Trung Quốc đã chiếm rạn san hô này từ tay Philippines năm 1995. Năm 2015, Bắc Kinh bắt đầu ráo riết bồi đắp xây dựng trái phép, biến rạn san hô Đá Vành Khăn trước kia chìm dưới nước khi thủy triều lên thành một đảo nổi nhân tạo trên Biển Đông.
|
Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn đường băng, 4 nhà chứa lớn dành cho các máy bay ném bom, 24 nhà chứa nhỏ phục vụ các chiến đấu cơ, 4 hệ thống pháo cao xạ, 2 hệ thống radar... Ảnh: CSIS/AMTI |
Trên đảo nhân tạo này đã xuất hiện đường băng, 4 nhà chứa lớn dành cho các máy bay ném bom, 24 nhà chứa nhỏ phục vụ các chiến đấu cơ, 4 hệ thống pháo cao xạ, 2 hệ thống radar, một nhà máy xi măng và các bến tàu.
Đá Vành Khăn cách đảo Palawan của Philippines không quá 150 hải lý nên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Nhưng Trung Quốc đã tuyên bố đá Vành Khăn là lãnh thổ chủ quyền cùng lãnh hải 12 hải lý. Với lý do này, Bắc Kinh cực lực phản đối việc tàu chiến Mỹ tuần tra khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về hành động mạo hiểm có nguy cơ phá vỡ đàm phán giữa các bên liên quan ở Biển Đông và kêu gọi Hoa Kỳ kiềm chế các hoạt động tuần tra trong tương lai.
Hoạt động nhằm “đảm bảo tự do hàng hải" này diễn ra lần đầu sau 4 tháng ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Trước đây, tất cả những đề nghị tương tự từ giới quân sự Mỹ đều bị Tổng thống Donald Trump từ chối. Thậm chí, các nhà phân tích kết luận chính sách của chính phủ Donald Trump là giảm bớt áp lực với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để có được sự tác động tới CHDCND Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ ở quần đảo Trường Sa sẽ trấn an các nước hy vọng được Mỹ ủng hộ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Báo Financial Times viết: "Hoạt động đảm bảo tự do hàng hải này bắt đầu một tuần trước cuộc họp quan trọng của các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á ở Singapore và sẽ được phần lớn các nước trong khu vực an tâm đón nhận".
Báo này cũng dẫn nhận định của ông Andrew Shearer thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington: "Tự do hàng hải ở phía tây Thái Bình Dương là yếu tố quá quan trọng để có thể đem đổi lấy những lời hứa hợp tác úp mở của Trung Quốc trong các vấn đề khác, dù cho quan trọng như vấn đề Bắc Triều Tiên”.
|
"Tự do hàng hải ở phía tây Thái Bình Dương là yếu tố quá quan trọng để có thể đem đổi lấy những lời hứa hợp tác úp mở của Trung Quốc". Trong ảnh tàu khu trục USS Dewey tuần tra trên biển. Ảnh: WordPress.com |
Nhưng vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột đồng ý với việc điều động tàu đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, điều mà ông đã từ chối suốt 4 tháng qua?
Rất có thể đó là phản ứng trước việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xích gần lại với Bắc Kinh và Moscow, theo nhận định của giáo sư Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các nước Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương Viện Nghiên cứu phương Đông.
Giáo sư Dmitry Mosyakov nhận định: "Không phải ngẫu nhiên tàu khu trục Mỹ đã tiến gần Đá Vành Khăn vốn được Philippines nêu tên trong vụ kiện chống Trung Quốc tại Tòa Trọng tài quốc tế The Hague. Mặc dù Bắc Kinh phớt lờ phán quyết của Tòa án The Hague — không công nhận những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong đó có đá Vành Khăn, nhưng chính sau phán quyết này, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy quan hệ song phương với các bên liên quan tranh chấp lãnh thổ, lôi kéo họ bằng những lợi ích từ hợp tác kinh tế. Điều này được áp dụng đối với Philippines cũng như Việt Nam. Mỹ không thể không có phản ứng trước thực tế như vậy… Việc Bắc Kinh nắm quyền chủ động trên thực tế không phải là điều khiến Washington hài lòng”.
Liệu Mỹ sẽ còn có những hành động mạnh mẽ ở Biển Đông?
Theo giáo sư Dmitry Mosyakov, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không tỏ rõ lập trường về vấn đề này cũng như khó thể nói ông có thể thay đổi quan điểm dưới ảnh hưởng của những sự kiện như thế nào. Đây là yếu tố rất nguy hiểm trong khuôn khổ sự đối đầu toàn cầu giữa hai cường quốc mạnh nhất, có thể dẫn thế giới vào cuộc xung đột nghiêm trọng.