Thế giới làm thế nào để tiêu diệt IS?

Google News

(Kiến Thức) - Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để tiêu diệt IS?”, nhật báo La Croix đề cập đến các khía cạnh chính trị, quân sự, tình báo, kinh tế và tôn giáo.

Trước hết, cần thiết lập một liên minh quốc tế thực sự để tiêu diệt IS. Ngày 16/11, phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện, Tổng thống Pháp François Hollande đã khẳng định: “Bashar al-Assad không thể là lối thoát trong một giải pháp chính trị, nhưng kẻ thù của chúng ta ở Syria chính là Daesh (Nhà nước Hồi giáo)”.  Ông Hollande kêu gọi “tập hợp tất cả những ai có thể thực sự đấu tranh chống đội quân khủng bố này, trong khuôn khổ một liên minh quy mô và duy nhất”.
The gioi lam the nao de tieu diet IS?
Tổng thống Nga Vladinir Putin "liên thủ " với Tổng thống Pháp 
François Hollande trong cuộc chiến chống IS.
Như vậy kể từ nay, số phận của Assad đã trở nên thứ yếu. Các cường quốc - trong đó có Mỹ, Nga và Liên hiệp Châu Âu, các quốc gia Ả Rập, Iran -  hôm 14/11 đã thỏa thuận về lịch trình chuyển đổi chính trị tại Syria để lập ra một chính phủ chuyển tiếp trong vòng 6 tháng tới, và tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng. Liên minh chống thánh chiến cần phải vượt qua những bất đồng quan trọng về số phận của Tổng thống Syria và về các mục tiêu không kích.
Một liên minh thực sự?
Cho đến nay, chỉ có tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra có tên trong danh sách của Liên Hợp Quốc về các nhóm khủng bố.
Đối với Nga cũng như Iran, vấn đề Assad không thể là điều kiện tiên quyết. Việc can thiệp quân sự của Nga nhằm ngăn cản sự sụp đổ của chính quyền Syria. Còn theo cách nhìn của Ả-rập Xê-út (kẻ thù chính là Iran), việc Riyadh hỗ trợ các nhóm vũ trang ở Syria là nhằm ngăn ngừa chiến thắng của chế độ Assad được Teheran và Hezbollah ở Lebanon ủng hộ.
Mục tiêu ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là tránh việc thành lập một định chế tự trị Kurdistan tại Syria dọc theo biên giới nước này. Còn tại Iraq, chính phủ do phái Shi’ite thống trị không muốn chia sẻ quyền lực với thiểu số Sunni theo yêu cầu của phương Tây.
Về phần các nhóm đối lập vũ trang (khoảng 1.500 nhóm), các nhóm này chỉ đoàn kết lại nhằm hạ bệ Bashar al-Assad. Tổng thể phức tạp này khiến việc thành lập liên minh chống thánh chiến duy nhất thêm khó khăn.
Tiến hành các chiến dịch quân sự mãnh liệt hơn
Hôm Thứ Hai (14/11), Tổng thống Hollande khẳng định: “Vấn đề không phải là kìm hãm, mà là tiêu diệt Daesh”. Ngay lập tức Pháp đã tiến hành hai đợt không kích xuống Raqqa, sào huyệt của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Với 24 chiến đấu cơ (gồm 16 chiếc Rafale và 8 chiếc Super-Etandard) mang theo, tàu sân bay Charles De Gaulle đang trên đường đến khu vực phía đông Địa Trung Hải sẽ tăng gấp ba năng lực oanh kích của Không quân Pháp vốn chỉ dựa vào 6 chiếc Mirage 2000 và 6 chiếc Rafale tại căn cứ ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Jordan. Pháp và Mỹ tăng cường trao đổi tin tình báo về các mục tiêu.
Về phía Nga, sau khi công nhận chiếc máy bay A321 bị rơi tại sa mạc Sinai là do khủng bố đặt bom, Tổng thống Vladimir Putin đã loan báo đẩy mạnh không kích và ra lệnh cho Hải quân Nga hợp tác với “đồng minh” Pháp. Các máy bay Nga đã oanh kích các vị trí của IS tại Raqqa và Deir ez Zor tại Syria, trong khi trước đây bị chỉ trích là đánh vào phe nổi dậy “ôn hòa” chống Assad.
Theo các chuyên gia, kể từ đầu chiến dịch chống IS vào ngày 19/09/2014, Không quân Pháp đã oanh kích 288 vụ trong đó chỉ có 8 vụ trên lãnh thổ Syria. Chiến đấu cơ Pháp bay ở độ cao đáng kể, chỉ có thể nhắm vào những mục tiêu cố định, chứ không thể tấn công xe cộ hay các nhóm quân cơ động. Pháp không triển khai trực thăng chiến đấu và không có các máy bay có thể tấn công xe tăng, xe bọc thép như A10 của Mỹ hay máy bay không người lái.
Phương Tây và Nga đều không muốn can thiệp trên bộ và không có bất kỳ nước Ả-rập nào sẵn sàng đưa bộ binh đến chiến đấu chống IS. Một chiến dịch trên bộ để tái chiếm các lãnh thổ bị quân thánh chiến chiếm đóng tại Syria và Iraq không thể thực hiện được, nếu không có được sự thỏa thuận với Ả-rập Xê-út và Iran.
Tăng cường hợp tác tình báo
Để đối phó với một tổ chức khủng bố như IS, tất cả các nhà quan sát đều cho rằng tình báo là chìa khóa của mọi thành công hoặc thất bại.
Theo giám đốc CIA, các mạng lưới khủng bố đều được huấn luyện và biết cách ẩn giấu các hoạt động của chúng. Như vậy các chính quyền Châu Âu đứng trước thử thách rất lớn là giám sát đám quân thánh chiến từ Iraq và Syria trở về. Cần phải có sự hợp tác nhịp nhàng giữa các nước đang bị bọn khủng bố nhắm đến, đặc biệt là các nước có thái độ còn chần chừ như Thổ Nhĩ Kỳ mà vùng tiếp giáp với Syria thường là nơi phiến quân thánh chiến xâm nhập.
Hướng thứ hai là tăng cường ngân sách cho cảnh sát, lực lượng đặc nhiệm và cơ quan tình báo Pháp. Tại Anh, Thủ tướng David Cameron cũng thông báo ý định tuyển thêm 1.900 nhân viên tình báo và an ninh cho các cơ quan nội vụ (MI5), ngoại vụ (MI6), tình báo mạng (GCHQ), hiện nay đang có 12.700 người.
Cắt đứt các nguồn tài chính
Trên lĩnh vực kinh tế, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo có phương tiện tài chính hết sức dồi dào và đây là lợi thế vượt trội so với tổ chức khủng bố al-Qaeda. IS đã chiếm được một lãnh thổ rộng đến 250.000 km2 trải dài từ Syria đến Iraq, với 10 triệu dân, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan nên có thể xuất khẩu. IS chiếm được rất nhiều tài sản, cộng thêm nguồn thu thuế. Sau khi chiếm Mosul năm 2014, IS đã sở hữu chủ một phần kho bạc Nhà nước Iraq lên đến 400 triệu euro.
Hiện nay IS có nhiều nguồn tài chính. Theo hai nhà nghiên cứu Jean-Charles Brisard và Damien Martinez, chỉ riêng trong năm 2014, tổ chức khủng bố này đã thu vào đến 2,8 tỷ euro. Trong đó, 55% từ tiền bán dầu khí, 12% là thuế đánh vào doanh nghiệp và địa phương, 10% từ sản xuất phốt-phát, 10% bán xi-măng, 7% xuất khẩu nông sản, 4% từ tiền chuộc các con tin và 2% là tiền ủng hộ từ các gia đình Ả-rập giàu có.
Ngoài ra còn phải kể đến việc bán cổ vật, bông vải, thậm chí T-shirt xuất qua đường Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng chủ yếu là dầu lửa, khi IS chiếm được khoảng 15 mỏ dầu ở Iraq năm ngoái, có được các thiết bị, kỹ thuật viên tại chỗ và thừa hưởng hệ thống xuất khẩu do Saddam Hussein thiết lập trong thời kỳ bị cấm vận, do các công ty tư nhân phụ trách.
Việc cắt đứt các nguồn tài trợ này là điều khả thi. Chiến đấu cơ của đồng minh có thể oanh tạc các xe bồn chở dầu. Pháp lâu nay ủng hộ biện pháp này, nhưng Mỹ không muốn vì sợ các tài xế, hầu hết là người Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành nạn nhân. Nhưng sau các vụ khủng bố ở Paris, chỉ riêng trong hôm 15/11, Mỹ đã không kích ồ ạt phá hủy 116 xe chở dầu. Triệt để hơn, còn một giải pháp nữa là Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa không cho các xe chở dầu chạy qua.
Giải độc chủ thuyết Hồi giáo cực đoan
Hàng ngàn thanh niên ở châu Âu đã đi Syria tham gia “thánh chiến”  trong những năm gần đây do trở nên cực đoan vì bị đầu độc bởi các bài viết đầy thù hận trên internet, bị ảnh hưởng từ các giáo sĩ, tiếp xúc với một tên khủng bố trong nhà tù…Làm thế nào để giải độc cho các thanh niên này?
Một chuyên gia về thánh chiến cho rằng Pháp đã bị chậm trễ đến 10 năm so với Đức, Anh. Các nước Bắc Âu từ đầu những năm 2000 đã có kinh nghiệm dựa vào các nhân viên xã hội, giáo sĩ Hồi giáo, cảnh sát, chuyên gia…
Chẳng hạn hiệp hội Wegweiser ở Đức có trụ sở ở đối diện đền thờ Hồi giáo trong các khu phố bình dân. Thành viên gồm các nhân viên xã hội theo đạo Hồi được Bộ Nội vụ trả lương và các tình nguyện viên. Họ đánh động ý thức về mối nguy của thánh chiến tại các địa điểm cầu nguyện, trường học, câu lạc bộ thanh niên.
Tại Anh và Hà Lan, chính quyền không ngần ngại nhờ đến những nhà thuyết giáo, với những bài giảng đạo khác hẳn những kẻ tuyển mộ quân thánh chiến. Nhưng Nhà nước Pháp lâu nay vẫn do dự với ý tưởng can thiệp vào lãnh vực tín ngưỡng hay tài trợ cho những nhà thuyết giáo.
Bên cạnh đó là việc giám sát không gian internet. Tuy các trang web cực đoan đã bị đóng, nhưng Facebook và Twitter vẫn tiếp tục đưa những thông tin tuyên truyền cho thánh chiến.
Liên Hợp Quốc phải đứng ra chống IS
Theo luật sư Roland Weyl, chuyên gia nghiên cứu Hiến chương Liên Hiệp Quốc được thông qua cách đây 70 năm, thì chính tổ chức quốc tế này mới là nhân tố chính phải đứng lên phất cờ chống lại Daesh.
Trả lời phỏng vấn của L’Humanité, chuyên gia Roland Weyl cho rằng IS không phải là một nhà nước mà là một băng nhóm vũ trang đang đe dọa hòa bình thế giới. Chính vì vậy, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải can thiệp, chứ không phải Mỹ hay Pháp chịu trách nhiệm không kích. Chính Hội đồng Bảo an phải đứng ra diệt trừ IS, với lực lượng quốc tế Liên Hợp Quốc.
Trước câu hỏi, liệu năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có thể sử dụng quyền phủ quyết để cản trở việc áp dụng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật sư Roland Weyl khẳng định đối với IS, không có một thành viên nào lại sử dụng quyền phủ quyết.
Minh Châu (TH)

Bình luận(0)