Động thái ngang ngược này, được cho là có hiệu lực đầu năm nay, được đưa ra sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố lập ra Khu vực Nhận dạng Phòng không (ADIZ) vào hồi tháng 11 năm ngoái. Đây được coi là “một mồi lửa” khiến hiện trạng vốn đã căng thẳng ở khu vực càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Dưới sự ủy quyền của chính quyền trung ương Trung Quốc, tỉnh Hải Nam đã công bố thông tin này từ hồi cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, những quy định này không được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bên ngoài lãnh thổ nước này.
|
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền pháp lý rõ ràng đối với vùng lãnh hải tranh chấp với các nước Đông Nam Á. |
Theo đó, tất cả tàu thuyền đánh bắt cá nước ngoài đi vào khu vực hành chính mới của Hải Nam – khu vực chiếm tới 2/3 diện tích của Biển Đông – phải nhận được sự cho phép của chính quyền Trung Quốc.
Bất kỳ tàu thuyền nào vi phạm quy định trên sẽ bị trục xuất, tịch thu lợi phẩm và đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp, tàu đánh bắt cá cũng có thể bị tịch thu và các ngư dân nước ngoài sẽ bị truy tố trách nhiệm thể theo luật pháp Trung Quốc.
Phản ứng trước diễn biến mới này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines là ông Raul Hernandez hôm 8/1 phát biểu, nhân viên ngoại giao nước đang cố gắng tìm kiếm thông tin để xác minh điều này. Còn Mỹ bày tỏ quan điểm, họ sẽ không nghiêng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền này, nhưng nhấn mạnh vào quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích nhận định, động thái này có khả năng “kích hoạt” cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á dưới một quy mô lớn hơn.
“Đây là thông tin khá quan trọng, song không quá bất ngờ”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng thời là một chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc là John Tkacik nói.
Ông cho biết, tuyên bố của tỉnh Hải Nam được cho là một phần trong chính sách kiểm soát dần dần khu vực mà Trung Quốc theo đuổi. Theo ông, quy định mới là bước đi tiếp theo sau yêu sách “Đường Lưỡi bò” vốn bị chỉ trích mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế trong thời gian qua.
“Bắc Kinh hiện đang từng bước lật lại tuyên bố chủ quyền theo yêu sách Đường Lười bò thông qua việc ban hành những quy định mới theo cấp địa phương”, chuyên gia Tkacik nhận định.