Căng thẳng lãnh thổ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên Biển Hoa Đông giữa Tokyo và Bắc Kinh ngày càng leo thang và cả 2 bên đều đang chạy đua tìm kiếm sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế cho các tuyên bố chủ quyền của họ.
Tokyo được xem là đã thành công khi tìm đến sự hậu thuẫn của Pháp. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố: “Chúng tôi muốn đưa ra các chương trình cụ thể… để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ quốc phòng của cả 2 nước”.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự cuộc họp với Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tại Điện Elysee ở Paris.
|
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean- Yves Le Drian cũng đưa ra tuyên bố, hai nước lên kế hoạch hợp tác trong các lĩnh vực như thiết kế, chế tạo các loại máy bay không người lái, trực thăng và tàu ngầm thế hệ mới nhất.
Trong khi đó, về phía Nhật, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh, ông đã thảo luận với người đồng nhiệm Pháp Fabius về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và bày tỏ quan ngại về một cuộc đụng độ trên biển với Bắc Kinh.
Tiếp lời, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tuyên bố: “Đối thoại với Trung Quốc là điều chúng tôi luôn ưu tiên. Chúng tôi đã liên lạc với các đồng nhiệm Trung Quốc và gọi vào đường dây nóng đồng thời kêu gọi tiếp tục đàm phán”.
Ngoại trưởng Kishida đã đến Pháp sau chuyến công du Tây Ban Nha trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực để giành được vị thế lớn hơn trên thế giới.
Trước đó, Nhật Bản cũng đã tổ chức các hội nghị 2 +2 với Mỹ, Australia, Nga và đang nỗ lực củng cố liên minh với Pháp và Tây Ban Nha để nhờ sự hậu thuẫn của 2 nước này mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi và Mỹ Latinh.
Nhật đã bắt đầu xúc tiến kế hoạch cường ảnh hưởng ở châu Phi bằng cách thông qua Liên Hiệp Quốc, gửi quân đảm nhiệm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình bằng cách thiết lập một căn cứ ở Djibouti.