường Berlin sụp đổ (Chiến tranh lạnh) nhưng chúng vẫn tồn tại.
“Sự hiếu chiến trong khu vực diễn ra mà không có bị kiềm chế, bất kể ở nam Ukraine hay trên Biển Đông hay ở bất kỳ đâu trên thế giới sẽ tác động tới các đồng minh của Mỹ và có thể quân đội Mỹ bị lôi kéo tham gia”, ông nói với các học viên tốt nghiệp của học viện này.
Căng thẳng với Moscow và Bắc Kinh đã gia tăng nhanh hơn bất kỳ ai ở Washington có thể tưởng tượng.
Tại Đối thoại Shangri-La 13, Washington và Bắc Kinh cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa hai bên về các vấn đề từ tranh chấp hàng hải cho tới an ninh mạng.
Trong những tuần vừa qua, chính quyền Obama đã trấn an các đồng minh và đưa ra tín hiệu cho các đối thủ của nước này về các “ranh giới đỏ” đối với Washington.
Washington có thể không can thiệp quân sự vào Ukraine, tuy nhiên nếu quốc gia nào tấn công thành viên NATO hay đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Philippines hay Australia, quân đội Mỹ có thể sẽ phải can thiệp, Những nghĩa vụ mà Mỹ phải tuân thủ theo hiệp ước không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên các quan chức nước này nói rằng điều quan trọng là phải làm rõ rằng các nghĩa vụ được Mỹ rất coi trọng.
Các quan chức này cho biết họ hi vọng hiệp ước sẽ giúp làm giảm nguy cơ xảy ra 1 cuộc chiến tranh ngoài ý muốn khi một quốc gia có các hành động sai trái và cho rằng các cường quốc khác sẽ không đáp trả.
“Giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc không muốn chiến tranh và Mỹ lại càng không muốn”, cựu Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks nhận xét.
“Mối lo ngại thực sự là sự tính toán sai lầm”, ông cho biết.
Một cuộc chiến lớn
100 năm sau khi Chiến tranh thế giới I bắt đầu, các cuốn sách về giai đoạn lịch sử này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Washington, Nhà Trắng và trụ sở NATO và nguyên nhân không phải là niềm yêu thích đối với lịch sử.
Vào tháng 6/1914, việc Thái tử Áo Archduke Franz Ferdinand bị một người Serbia có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ám sát đã khơi mào Chiến tranh thế giới I chỉ trong vòng 1 tháng.
|
100 năm sau Thế chiến I, Mỹ và đồng minh đang rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này để tránh xảy ra các cuộc chiến khác cùng tầm cỡ. |
Các chuyên gia cho rằng hiện nay, xung đột có thể bắt nguồn từ các điểm nóng như Biển Đông, từ mâu thuẫn sắc tộc tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở sát Nga hay từ một vụ tấn công mạng.
Ngay cả khi Washington trấn an các đồng minh, Moscow và Bắc Kinh vẫn dùng sức mạnh để “bắt nạt” các quốc gia không phải đồng minh hiệp ước với Mỹ như Ukraine và Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng rủi ro bắt nguồn từ việc hai quốc gia trên có thể sẽ trở nên quá tự tin và tính toán sai lầm.
“Chắc chắn sẽ là nói quá nếu chúng ta cho rằng tình hình hiện nay giống năm 1914. Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử đó là bằng chứng cho thấy chiến tranh có thể bắt đầu từ những tình huống vô tình và ngay cả sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước cũng chưa chắc đã ngăn cản chiến tranh xảy ra”, giáo sư Nikolas Gvosdev của Đại học Hải quân Mỹ nhận xét.
Cũng như vào năm 1914, không ai thực sự biết một cuộc chiến tranh hiện đại qui mô lớn sẽ như thế nào. Mặc dù giới hoạch định chiến lược quân sự giả định rằng nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến thông thường; tuy vậy, các cường quốc hạt nhân vẫn giữ kịch bản cho một cuộc chiến tranh hạt nhân, vẫn có danh sách các mục tiêu sao cho cả hai bên đều bị phá hủy bởi vũ khí hạt nhân.
Một số chuyên gia cho rằng các cuộc chiến tranh mạng cũng có thể có mức độ phá hủy không thua kém và có thể gây ra những hậu quả lớn đối với thương mại toàn cầu do các quốc gia có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ nhất từ trước tới nay.
Như vậy, một cuộc chiến lớn có thể hoàn toàn nổ ra do một tính toán sai lầm. Để phòng ngừa các tính toán sai lầm có thể làm leo thang căng thẳng, việc duy trì các kênh thông tin giữa các cường quốc là điều cần thiết. Trong khi đó, một số hệ thống giúp phòng ngừa xung đột có vẻ đang bắt đầu suy yếu.
Sự liên kết yếu ớt giữa các cường quốc
Các quan chức Mỹ đã bắt đầu một chiến dịch xây dựng các kênh thông tin chính thức và không chính thức với Bắc Kinh, lập đường dây nóng và xây dựng các quy trình hành động với Nga.
Trong thời gian qua, Moscow và Washington đã sử dụng các hệ thống đó để thông báo cho nhau về các vụ thử tên lửa hay các chuyến bay do thám của nước này vào lãnh thổ của nước kia.
Tuy nhiên, trong năm 2014, các kênh thông tin liên lạc giữa phương Tây và Nga đã suy yếu sau khi các quốc gia NATO hủy các cuộc hội đàm và trao đổi quân sự với Moscow để phản đối việc Nga sát nhập bán đảo Crimea.
|
Tàu chiến USS Cowpens của Mỹ từng suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
|
Các kênh kết nối của Mỹ với Trung Quốc cũng suy giảm, đặc biệt sau khi Washington truy tố 5 quan chức Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại, một tội danh Bắc Kinh phủ nhận.
Hồi tháng 1/2014, tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt đâm phải nhau, Nga tập trận giả định tấn công một tàu khu trục Mỹ trên Biển Đen hồi tháng 4 và các cuộc đối đầu giữa máy bay ném bom tầm xa và các loại máy bay quân sự khác. Các chuyên gia cho rằng những vụ việc trên cho thấy nguy cơ xung đột.
Cuối tháng 5, Nhật Bản và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau có các hành động “nguy hiểm” hay “đi quá giới hạn” sau khi máy bay chiến đấu của hai nước cách nhau chỉ vài chục mét.
Thách thức đối với phương Tây là cả Nga và Trung Quốc đều biết rằng Washington muốn tránh để nhiều cuộc xung đột xảy ra cùng một lúc.
Các lực lượng Mỹ trải rộng ở khắp nơi trên thế giới trong khi Moscow và Bắc Kinh dù với năng lực quân sự tổng thể yếu hơn nhưng lại chỉ tập trung sức mạnh vào khu vực xung quanh biên giới.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Luân Đôn, kể từ năm 2008, Nga và Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 30 - 40%.
Chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ với nội dung dịch chuyển phần lớn các lực lượng Hải quân Mỹ tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương được thực hiện với mục đích giúp Mỹ đối đầu khủng hoảng dễ dàng hơn.
Ngược lại, ở châu Âu, NATO không tỏ ra quan tâm tới một cuộc chiến tranh toàn cầu mà chỉ tập trung vào chiến lược “hậu Crimea”. Theo chiến lược này, một lượng nhỏ binh sĩ và máy bay chiến đấu Mỹ được điều động tới các quốc gia NATO phía đông do lo ngại các quốc gia này sẽ là mục tiêu tiếp theo của Moscow.
Trước khi biến cố Ukraine diễn ra, các quốc gia châu Âu vẫn coi mục tiêu quân sự hàng đầu của các nước này là tiến hành các hoạt động can thiệp, gìn giữ hòa bình và chống bạo loạn ở Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên có vẻ biến cố Ukraine đã khiến châu Âu thay đổi quan điểm.
Mới đây, một quan chức châu Âu cấp cao thừa nhận rằng: “Chúng ta như đang ở trên một vùng đất bí ẩn. Điều đó có nghĩa phải khôi phục lại các kĩ năng chiến đấu tầm cao và tư duy đúng đắn để phòng ngừa cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân”.