Thủ tướng Thái Lan lo sợ quân đội đảo chính

Google News

(Kiến Thức) - Bà Yingluck vừa bày tỏ nỗi lo sợ về một cuộc đảo chính quân sự nếu các cuộc biểu tình của phe đối lập sắp tới bùng phát thành bạo lực.

Nỗi lo sợ của bà Yingluck bắt nguồn từ việc Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Chan- ocha Prayudh tuyên bố, quân đội cam kết bảo vệ thường dân bất chấp họ thuộc các đảng phái chính trị khác nhau và nhấn mạnh sẽ không để bất cứ ai bị tổn hại hay gặp nguy hiểm trên đường phố.
Trong tuyên bố của mình, Tướng Prayudh không nêu rõ, những người bị tổn hại, gặp nguy hiểm trên đường phố là người biểu tình chống chính phủ hay ủng hộ chính quyền Thủ tướng Yingluck.
Tuyên bố của Tướng Prayudh Chan- ocha được đưa ra trong bối cảnh người biểu tình chống chính phủ lên kế hoạch “đóng cửa Bangkok” vào ngày 13/1 sắp tới.
Một số nhà quan sát cho rằng, dù không ít lần bác bỏ suy đoán, quân đội sẽ tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ, phá vỡ cuộc bầu cử vào ngày 2/2 sắp tới, Tư lệnh Lục quân Chan- ocha Prayudh cũng chưa từng khẳng định, khả năng đảo chính sẽ không xảy ra.
Tướng Prayudh từng cảnh báo các chính trị gia ở các đảng phái đối lập khác nhau không nên để quân đội phải nhúng tay vào quyết định "tất cả mọi chuyện". Ông Prayudh yêu cầu bất đồng, mẫu thuẫn phải được giải quyết hòa bình vì “một giải pháp sai lầm sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề”. Đồng thời, ông thừa nhận, giới lãnh đạo quân sự đã rút ra “nhiều bài học” từ cuộc đảo chính trước.
 Nữ Thủ tướng Thái Yingluck đang "mất ăn mất ngủ" vì lo sợ viễn đảo chính quân sự.
Nữ Thủ tướng Yingluck cũng quan ngại về sự xuất hiện của “một số tay súng bí ẩn” có thể kích động bạo lực ở thủ đô Bangkok.
Ngoài ra, việc hàng chục tiểu đoàn Lục quân, xe tăng, xe bọc thép, pháo binh và một loạt các thiết bị chiến đấu khác từ các tỉnh lân cận được huy động tới Trung đoàn Bộ binh 11 ở ngoại ô phía bắc Bangkok càng làm tăng quan ngại về một cuộc đảo chính.
Dưới sự lãnh đạo của Suthep Thaugsuban, người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch chặn các giao lộ chính ở Bangkok, cắt nguồn điện nước tại các văn phòng chính phủ và quốc hội nhằm đóng cửa tạm thời thủ đô vào ngày 13/1. Tất cả những nỗ lực này nhằm gây áp lực buộc bà Yingluck phải từ chức.
Kế hoạch “đóng cửa Bangkok” của người biểu tình chống chính phủ dấy lên quan ngại các nút giao thông khắp thủ đô có thể bị tê liệt hoàn toàn.
Trước bối cảnh này, nữ Thủ tướng Yingluck kêu gọi: “Tất cả các bên liên quan nên giữ không khí hòa bình và ngăn chặn bạo lực bùng phát theo sau kế hoạch “đóng cửa Bangkok”. Bạo lực đường phố cuối cùng có thể khiến quân đội quyết định tiến hành đảo chính. Về phần mình, ông Suthep sẽ phải chịu trách nhiệm nếu sự cố như vậy xảy ra”.
Nhóm binh sĩ Thái Lan đứng bên cạnh một chiếc xe tăng.
Phát ngôn viên của chính phủ Sunisa Lertpakavat thậm chí quan ngại, cuộc đảo chính có thể xảy ra vào ngày 14/1, một ngày sau chiến dịch “đóng cửa Bangkok” ngày (13/1).
Trong khi đó, lãnh đạo phe Áo Đỏ (ủng hộ Thủ tướng), Chatuporn Prompand cho biết, những người biểu tình ủng hộ chính phủ vẫn tụ tập hòa bình tại tất cả các tình thành khắp Thái Lan, ngoại trừ thủ đô Bangkok và sẽ đứng lên chống lại một cuộc đảo chính.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ đứng lên chống lại một cuộc đảo chính quân sự nếu tình huống này xảy ra một lần nữa. Nhưng chúng tôi cam kết sẽ không làm bất cứ điều gì để “thêm dầu vào lửa” đẩy đến tình huống đảo chính”, ông Chatuporn Prompand tuyên bố.
Ngoài ra, ông Chatuporn Prompand cũng cho biết, các thành viên phe Áo Đỏ đang thực hiện một chiến dịch trên toàn quốc nhằm khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ vào ngày 2/2 tới. Chiến dịch này nhằm ủng hộ và đảm bảo nguyên tắc dân chủ cũng như chống lại mọi nỗ lực ngăn chặn quyền được lựa chọn ai sẽ là người lãnh đạo đất nước của người dân Thái Lan trong một cuộc bầu cử công bằng và tự do.
Bạch Dương (theo Global Times)

Bình luận(0)